.
Bài dự thi chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Khi cán bộ không là "công bộc" của dân

Thứ Ba, 24/05/2016, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tại các xã Quảng Châu (Quảng Trạch) và Hoàn Trạch (Bố Trạch), một số cán bộ cơ sở đã có những sai phạm nghiêm trọng, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Cụ thể là các trường hợp Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu và Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch.

Những sai phạm của các cá nhân nêu trên đã bị xử lý nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến họ, những cán bộ cơ sở giữ vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, Nhà nước với công dân, lại có những việc làm sai phạm? Và bài học rút ra từ những sai phạm đó là gì?

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo xử lý sai phạm tại xã Hoàn Trạch (ngày 19-4-2016).
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chỉ đạo xử lý sai phạm tại xã Hoàn Trạch (ngày 19-4-2016).

Đầu năm 2016, qua những lá đơn kiến nghị của người dân xã Quảng Châu (Quảng Trạch) hồ sơ sai phạm của ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Châu với những tình tiết như "cài bẫy" cán bộ, "khủng bố tinh thần" những người viết đơn tố cáo sai phạm, trù dập cán bộ... dần được sáng tỏ.

Tiếp đó, tại xã Hoàn Trạch (Bố Trạch), một số người dân địa phương đã viết đơn khiếu nại, tố cáo về những vi phạm của ông Hoàng Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã trong lĩnh vực đất đai. 

Cả hai vụ việc này, theo dấu đơn thư, cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định những nội dung khiếu kiện của người dân là có cơ sở. Trên cơ sở kết luận của cơ quan chức năng, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch đã ban hành quyết định cho thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Nguyễn Minh Tuấn và chuyển công tác khác.

Đối với vụ việc tại xã Hoàn Trạch, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch và Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cũng đã cách chức Đảng ủy viên và Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch đối với ông Hoàng Đức. Đồng thời, Công an huyện Bố Trạch đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ địa chính xã, là đối tượng chính liên quan đến sai phạm của nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch.

Việc xử lý kỷ luật nghiêm minh các cán bộ vi phạm của huyện Quảng Trạch và huyện Bố Trạch thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên phía sau hai vụ việc này có nhiều câu hỏi đặt ra cần được được phân tích làm rõ để từ đó có những quyết sách đúng đắn hơn trong việc ngăn ngừa và xử lý sai phạm của cán bộ, đảng viên, góp phần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng bộ máy cán bộ nói chung, cán bộ cơ sở nói riêng. Câu hỏi đầu tiên là nguyên nhân nào dẫn đến sai phạm của những cá nhân nêu trên?

Báo cáo của Phòng Nội vụ huyện Quảng Trạch và huyện Bố Trạch cho thấy, các ông Nguyễn Minh Tuấn và Hoàng Đức đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị. Như vậy, có thể khẳng định rằng, họ là những cán bộ được đào tạo bài bản, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Phân loại đánh giá cán bộ cấp xã năm 2015, ông Nguyễn Minh Tuấn được đánh giá là "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Hoàng Đức là "hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Thế nhưng họ đã có những sai phạm nghiêm trọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhìn nhận kỹ hơn về những sai phạm đó, có thể thấy rõ một điều, những cán bộ này đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; không đặt lợi ích của nhân dân và lợi ích chung làm đầu; xem thường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trù dập cán bộ, vụ lợi cá nhân, tùy tiện, vô nguyên tắc trong điều hành công việc...

Bên cạnh nguyên nhân nói trên, qua các vụ việc có thể thấy công tác đánh giá cán bộ, phê bình và tự phê bình còn mang tính chiếu lệ, cả nể, thiếu tinh thần đấu tranh, thậm chí là dung túng, bao che. Chỉ đến khi tình trạng khiếu kiện kéo dài và có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên, những sai phạm này mới được làm rõ và xử lý nghiêm minh. Chính sự nể nang, chần chừ, nhẹ hóa các vi phạm của cán bộ đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài, làm mai một lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Một nguyên nhân không kém quan trọng nữa là sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý cán bộ. Điển hình là trong vụ việc của nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch, với thời gian vi phạm kéo dài nhiều năm, nhưng cấp ủy Đảng, đặc biệt là Bí thư Đảng ủy xã, ông Trần Thanh Trường, đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc, để vi phạm kéo dài, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vơi Đảng, với Nhà nước.

Bên cạnh đó, mặc dù cơ quan chức năng của huyện Quảng Trạch và Bố Trạch đã vào cuộc, nhưng phải đến khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, những sai phạm này mới được giải quyết dứt điểm. Điều này cũng thể hiện sự thiếu kiên quyết và chậm trễ trong xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng đối với cán bộ sai phạm.

Qua các vụ việc này, đã có những bài học quan trọng được rút ra. Đó là cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng bộ máy cán bộ nói chung, cán bộ cơ sở nói riêng. Đối với đội ngũ cán bộ cơ sở cần rút ra bài học quý báu để tiếp tục tu dưỡng, nâng cao phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, tuân thủ triệt để kỷ luật, kỷ cương và nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân... Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức trán....”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI cũng đã xác định “tăng cường xiết chặt kỷ cương, kỷ luật” và "tạo chuyển biến tích cực, tạo sức bật mới trong công  tác cán bộ”. Trong đó, chủ đề năm 2016 là: "Tăng cường xiết chặt kỷ luật kỷ cương, biến lời nói thành hành động".

Đây cũng là phương châm hành động của Tỉnh ủy xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020. Để góp phần thực hiện chủ đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá, sàng lọc và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tin tưởng rằng, với định hướng đúng đắn và quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, sẽ không còn những cán bộ vi phạm, thay vào đó là những “công bộc” tận tụy, biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chấp nhận khó khăn và chịu trách nhiệm về những việc  làm của mình trước Đảng, trước nhân dân, là “công bộc” tận tụy như lời Bác Hồ đã dạy.

Ngọc Mai