.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng

Thứ Tư, 22/06/2016, 07:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Đại hội XII của Đảng đã đánh giá tổng quát những thành tựu và hạn chế, khuyết điểm qua 30 năm đổi mới (1986-2016) như thế nào?

(Tiếp theo)

Trả lời:

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Hỏi: Qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu gì? Nguyên nhân của các thành tựu?

Trả lời:

Một là, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hai là, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi.

Ba là, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và  tăng cường.

Bốn là, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Năm là, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Nguyên nhân của những thành tựu trên đây là do: Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện. Đảng ta đã nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đường lối đổi mới. Sự nghiệp đổi mới được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ.

Hỏi: Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm qua 30 năm đổi mới?

Trả lời:

Những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu:

Một là, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn có một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn để tiếp tục làm rõ.

Hai là, kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Việc tạo nền tảng để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra.

Ba là, bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hóa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút.

Những hạn chế, khuyết điểm trên đây có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

- Về khách quan: Đổi mới là một sự nghiệp to lớn, toàn diện, lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Tình hình thế giới và khu vực có những mặt tác động không thuận lợi; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị.

- Về chủ quan: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa được quan tâm đúng mức; đổi mới tư duy lý luận chưa kiên quyết, mạnh mẽ, có mặt còn lạc hậu, hạn chế so với chuyển biến nhanh của thực tiễn. Dự báo tình hình chậm và thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến chất lượng các quyết sách, chủ trương, đường lối của Đảng. Nhận thức và giải quyết tám mối quan hệ lớn còn hạn chế. Đổi mới thiếu đồng bộ, lúng túng trên một số lĩnh vực.

Nhận thức, phương pháp và cách thức chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ trương, nghị quyết đúng không được tích cực triển khai thực hiện, kết quả đạt thấp. Một số chính sách không phù hợp với thực tiễn, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Việc quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa được coi trọng thường xuyên, đúng mức, hiệu quả thấp. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách để trọng dụng người có đức, có tài.

Hỏi: Những bài học rút ra sau 30 năm đổi mới?

Trả lời:

Một là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.

Hai là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Bốn là, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)

>> Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng