.

Người đại biểu nhân dân: Vinh dự, thách thức và trách nhiệm

Thứ Hai, 04/04/2016, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Vinh dự lớn lao cho những ai sẽ được cử tri tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND. Vinh dự lớn nhưng thách thức cũng nhiều bởi vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp được nhân dân giao cho rất lớn. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu phải thật sự có tầm, có tâm, thật sự xứng đáng với niềm tin, mong đợi của nhân dân.

Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đảng ra sức thi đua lao động sản xuất, lập thành tích hướng tới chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước, đó là chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020.

Cuộc bầu cử lần này còn có một ý nghĩa to lớn, bởi được diễn ra ngay sau thành công đại hội Đảng các cấp, đồng thời là nhiệm kỳ đầu triển khai kiện toàn bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Các quy trình, thủ tục giới thiệu, lựa chọn người ứng cử, bầu cử đang được các cấp, các cơ quan chức năng tích cực triển khai theo quy định của pháp luật. Nhân dân đang rất chờ đợi, kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND mới với nhiều hứa hẹn mới.

Vinh dự lớn lao cho những ai sẽ được cử tri tin tưởng bầu vào “Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”,  thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, của các địa phương, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, các văn bản pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và HĐND các cấp.

Không vinh dự sao được khi chức danh “Đại biểu nhân dân” (bao gồm ĐBQH và đại biểu HĐND) là do hàng trăm, hàng ngàn lá phiếu từ chính tay của cử tri trực tiếp đi bầu. Hơn thế, đó là sự gửi gắm niềm tin, hi vọng của nhân dân từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đạo xa xôi, vào các vị đại biểu vinh dự vì được nhân dân giao cho trọng trách vô cùng to lớn đối với Quốc hội và HĐND các cấp trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, mà các đại biểu sẽ là người thay mặt nhân dân quyết định những nội dung trọng đại đó.

Vinh dự nhiều nhưng cũng không ít thách thức đối với những ai sẽ là đại biểu của nhân dân. Thách thức nhiều bởi vì vai trò, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp được nhân dân giao cho là rất lớn, rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu phải thật sự có tầm và có tâm để làm cho cơ quan “Quyền lực Nhà nước cao nhất” và “Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” thật sự xứng đáng với niềm tin, mong đợi của nhân dân. Không ai khác, chính đại biểu là thành phần, là hạt nhân chủ yếu góp phần tạo nên niềm tin đó, đáp ứng sự mong đợi đó của Nhân dân.

Thực tế, đã có một số đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở một số địa phương không giữ được mình, chỉ vì tham quyền, danh lợi mà đánh mất niềm tin của nhân dân, làm cho nhân dân bức xúc, bất bình. Do vậy, người đại biểu phải vững vàng, có bản lĩnh để không chỉ giữ mình trong sạch, mà còn phải tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; phải có phẩm chất đạo đức tốt, nhân cách mẫu mực.

Mặt khác, với cơ cấu, thành phần đại diện của Quốc hội và HĐND các cấp như hiện nay, không ít đại biểu vừa là thủ trưởng các cơ quan Nhà nước hoặc lãnh đạo các địa phương, vừa là đại biểu của nhân dân, đòi hỏi họ phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức để vừa hoàn thành nhiệm vụ được phân công vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Bản thân mỗi đại biểu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên cương vị công tác, và hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân. Vì có làm tốt nhiệm vụ công tác thì nhân dân mới tín nhiệm bầu, khi được bầu làm đại biểu rồi cần phải làm tốt hơn để xứng đáng với sự tín nhiệm.

Để làm được điều đó, người đại biểu phải luôn sâu sát, gần gũi với nhân dân; liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; có trách nhiệm tiếp công dân, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội hoặc HĐND và cơ quan nhà nước liên quan; phải có chính kiến, bản lĩnh vững vàng, dám làm, dám chịu vì quyền lợi của nhân dân là trên hết.

Ngoài ra, người đại biểu nhân dân cần phải tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, hiểu biết pháp luật sâu rộng. Bên cạnh đó, cần nắm vững nội dung và thực hành tốt các kỹ năng hoạt động của người đại biểu dân cử như kỹ năng tiếp xúc cử tri, thảo luận, chất vấn, thẩm tra, giám sát, tiếp công dân...

Nguyễn Ánh Tuyên