.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình những năm 1989-1997

Thứ Sáu, 04/12/2015, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII và Quyết định số 87/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, tỉnh Bình Trị Thiên được chia thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Quảng Bình trở về địa giới cũ với tên gọi vốn có trong lịch sử. Việc chia tách tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chỉ đạo, điều hành quản lý sâu sát cơ sở.

>> Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thời kỳ sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989)

Ông Phan Lâm Phương, ĐBQH Quảng Bình tham luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IX.
Ông Phan Lâm Phương, ĐBQH Quảng Bình tham luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa IX.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khóa VIII sau ngày tái lập tỉnh (1989-1992)

Sau khi tách tỉnh, Đoàn ĐBQH Bình Trị Thiên cũng chia thành ba Đoàn, trong đó Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 6 đại biểu, do ông Nguyễn Văn Bộ làm Trưởng đoàn, gồm các ông, bà:

1. Nguyễn Văn Bộ
2. Phạm Bá Hạt
3. Nguyễn Xuân Ngại
4. Hà Thị Riên
5. Trần Hoàn
6. Lê Tài.

Sau thời gian chia tách tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa VIII tiếp tục tham gia cùng với Quốc hội quyết định điều chỉnh tổ chức bộ máy và những vấn đề quan trọng của đất nước như thành lập và đổi tên một số bộ, ngành Trung ương.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia các hoạt động lập hiến, lập pháp, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh như tham gia sửa đổi Hiến pháp 1980, ban hành Hiến pháp 1992 và sửa đổi một số luật, pháp lệnh cho phù hợp với quá trình đổi mới của đất nuớc.

Trong nhiệm kỳ 5 năm hoạt động, trên cơ sở phát huy những ưu điểm của các khóa Quốc hội trước, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Trị Thiên, rồi đến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa VIII đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Đoàn là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả đáng ghi nhận là có sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ với tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa Đoàn ĐBQH với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các sở, ngành.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chỉ là tiến bộ bước đầu. Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh tự kiểm điểm nhận thấy còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhất là những vấn đề về công tác giám sát mới chỉ dừng ở mức độ phát hiện; nhiều nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề KT-XH mới chỉ dừng lại ở những nhận xét, đánh giá chung mà chưa nêu ra được giải pháp thiết thực để góp phần tháo gỡ khó khăn, bế tắc và khắc phục những tồn tại kéo dài; nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội hoặc chính sách dân tộc, thi hành pháp luật... được nhân dân quan tâm nhưng chưa được đặt ra thành các chuyên đề để Quốc hội thảo luận và quyết định.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khóa IX (1992-1997)

Ngày 19-7-1992, cử tri cả nước phấn khởi, hào hứng đến các điểm bầu cử để bầu ra các ĐBQH khóa IX. Kết quả kết quả bầu cử Quốc hội trong cả nước có 395 đại biểu trúng cử, trong đó tại tỉnh Quảng Bình có 4 đại biểu trúng cử là:

1. Trần Hòa
2. Nguyễn Thị Thu Hoài
3. Lý Tài Luận
4. Phan Lâm Phương

Căn cứ vào luật tổ chức Quốc hội năm 1992, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa IX được thành lập và bầu đại biểu Trần Hoà - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình làm Trưởng đoàn.

Quốc hội khóa IX được bầu ra và hoạt động trong giai đoạn toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đề ra, nhằm phấn đấu đưa nước ta tiến lên giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh CNH, HĐH, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, từng bước xây dựng thành công CNXH.

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa IX, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia quyết định tổ chức bộ máy Nhà nước, thể chế hóa Cương lĩnh và chiến lược ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại và tổ chức bộ máy Nhà nước 1992-1997. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia tích cực hoạt động lập pháp, cùng Quốc hội thông qua 41 luật, 42 pháp lệnh, 51 nghị quyết và nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác.

Đoàn ĐBQH tỉnh đã có một số đề xuất trong phát triển kinh tế-xã hội như tập trung xây dựng nhà máy xi măng, chương trình 327, vấn đề nhập khẩu, lắp ráp ô tô trong nước và một số vấn đề khác trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng như quy hoạch đào tạo ngành nghề ở bậc đại học - cao đẳng chuyên nghiệp, góp phần cùng Quốc hội ra những nghị quyết sát đúng, phù hợp với lòng dân.

Trong quá trình giám sát các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung xem xét và yêu cầu các ngành chức năng trả lời việc giải quyết các vụ việc có nội dung liên quan đến tham nhũng, buôn lậu, lãng phí. Dành thời gian thích hợp làm việc với các cơ quan bảo vệ pháp luật, để làm rõ và có biện pháp xử lý các vụ việc tồn đọng tại địa phương.

Ngoài ra Đoàn ĐBQH tỉnh còn phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, sở Giáo dục - Đào tạo, Ban Dân tộc miền núi tổ chức đoàn đi giám sát các Trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh và hai huyện Lệ Thủy, Minh Hóa. Qua giám sát thực tế việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh Trường Dân tộc nội trú, Đoàn đã có những kiến nghị thiết thực đối với các cấp, các ngành liên quan.

Trên cơ sở chương trình đã đề ra, Đoàn ĐBQH bố trí sắp xếp các ĐBQH trong Đoàn tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra theo chức năng, thực hiện việc tiếp công dân theo định kỳ, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân gửi đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết; tiến hành TXCT trước và sau kỳ họp.

Qua 5 năm hoạt động, với tinh thần trách nhiệm cao, Đoàn đã phối với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức được 140 cuộc TXCT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Qua các cuộc TXCT, nhiều vấn đề nhân dân kiến nghị như: Cho dân nghèo vay vốn sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, cứu trợ nhân dân các vùng thiếu đói lúc giáp hạt, vùng bị thiên tai lũ lụt, miễn học phí, viện phí cho các vùng miền núi dân tộc thiểu số, đảm bảo các chính sách xã hội khác...

Các ý kiến đề xuất của cử tri đều được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ báo cáo với UBTVQH, góp phần cùng Quốc hội đưa ra những Nghị quyết sát đúng với tình hình của địa phương. Việc tiếp công dân cũng dần đi vào nền nếp, theo định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, Đoàn phối hợp với thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng các ban ngành chức tổ chức tiếp dân tại trụ sở của văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng thời có những buổi tiếp dân không chính thức đối với cá nhân đại biểu tại nơi làm việc hoặc lúc đi công tác tại cơ sở.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tiếp nhận trên 400 lượt người đến khiếu nại và nhận được 250 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đoàn đã phân loại và xử lý theo đúng chứng năng và trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

P.V (lược trích)