.

Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Đóng góp nhiều ý kiến xác đáng

Thứ Tư, 18/11/2015, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp, trong phiên thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu cho rằng, tham nhũng một vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi lẽ tham nhũng đã làm cho tình hình chính trị bê bối, thể chế suy yếu và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại tới kinh tế, băng hoại đạo đức, lối sống trong xã hội hiện tại và tương lai.

Sau khi phân tích kỹ về các loại hành vi, dấu hiệu tham nhũng và tác hại của nó, đại biểu cho rằng, để đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng trong thời gian tới, ngoài 8 giải pháp được nêu trong báo cáo cần tập trung khẩn trương triển khai các chủ trương của Ðảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, công khai tổ chức, cá nhân tham nhũng.

Đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội; thực hiện nghiêm Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo tinh thần xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan thường trực, tham mưuvề công tác phòng chống tham nhũng.Tập trung giáo dục làm trong sạch bộ máy công quyền mà trước hết là cơ quan bảo vệ pháp luật; bộ máy kiểm toán, thanh tra...

Thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã phát biểu đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội.

Đại biểu cho rằng, những kết quả đạt được đã khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế và là kết quả của sự tổng hoà với nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngoài các giải pháp đã nêu trong báo cáo, đại biểu đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo để tận thu các nguồn thuế, tăng cường nuôi dưỡng thu; thực hiện cân đối giữa đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội giữa các vùng và từng tỉnh; đồng thời, đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết tổng rà soát tổng thể từng ngành, từng lĩnh vực chuyên sâu từ bộ đến tỉnh về tồn đọng, hạn chế để có giải pháp khắc phục, xem đây là một đợt “kiểm tra sức khỏe” toàn diện nền kinh tế-xã hội.

Thảo luận ở hội trường về Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực thi pháp luật về đất đai ở các nông, lâm trường quốc doanh, đại biểu Trần Minh Diệu đã có ý kiến phát biểu đồng tình với báo cáo khi đánh giá quá trình thực thi pháp luật về đất đai tại các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại hạn chế. Sau khi nêu và phân tích những hạn chế, sai phạm khá phổ biến trong lĩnh vực này, đặc biệt là hạn chế về hiệu quả sử dụng đất, đại biểu đồng tình với việc Quốc hội có nghị quyết về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Tuy nhiên, căn cứ từ tình hình thực tế, đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị; trong đó, đề nghị dự thảo nghị quyết cần sửa lại theo hướng hạn chế tối đa việc chuyển rừng phòng hộ thành rừng kinh tế, đồng thời phải đánh giá tác động về mặt xã hội, môi trường; xem xét lại hiệu quả chuyển đổi vừa qua một cách khách quan, khoa học và cần có những quy định nghiêm ngặt để bảo vệ rừng phòng hộ, kể cả rừng phòng hộ ở những nơi ít xung yếu.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã phát biểu đồng tình với việc ban hành luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nhiều nội dung của dự án luật cần phải được xem xét, bổ sung, hoàn thiện; trong đó, cần bổ sung nội dung đánh giá quân nhân chuyên nghiệp, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn phân loại đánh giá quân nhân; quy định về việc từ chức, miễn nhiệm; về thanh tra; kiểm tra; đánh giá quân nhân và thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật.

Về quyền và nghĩa vụ tại Điều 7, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được đào tạo nếu tự ý bỏ việc thì phải đền chi phí đào tạo theo quy định. Đề nghị đổi tên chương VI “Xử lý vi phạm” thành chương: “Khen thưởng và kỷ luật” và đề nghị cần rà soát, điều chỉnh lại một số điều, khoản liên quan khác; trong đó, chú trọng điều chỉnh cơ chế, chính sách cho quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng phù hợp với mặt bằng chung của cán bộ công chức; tránh sự mất công bằng gây thắc mắc và khả năng đáp ứng của nền kinh tế, cũng như khả năng thực thi khi áp dụng luật.

Ngoài việc tham gia phát biểu ở hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng tích cực đóng góp nhiều ý kiến trong các phiên thảo luận tại tổ. Tính đến nay Quốc hội đã tổ chức được 7 buổi thảo luận tại tổ; trong đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đã có 18 lượt ý kiến tham gia phát biểu. Các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đều nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội trong tổ, được thư ký ghi chép, phản ánh đầy đủ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, đưa vào giải trình.

Bên cạnh thảo luận cho ý kiến đối với các dự thảo dự án luật, đại biểu còn quan tâm đến những kiến nghị, thắc mắc của cử tri chưa được giải quyết và đã nghiên cứu gửi ý kiến chất vấn bằng văn bản đến một số Bộ trưởng, trưởng ngành và đề nghị sớm trả lời để cử tri được rõ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu chất vấn 2 vấn đề. Trước hết, theo đại biểu, việc Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12-5-2011 của Bộ Công thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống chưa qua sử dụng đã gây phản ứng trong cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phản ánh, cho rằng theo quy định bổ sung thì việc để được chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh là cả một sự thách đố đối với nhiều doanh nghiệp; theo đó, chỉ  một số doanh nghiệp được độc quyền thao túng thị trường mặt hàng này, tạo nên sự thiếu lành mạnh trong cạnh tranh. Doanh nghiệp cho rằng, có dấu hiệu biểu hiện lợi ích nhóm trong vấn đề này.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng trước phản ánh trên và cách điều chỉnh của Bộ trưởng sắp tới như thế nào. Nội dung thứ 2, đại biểu phản ánh về tình trạng một số nhà máy, khu công nghiệp, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến khu dân cư và sức khỏe của người dân. Một số khu công nghiệp, nhà máy quy hoạch, giải phóng mặt bằng rồi chậm triển khai hoặc bỏ trống gây lãng phí, người dân thì không có đất sản xuất, thiếu việc làm. Từ cơ sở đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào.

Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu phản ánh, hiện tại vẫn tồn đọng một số vụ việc không thể giải quyết được do vướng mắc từ bản án tuyên có sai sót hoặc vì nhiều lý do khác nhau nhưng hết thời hiệu, hoặc do không có tình tiết mới để xử lý, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, yêu cầu được giả quyết; vì vậy, đề nghị Chánh án cho biết quan điểm giải quyết của Chánh án đối với các vụ việc cá biệt này như thế nào để chấm dứt đơn, thư trong thời gian tới.

Bên cạnh thực hiện quyền chất vấn bằng văn bản, các đại biểu đã tích cực  nghiên cứu chuẩn bị các ý kiến chất vấn để thực hiện quyền chất vấn tại các phiên chất vấn trực tiếp trong thời gian tới.

Trong quá trình tham gia kỳ họp, các đại biểu còn tham gia trả lời phỏng vấn của phóng viên kênh truyền hình Quốc hội và một số tờ báo khác; tích cực tham gia các phiên họp ngoài giờ do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức.

Phong Hồng-Ất Mão

>> Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Tích cực đóng góp nhiều ý kiến