.

Đảng bộ huyện Quảng Ninh 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Năm, 05/11/2015, 10:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ trong phong trào yêu nước và cách mạng những ngày đầu thế kỷ XX, ở Quảng Ninh đã xuất hiện một số thanh niên và trí thức tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tình nguyện tham gia cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng và trở thành những người cộng sản đầu tiên trên địa bàn huyện như các đồng chí Lê Đình Triển, Phạm Xuân Tuynh... Từ những chiến sỹ cộng sản đầu tiên, các phong trào đấu tranh của quần chúng trong huyện đã lớn mạnh cùng với phong trào chung của cả tỉnh.

Năm 1942, cùng với sự phát triển của cách mạng, chi bộ Trường Môn ra đời, lần đầu tiên tại Quảng Ninh đã thành lập chi bộ cộng sản, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện nhà. Trong phong trào đấu tranh cách mạng, tiến tới Cách mạng tháng Tám, đội ngũ những người tham gia Việt Minh ngày càng đông đảo, đã vận động quần chúng trên địa bàn huyện đứng lên bẻ gãy xiềng gông thực dân, phong kiến cùng cả nước gây dựng nền độc lập.

 Một góc trung tâm huyện Quảng Ninh
Một góc trung tâm huyện Quảng Ninh

Ngày 7-11-1945, tại đình làng Võ Xá, Đảng bộ huyện Quảng Ninh ra đời, mở ra thời kỳ mới: công khai và trực tiếp lãnh đạo nhân dân Quảng Ninh đấu tranh cách mạng. Ngay sau khi ra đời, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện Quảng Ninh được khẳng định là hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ ở địa phương.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Vừa xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, vừa bám đất, bám làng để sản xuất, chiến đấu. Với tiếng trống Hiển Lộc - điểm phát động mở màn cho cao trào "Quảng Bình quật khởi", trận chống Pháp phản kích ở Quảng Xá, tiếng bom Lộc Long và những trận thắng liên tục đã tạo đà cho phong trào cách mạng của huyện phát triển mạnh mẽ, cùng với cả tỉnh lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ năm 1955 đến năm 1975, bước vào thời kỳ vừa sản xuất vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Ninh là địa bàn đầu cầu của hậu phương lớn miền Bắc. Đảng bộ Quảng Ninh luôn nêu cao truyền thống cách mạng, lãnh đạo nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sản xuất và đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt, bảo đảm giao thông vận tải không ngừng thông suốt, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Xe chưa qua nhà không tiếc; đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công"...

Mỗi tên đất, tên làng ở Quảng Ninh đều gắn với những chiến tích chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, với những chiến công chói lọi. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà cùng với cả tỉnh, cả nước chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Toàn huyện có 1.798 liệt sỹ, 1.895 thương, bệnh binh; 23 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 184 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng hàng nghìn gia đình có công với nước. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương Quảng Ninh-trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm và tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh hôm nay và mãi mãi mai sau.

Năm 1977, Quảng Ninh, Lệ Thủy được hợp nhất thành huyện Lệ Ninh, 13 năm chung sức xây dựng, các đảng bộ cơ sở và nhân dân Lệ Ninh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, từng bước thực hiện công cuộc đổi mới và đã có những chuyển biến tích cực.

Ngày 1-7-1990, huyện Quảng Ninh được tái lập (theo Quyết định số 190/QĐ-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, nay là Chính phủ). Trong khó khăn bề bộn của những ngày đầu tái lập, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết, đổi mới, tiến lên” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế ổn định và phát triển khá; lĩnh vực văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Kế thừa và phát huy các thành tựu của những nhiệm kỳ trước, trong 5 năm qua (2010-2015) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu vươn lên giành được những kết quả quan trọng, tạo đà cho giai đoạn phát triển mới. Kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ du lịch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 63 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 3 xã về đích nông thôn mới (Lương Ninh, Vĩnh Ninh và Hàm Ninh).

Nét nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế là đã chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ: Hình thành và phát triển khu công nghiệp tây bắc Quán Hàu, xây dựng nhà máy xi măng Vạn Ninh thuộc Tổng công ty Vicem Hải Vân sản lượng đạt 50 vạn tấn/năm; đưa vào hoạt động nhà máy tinh bột sắn Long Giang Thịnh, nhà máy may S&D thuộc Tổng Công ty May 10, nhà máy gạch Vĩnh Ninh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; đã xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển như: hồ chứa nước Rào Đá, cầu Trung Quán, quốc lộ 1 tránh lũ, kè chống xói lở Duy Ninh-Hàm Ninh... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân.

Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện.

Đến nay toàn huyện có trên 355 km đường giao thông được bê tông hóa, 210 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, thuận lợi cho nhân dân đi lại sinh hoạt, sản xuất. 15/15 xã, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia với trên 99% số hộ dùng điện lưới; 100% xã, thị trấn phủ sóng thông tin liên lạc. Đồng ruộng được dồn điền đổi thửa với bình quân từ 3,6 thửa/hộ giảm xuống còn 2,5 thửa/hộ (có xã chỉ còn bình quân 1,5 thửa/hộ) tạo điều kiện để người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư thâm canh xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đặc biệt coi trọng việc đầu tư phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 37 trường trên tổng số 57 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn có trường học cao tầng kiên cố với tỷ lệ các phòng học được xây dựng kiên cố chiếm tỷ lệ 67%; phong trào xã hội hoá giáo dục ngày càng phát triển; hoạt động khuyến học khuyến tài phát triển rộng khắp. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ; mạng lưới y tế từ huyện đến tận thôn, bản, tiểu khu được đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ.

Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao phát triển rộng khắp. Lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm được duy trì và phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, huyện có 56% thôn, bản, tiểu khu và 60% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Các chính sách xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm và đạt kết quả tốt. Hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 5%.

Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên xây dựng thành công mô hình “Tổ an ninh xung kích tự quản” trong cộng đồng dân cư.

Kiến thiết lại đồng ruộng sau dồn điền đổi thửa
Kiến thiết lại đồng ruộng sau dồn điền đổi thửa

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã được quan tâm chỉ đạo. Đảng bộ huyện đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở được nâng lên. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới, chất lượng và hiệu quả hơn.

Nhìn lại chặng đường 70 năm thành lập và phát triển, từ chỗ chỉ có 2 chi bộ trực thuộc với 15 đảng viên, trải qua 24 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện đã có 6.800 đảng viên, sinh hoạt ở 50 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn được củng cố đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Đội ngũ cán bộ các cấp không ngừng được chăm lo, bồi dưỡng toàn diện đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với những đóng góp to lớn và những thành tích đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu cao qúy khác..

Phát huy truyền thống cách mạng 70 năm qua, trong giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, thời gian tới, Đảng bộ huyện Quảng Ninh tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện và bền vững. 

Trần Hải Châu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy,  Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh