.
Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI:

Vấn đề cử tri quan tâm

Thứ Năm, 10/12/2015, 13:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI, lãnh đạo các đơn vị đã đề cập những vấn đề cử tri quan tâm như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tiến độ các dự án đầu tư; chính sách đền bù GPMB dự án nâng cấp QL1...

>> Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI: Quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020

>> Tập trung trí tuệ, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt kế hoạch năm 2016 (*)

>> Khai mạc kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI

* Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được sản xuất trên địa bàn đang được kiểm soát khá chặt chẽ

- Đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (CL,VSATTP) là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Năm 2015, với sự chỉ đạo quyết liệt của sở, sự phối hợp của các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, công tác quản lý CL,VSATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm này có thể khẳng định các sản phẩm nông lâm thủy sản, thực phẩm được sản xuất trên địa bàn đang được kiểm soát khá chặt chẽ, chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 9004/BNN-TTr ngày 2-11-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 1424/UBND-KTN ngày 17-11-2015 về việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động ban hành Kế hoạch số 1774/SNN-TY ngày 20-10-2015 về kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc (Thanh tra sở, Chi cục Thú y, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản) phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, sở giao cho Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị tiến hành tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại 39 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; thanh tra, kiểm tra tại 43 cơ sở chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn tỉnh, lấy 43 mẫu (28 mẫu thịt, 15 mẫu nước tiểu gia súc) để phân tích dư lượng chất tăng trọng (Clenbuterol, Salbutamol).

Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, phân tích mẫu đều âm tính chưa phát hiện việc sử dụng chất tăng trọng và chất Vàng-O (VAT-Yellow). Đồng thời, sở đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề này để người dân hiểu và giám sát các loại thực phẩm. Cụ thể, sở đã cấp phát hơn 10.000 tờ rơi tuyền truyền cấm sử dụng chất tăng trọng trong hoạt động chăn nuôi; phối hợp với Đài PT-TH và Báo Quảng Bình đăng nhiều tin, bài, phóng sự về hoạt động thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền tác hại của chất tăng trọng và chất Vàng-O trong chăn nuôi...

Các hoạt động trên đã có tác động tích cực trong việc thay đổi nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta.

Đối với việc triển khai đợt cao điểm hành động “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1417/KH-UBND ngày 13-11-2015 về triển khai đợt cao điểm hành động “Năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp” tỉnh Quảng Bình. Trong đó đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể và các địa phương có liên quan.

Trên cơ sở kế hoạch này, hy vọng các cơ quan chức năng có liên quan sẽ vào cuộc một cách tích cực để giải quyết triệt để những vấn đề mà dư luận đang bức xúc, nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

P.V (thực hiện)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực công thương

- Đồng chí Phan Văn Thường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương

Năm 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng; lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phát triển khá với các ngành nghề mộc mỹ nghệ, chế biến nông-lâm-thủy sản, mây tre đan, nón lá, đóng tàu thuyền, cơ khí sửa chữa..., góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.

Hoạt động thương mại tiếp tục có sự tăng trưởng khá, đáp ứng nhu cầu vật tư, hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, ngành cũng đã tích cực đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó ưu tiên dùng hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất.

Tuy nhiên, lĩnh vực công thương vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại. Đó là hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh yếu. Mặt khác, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp triển khai chậm tiến độ; chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn để tạo sự đột phá.

Đặc biệt, giá trị kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra do giá các mặt hàng xuất khẩu như cao su, gỗ... giảm mạnh, thị trường xuất khẩu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. 

Vì thế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công thương, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để khai thác tốt công suất các nhà máy hiện có và các dự án mới đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực công thương; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại...; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở rà soát, cắt giảm các thủ tục rườm rà để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc.

Để giải quyết những vấn đề này, theo tôi, các cơ quan chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính; có chính sách ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực công thương để thu hút, triển khai các dự án lớn của ngành nhằm tạo sự tăng trưởng, nâng cao nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đền bù GPMB dự án nâng cấp QL1

- Đồng chí Phạm Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Công tác GPMB các dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao UBND tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện; UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thành phố, thị xã nơi dự án đi qua làm chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB tại Quyết định số 1266/QĐ-UBND ngày 3-6-2013.

Trên cơ sở đó, Hội đồng GPMB các địa phương tiến hành công tác trích đo địa chính, kiểm đếm, lập phương án bồi thường và niêm yết công khai mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Các chủ đầu tư, nhà đầu tư chỉ thực hiện việc chuyển kinh phí theo phương án bồi thường được UBND các huyện, thành phố, thị xã phê duyệt để Hội đồng GPMB các địa phương tiến hành chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Vì vậy, đối với các kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng, sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành kiểm tra, rà soát lại trình tự, thủ tục trong công tác GPMB phục vụ thi công dự án. Trường hợp có các thắc mắc, kiến nghị của người dân sở tiếp tục chỉ đạo Hội đồng GPMB các địa phương giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, bảo đảm tính công bằng, minh bạch và khách quan.

Riêng đối với các trường hợp đã được đền bù, đề nghị chính quyền các địa phương yêu cầu các hộ dân khẩn trương và nghiêm túc chấp hành việc giải tỏa, di dời để bàn giao mặt bằng, tránh tình trạng tái lấn chiếm cũng như hạn chế được việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Tr.T (thực hiện)

Đề nghị HĐND tỉnh xem xét, giải quyết chế độ cho nhân viên cấp dưỡng trường mầm non

- Đồng chí Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo

Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, giáo dục mầm non Quảng Bình đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt từ khi được chuyển đổi qua công lập, cấp học mầm non đã ổn định về loại hình trường, lớp; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tuyển dụng vào biên chế đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tuy nhiên hiện tại các trường mầm non công lập đang gặp khó khăn trong công tác bán trú do không có nguồn kinh phí để trả lương cho nhân viên cấp dưỡng.

Theo Thông tư liên tịch số 06/2015 của liên Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Nội vụ ngày 16-3-2015 (thay thế cho Thông tư 71/2007), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2015 đã quy định rõ: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nghĩa vụ nấu ăn,... Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký một lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn”. Cũng theo công văn phúc đáp số 4794/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi UBND tỉnh đã nêu rõ: “Đối với trường mầm non công lập nguồn kinh phí trả lương cho nhân viên nấu ăn và bảo vệ tại các trường mầm non sẽ do ngân sách địa phương chi trả theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành”.

Sở Giáo dục-Đào tạo đã nhiều lần gửi tờ trình cho HĐND và UBND tỉnh về việc đề xuất chế độ hỗ trợ kinh phí trả lương cho nhân viên cấp dưỡng trong các trường mầm non tổ chức bán trú. Gần đây nhất là Tờ trình số 1375/TTr-SGDĐT, ngày 14-7-2015 có đề xuất 2 phương án cụ thể, song vẫn chưa được HĐND và UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Hiện toàn tỉnh có 1.036 nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non. Trừ huyện Lệ Thủy đã có quyết định của UBND huyện quy định mức hỗ trợ từ ngân sách huyện và mức đóng góp của phụ huynh; thành phố Đồng Hới thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục khá thuận lợi nên phần nào bảo đảm chế độ cho nhân viên cấp dưỡng; các địa phương còn lại hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các xã miền núi, bãi ngang, đời sống còn nhiều khó khăn, không thể thu tiền hỗ trợ từ phía phụ huynh.

Sở Giáo dục-Đào tạo đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu giải quyết, tạo điều kiện và bảo đảm quyền lợi cho nhân viên cấp dưỡng các trường mầm non, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Ngọc Mai (thực hiện)