.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: "Đi bầu cử vì tương lai của chính mình"

Thứ Tư, 18/05/2016, 11:12 [GMT+7]

“Chúng tôi kêu gọi bà con vì tương lai của chính mình hãy đi bầu cử”-Đó là lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia khi trả lời phỏng vấn phóng viên một số cơ quan báo chí vào sáng 17-5.

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn. (Ảnh: TH)

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn.

(Ảnh: TH)

Phóng viên (PV): Trên cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, đồng chí cho biết tiến độ và khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội tính đến thời điểm này?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta biết rằng theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu HĐND, để tiến tới bầu cử là quá trình rất dài. Do bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND được tổ chức cùng chung một ngày nên khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Qua theo dõi địa phương, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết liệt, cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Nói về tiến độ và khối lượng công việc, theo kế hoạch mà Hội đồng bầu cử Quốc gia thông qua, có 9 việc lớn chúng ta đã triển khai thực hiện.

Thứ nhất là hình thành Hội đồng bầu cử Quốc gia, các tiểu ban của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhằm hướng dẫn triển khai công tác bầu cử trong toàn quốc cũng như giải đáp những thắc mắc của địa phương. Đây là hoạt động hình thành sớm nhất.

Thứ hai là đảm bảo kinh phí cho công tác bầu cử. Chúng ta đã quyết định cấp kinh phí từ Trung ương cho các địa phương phục vụ công tác bầu cử và các địa phương đã dành phần kinh phí của mình cho công tác bầu cử.

Nội dung thứ ba rất có ý nghĩa là tiến hành 3 vòng hiệp thương để xác định cơ cấu các ĐBQH cần bầu, sau đó xác định cơ cấu thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH mà đáp ứng tiêu chuẩn ĐBQH để công bố danh sách này trên cơ sở đó các địa phương sẽ tổ chức cho tiếp xúc cử tri.

Nội dung thứ 4 là xác định các đơn vị bầu cử ở các địa phương, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND bầu ở mỗi đơn vị bầu cử và hình thành các ban, các tổ bầu cử ở các địa phương và niêm yết danh sách các ứng cử viên ĐBQH và HĐND.

Hoạt động thứ 5, đó là tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri ở tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần tất cả các ứng cử viên gặp đại diện cử tri của tất cả các phường, xã trong cả nước trong khu vực bầu cử của mình.

Hoạt động thứ 6, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã hoàn thành ba đợt giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị cho bầu cử theo đúng kế hoạch; đã tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, kịp thời nắm bắt tình hình; giải đáp về những tình huống thực tiễn phát sinh; tập hợp phản ánh, kiến nghị để trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương; chỉ đạo những vấn đề cần thiết, quan trọng mà địa phương quan tâm.

Hoạt động thứ 7 là triển khai công tác tuyên truyền về bầu cử theo chiều rộng và chiều sâu để nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của đợt bầu cử lần này và trách nhiệm của công dân đối với việc tham gia công tác bầu cử.

Hoạt động thứ 8 đó là chính quyền địa phương và các đoàn thể phối hợp đảm bảo trật tự trị an cho các hoạt động trước và trong ngày bầu cử.

Hoạt động thứ 9 là tiếp nhận những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến các ứng cử viên và quá trình vận động liên quan đến bầu cử.

Như vậy, 9 công việc lớn chúng ta đã triển khai xong trong thời gian qua và còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử, hiện các địa phương đang rà soát lại việc chuẩn bị và khẳng định lại lực lượng của các tổ bầu cử, ban bầu cử đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 22-5.

PV: Sau 3 vòng hiệp thương bầu cử, những vấn đề nổi lên đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia quan tâm xử lý như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Vòng hiệp thương thứ 3 mục đích là chúng ta thống nhất được danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp và công bố danh sách này. Sau khi công bố, bước tiếp theo là phải chuẩn bị cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri. Việc này hết sức quan trọng vì nó quyết định chất lượng của bầu cử. Vừa qua, Hội đồng bầu cử Quốc gia, MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn cơ sở triển khai công việc này. Đến nay cơ bản đã kết thúc và các ứng cử viên đã hoàn thành việc tiếp xúc cử tri tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Việc thứ hai là chúng ta kiểm tra lại việc niêm yết danh sách các cử tri vì các cử tri có thể chọn nơi bầu khác nhau. Bên cạnh đó, nếu khách du lịch hoặc kiều bào về nước vào đúng ngày bầu cử họ có thể nắm thông tin và chọn nơi tham gia bầu cử.

Hoạt động thứ 3, do điều kiện công tác của các chiến sĩ nơi hải đảo, một số cơ quan đặc biệt phải bầu cử sớm. Trong thời gian vừa qua, sau hiệp thương lần thứ 3, theo đề nghị của địa phương, Hội đồng bầu cử Quốc gia quyết định chấp thuận bầu cử sớm.

Và, cuối cùng là phải tăng cường công tác truyền thông để đảm bảo nhân dân tham gia cao nhất cho đợt bầu cử tới.

Khẩu hiệu bầu cử được trang hoàng ở rất nhiều nơi. (Ảnh:TH)
Khẩu hiệu bầu cử được trang hoàng ở rất nhiều nơi. (Ảnh:TH)

PV: Thưa đồng chí, MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò như thế nào trong quá trình tổ chức các hội nghị gặp gỡ tiếp xúc cử tri cho những người ửng cử ĐBQH?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Theo luật định, MTTQ được giao 2 nhiệm vụ là tổ chức 3 lần hiệp thương và tổ chức chủ trì các hội nghị tiếp xúc cử tri với các ứng viên.

MTTQ các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình cho nên vừa qua rất nỗ lực cùng với chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Uỷ ban bầu cử các tỉnh, thành trong vòng 2 tuần, MTTQ 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri với tinh thần đảm bảo công khai, dân chủ và bình đẳng; thảo luận kỹ với Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử địa phương để có đại diện của tất cả các phường, xã được tiếp xúc với ứng cử viên. Yêu cầu tiếp xúc đầy đủ rộng rãi với cử tri của các ứng cử viên là hết sức quan trọng.

Cùng với đó, mỗi ứng cử viên được quyền trình bày chương trình hành động của mình với thời gian như nhau và được quyền phát biểu ý kiến khi người dân hỏi. Bên cạnh đó, trình bày chương trình hành động của mình trên đài truyền hình, đài tiếng nói các địa phương đảm bảo thời gian, dung lượng như nhau.

Và vấn đề cuối cùng trong khi tiếp xúc cử tri, nếu cử tri có kiến nghị liên quan đến trách nhiệm ĐBQH và Quốc hội khóa tới thì phải tập hợp đầy đủ những ý kiến này để phản ánh cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sau khi đã có Quốc hội mới để tiếp tục xử lý. Thực tiễn qua theo dõi giám sát thì hoạt động này thực hiện tốt, tuy nhiên, việc điều hành cụ thể một buổi tiếp xúc còn khác nhau ở một số nơi nên chúng tôi rút kinh nghiệm sắp tới hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa…

PV: Trong thời gian qua tại một số địa phương có việc người dân bị kích động bởi các phần tử xấu nhằm gây áp lực cho ngày bầu cử sắp tới. Đồng chí có suy nghĩ gì về điều này và có nhắn gửi gì với cử tri cả nước?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Trong cuộc sống, ai cũng quan tâm đến gia đình, quê hương, đất nước mình. Nếu có sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, chúng ta lo lắng cho họ là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, bầu cử 5 năm mới diễn ra 1 lần, chúng ta bầu cử để bầu chọn người thay mặt mình tham gia vào lãnh đạo Nhà nước cao nhất ở Quốc hội và HĐND các cấp ở địa phương.

Tôi cho rằng chúng ta có thể có những tình cảm khác nhau trước những vấn đề xã hội, nhất là có thể có những người thuyết minh các vấn đề đó theo quan điểm riêng làm cho bà con có thể bức xúc, nhưng không nên vì bức xúc một việc nào đó trong thời điểm hiện tại mà lại từ bỏ các quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là chọn ra lãnh đạo đất nước, địa phương trong 5 năm tới.

Chúng tôi khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, trong đó có Mặt trận Tổ quốc vẫn và sẽ luôn cố gắng đảm bảo cho cuộc sống của bà con ngư dân ổn định. Ngư dân khó khăn không bao giờ đơn độc.

Vừa qua, MTTQ Việt Nam cùng với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã bàn bạc và sẽ triển khai ký kết một chương trình phối hợp để hỗ trợ cho các ngư dân gặp khó khăn vừa qua.

Theo đánh giá ban đầu, 12.500 tàu cá trong thời gian ngắn hạn không ra khơi được liên quan đến 60.000 lao động, chúng tôi đã có chương trình hỗ trợ 10% hộ dân khó khăn nhất. Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ rồi. Khi họ có khó khăn sức khỏe, không có điều kiện đi bệnh viện thì chúng tôi hỗ trợ bảo hiểm y tế. Đối với những gia đình bố mẹ không đi đánh cá được không có thu nhập trong ngắn hạn, Mặt trận và các tổ chức thành viên sẽ hỗ trợ không để trẻ em bỏ học.

Rộng hơn, tình trạng hạn mặn đang rất bức xúc, ngày 19-5 này chúng tôi ký kết hỗ trợ 10% cho khoảng 45.000 hộ có phương tiện trữ nước sinh hoạt, có thuốc lọc nước khi cần thiết. Đoàn thanh niên hình thành 10 trạm lọc nước thí điểm, lọc nước lợ thành nước ngọt với công suất 2.000 lít/ngày.

Tôi muốn nói một vài ví dụ để thấy rằng đồng bào bị hạn hán và ngư dân gặp khó khăn không đơn độc. Chính phủ vào cuộc, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể vào cuộc, chúng ta có thể có bức xúc ngắn hạn mình cần suy nghĩ tiếp nhưng đừng vì thế mà bỏ đi quyền quyết định công dân chọn ai lãnh đạo xã mình, huyện mình, tỉnh, thành phố và đất nước này trong 5 năm tới.

Chúng tôi kêu gọi bà con vì tương lai của chính mình hãy đi bầu cử.

PV: Thưa đồng chí, vấn đề người dân quan tâm là làm sao kết quả bầu cử được khách quan, chính xác. Vậy quá trình giám sát việc bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu sẽ được thực hiện như thế nào? Người dân, báo chí hay tổ chức độc lập có được tham gia giám sát kiểm phiếu?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ, các thành viên, cá nhân những người ứng cử, thân nhân của họ hoặc cơ quan giới thiệu người ứng cử, phóng viên báo chí có thể giám sát việc kiểm phiếu.

Nhưng kiểm phiếu là quá trình rất nhạy cảm, làm sao kiểm phải đúng, không ai được làm ảnh hưởng lúc kiểm phiếu. Vì vậy, MTTQ Việt Nam có kiến nghị với Hội đồng bầu cử Quốc gia để có hướng dẫn chi tiết. Chúng tôi góp ý vào bản dự thảo và trong thời gian ngắn nhất, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ hướng dẫn về nội dung này.

Cử tri quận Ba Đình, Hà Nội xem danh sách và tiểu sử của các ứng cử viên. (Ảnh:TH)
Cử tri quận Ba Đình, Hà Nội xem danh sách và tiểu sử của các ứng cử viên. (Ảnh:TH)

Việc giám sát phải đảm bảo đúng, người giám sát là người có thẩm quyền. Nếu là ứng cử viên thì có tên trong danh sách nên biết, người thay mặt ứng cử viên thì phải có uỷ quyền. Cơ quan giới thiệu ứng cử viên có quyền giám sát, người đại diện phải có giấy của cơ quan giới thiệu. Các phóng viên giám sát phải có giấy xác nhận để được tham gia.

Quy định chung là việc giám sát không được làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu, nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành lập biên bản tại chỗ. Đây là nội dung mới đảm bảo tính dân chủ, khách quan theo đúng pháp luật của lần bầu cử này.

PV: Đồng chí có thông điệp gì gửi đến cử tri cả nước trong ngày bầu cử sắp tới?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Theo luật pháp, công dân chúng ta có rất nhiều quyền và nghĩa vụ. Liên quan đến bầu cử thì người dân có 3 quyền đặc biệt cũng là 3 nghĩa vụ.

Thứ nhất là mỗi công dân tự chăm lo cho cuộc sống, gia đình mình để có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Thứ 2, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có nhiệm vụ góp phần bảo vệ Tổ quốc. Thứ 3, góp phần bầu ra những người lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Như vậy 3 quyền này rất là thiêng liêng. Một gia đình muốn hạnh phúc thì cha mẹ phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Một đất nước muốn phát triển tốt thì người lãnh đạo phải có tâm huyết, có trí tuệ, tài năng để lo cho đất nước, lo cho quê hương mình.

Bầu cử là một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước và mỗi địa phương vì nó thể hiện quyền lực của nhân dân trong việc chọn ra người đại diện mình lãnh đạo địa phương và đất nước. Đi bầu cử chính là thực hiện quyền rất thiêng liêng chọn người thay thế mình lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương. Do đó, chúng tôi rất mong bà con quan tâm để bầu cho tốt người lãnh đạo đất nước mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Theo Thu Hà (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)