.
Hoạt động của Đoàn ĐBQH Quảng Bình tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII:

Tích cực đóng góp vào sự thành công của kỳ họp

Thứ Tư, 13/04/2016, 04:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, trong phiên thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn và đại biểu Nguyễn Mạnh Cường-đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã phát biểu đánh giá cao chất lượng các báo cáo.

(Tiếp theo và hết)

Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều đổi mới trong công tác, khắc phục được nhiều thiếu sót, hạn chế; giải quyết kịp thời, tích cực một số đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng từ nhiệm kỳ trước, tạo được niềm tin trong nhân dân và cử tri cả nước; góp phần tích cực, quan trọng trong phát triển KT-XH , ổn định đời sống nhân dân; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong một số báo cáo cần xem xét để bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn; đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế, cần thẳng thắn chỉ ra để thời gian tới có giải pháp tập trung thực hiện tốt hơn; cụ thể là:

Thứ nhất, trong báo cáo Chủ tịch nước và Chính phủ cần tập trung đánh giá sâu hơn những hạn chế của việc tổ chức thực hiện; không cần thiết phải nêu một số nội dung khuyết điểm như: Năng lực dự báo còn hạn chế; một số chỉ tiêu phát triển KT-XH chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao; các đột phá chiến lược hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu... Vì thực ra những vấn đề này Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ phải tuân thủ đường lối và các chỉ tiêu được đề ra từ Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Thứ hai, trong những hạn chế, có những hạn chế Quốc hội cũng cần chia sẻ với Chính phủ do nhu cầu chi thì lớn nhưng ngân sách thu chưa đáp ứng; vấn đề được mùa rớt giá, hay buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả chắc chắn là khó để khẳng định lúc nào thì chấm dứt được. Vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có cả ý thức của người dân và việc quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên điều mà cử tri và nhân dân bức xúc, thường xuyên kiến nghị đề nghị Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn và đẩy lùi là tình trạng suy thoái về đạo lối sống; tham nhũng, lãng phí; chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy thành tích; gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra khái niệm mới “chạy luân chuyển”.

Như vậy là cứ có một chính sách mới là có chạy. Việc này Đảng biết, Chính phủ biết, dân biết; nhưng câu hỏi “ai chạy, chạy ai” thì không trả lời được. Hạn chế ở đây là thiếu cơ chế quản lý, giải pháp quyết liệt, chưa gắn trách nhiệm với người đứng đầu; nói nhưng chưa làm, làm không  đến nơi, đến chốn.

Thứ ba, việc tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước làm chưa tốt. Hạn chế này có cả trong Đảng, Quốc hội, trong toàn bộ máy nhà nước, cần được tập trung làm tốt trong thời gian tới.

Thứ tư, trong báo cáo của Toà án cũng như của Viện Kiểm sát đề cập nhiều đến thành tích đạt được, ít đề cập đến tồn tại, hạn chế. Cụ thể, báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao có gần 30 trang kết quả đạt được nhưng chỉ có nửa trang nêu những hạn chế chung chung như: Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm; để một số vụ án kéo dài việc giải quyết; một số kiểm soát viên chưa nâng cao chất lượng tranh tụng, vi phạm kỷ luật nghiệp vụ.

Trong lúc đó một số hạn chế làm dư luận xã hội bức xúc, tồn tại nhiều năm lại không được đề cập trong báo cáo như: để xẩy ra oan, sai người vô tội; bỏ lọt tội phạm; trường hợp tạm giữ, tạm giam bị đánh chết hoặc bị bức cung, nhục hình; việc giải quyết đơn khiếu nại, giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, dân sự chưa kịp thời. Vấn đề tiêu cực trong truy tố, điều tra vẫn còn chậm khắc phục. Hậu quả của việc này sẽ không đưa ra được giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới, làm cho một số nội dung hạn chế của Toà, Viện sẽ lặp đi, lặp lại mà thôi.

Báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao có 23 trang nêu kết quả đạt được và chưa đến một trang trình bày về hạn chế, nhưng cũng chưa nêu một số hạn chế như: Còn để tình trạng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo qui định của pháp luật do lỗi chủ quan, như tòa án quyết định sai, tuyên sai, tuyên không rõ nội dung, sai sót thông tin số liệu... dẫn đến việc nhiều bản án không thi hành được, có những bản án tồn đọng trên chục năm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn để tồn đọng khá nhiều.

Việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật trong ngành Toà án cũng chưa được thể hiện rõ. Chưa có giải pháp tập trung để giải quyết những tồn tại, hạn chế nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo thêm niềm tin của ngành Toà án trong nhân dân.

Sau khi phân tích, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm khắc phục sự chồng chéo, những hạn chế do luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn chậm, dẫn đến những sai sót của ngành Toà án cũng như Viện kiểm sát. Quan tâm đến cơ sở vật chất, nhất là cơ sở vật chất của các huyện, thị, không để tình trạng Toà án, Viện Kiểm sát phải thuê, mượn trụ sở như các báo cáo đã nêu. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, khai thác, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, không để chảy máu chất xám; quan tâm cải cách tiền lương và phụ cấp phù hợp với vị trí việc làm nhằm bảo đảm sự công bằng.

Đối với ngành Toà án và Viện kiểm sát, đại biểu đề nghị cần có giải pháp khắc phục triệt để đơn thư tồn đọng, án tồn đọng mà lỗi thuộc về ngành mình. Tập trung giải pháp để khắc phục, hạn chế tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa đổi do lỗi chủ quan của Thẩm phán; tập trung giải quyết số lượng lớn đơn đề nghị giám đốc thẩm còn tồn đọng...

Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao cố gắng nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, sự linh hoạt trong việc đưa ra giải pháp, giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Chính phủ nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung vẫn còn những điều nợ dân chưa giải quyết, đó là tình trạng kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, bội chi, nợ công cao, năng suất lao động thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Thủ tục hành chính, bộ máy biên chế cồng kềnh, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Vấn đề chủ quyền biển đảo, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, khai thác tài nguyên... còn nhiều bất cập.

Tán thành với những hạn chế, bất cập đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ; tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm một vấn đề mà trong báo cáo chưa đề cập tới, đó là vấn đề xuống cấp về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân.

Đại biểu cho rằng, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân rất quan trọng đó là bất cập, yếu kém trong vấn đề quản lý nhà nước và cần phân tích sâu hơn vấn đề này để có giải pháp khắc phục. Nếu chỉ có tuyên truyền, treo pano, dán áp phích thì không đủ. Cần có giải pháp đồng bộ từ ban hành, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật cho đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về pháp luật, cần bảo đảm tính khả thi phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, khi ban hành pháp luật quy định cấm đi bộ dưới lòng đường thì phải có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè, cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng... hình thức xử phạt phải nghiêm minh có tính răn đe cao. Tuy hình phạt cần nghiêm minh nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn và mức độ vi phạm, đừng ban hành những nghị định kiểu như quy định khi người dân chỉ quên gạt chân chống xe máy thì họ có thể bị phạt đến vài triệu đồng và tước giấy phép lái xe hoặc ban hành thông tư bắt buộc xe ô tô con phải có bình chữa cháy... quy định không hợp lý sẽ khó đi vào thực tiễn và làm mất quyền uy của văn bản pháp luật.

Về tổ chức thực hiện, nếu vi phạm pháp luật mà không xử lý thì pháp luật sẽ nhờn, do vậy phải cương quyết xử lý mặc dù có thể có những phản ứng tức thì của một bộ phận người quá khích chống đối. Không để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng nhưng phạt rồi thì để cho tồn tại, hàng giả nhưng không bị tiêu hủy, xả rác bừa bãi nơi công cộng không bị xử lý...

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng có 2 đại biểu đăng ký phát biểu; tuy vậy, do số ý kiến tham gia nhiều và đăng ký muộn nên không còn thời gian để trình bày ý kiến của mình trước diễn đàn.

Bên cạnh việc tham gia phát biểu tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng tích cực tham gia ý kiến trong các phiên thảo luận tại Tổ, tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến xây dựng pháp luật và nhiều nội dung khác. Đặc biệt, các đại biểu hết sức quan tâm đến công tác nhân sự, đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến để Quốc hội miễn nhiệm đúng quy trình, thủ tục đối với những người không được Quốc hội tiếp tục giới thiệu vào các vị ví lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Nhà nước.

Đối với những người được giới thiệu thay thế các vị trí đã miễn nhiệm, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ hơ, lý lịch, tiểu sử của từng cá nhân, thảo luận sôi nổi về nội dung này và đã sáng suốt thống nhất lựa chọn, giới thiệu và cùng Quốc hội bầu được những người xứng đáng vào các vị trí Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số chức danh lãnh đạo cao cấp khác trong bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước ta.

Ngoài việc tham gia đầy đủ nội dung, chương trình của kỳ họp, các đại biểu cũng tích cực tham gia vào nhiều hoạt động khác của các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với đại biểu Quốc hội các đoàn để rút kinh nghiệm hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Phong Hồng-Ất Mão