.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Đề án đổi mới sách giáo khoa chưa có nhiều tiến triển, chất lượng giáo dục chưa được nâng lên một cách tương xứng, nhất là giáo dục đại học. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học đang đem lại nhiều hệ lụy khó giải quyết trong thời gian ngắn.

* Đồng chí Đinh Văn Chinh, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Minh Hóa

Về định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, Trung ương xác định là kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu... Vấn đề này chúng tôi nhất trí, tuy nhiên cần phải xác định rõ là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay thì vấn đề phát triển chiều sâu phải được đặt lên hàng đầu và xem đây là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế.

Nếu quá chú trọng phát triển chiều rộng, quy mô dàn trải nhưng hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng thấp thì chúng ta sẽ khó cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí ngay cả thị trường trong nước chúng ta cũng khó cạnh tranh và dần bị lép vế trước các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh.

Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá tình hình và phương hướng, nhiệm vụ mà dự thảo báo cáo đã nêu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, trong những năm qua nền giáo dục của Việt Nam đang đi loanh quanh. Nhiều đề án, nhiều cuộc cải cách không mang lại kết quả như: đề án cải cách chữ viết tiêu tốn rất nhiều tiền bạc những thất bại hoàn toàn.

Đề án đổi mới sách giáo khoa chưa có nhiều tiến triển, chất lượng giáo dục chưa được nâng lên một cách tương xứng, nhất là giáo dục đại học. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học đang đem lại nhiều hệ lụy khó giải quyết trong thời gian ngắn. Phương pháp giáo dục thường xuyên thay đổi và có một số chưa phù hợp với điều kiện của nước ta... Những tồn tại hạn chế đó cần được tập trung khắc phục để bảo đảm thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, làm cho giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.

* Đồng chí Đinh Gia Tuyết, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Minh Hóa

Về chỉ tiêu xã hội đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn dưới 4%. Theo tôi, chỉ tiêu này cần phải xem lại. Vì hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta vẫn còn cao, dân số đang tăng mạnh, tỷ lệ thanh niên và người trong độ tuổi lao động tăng.

Trong khi đó, nhiều trường đại học, cao đẳng, trường nghề đã và đang được thành lập. Các trường này nhận đào tạo hàng loạt học sinh, sinh viên để thu về lợi nhuận nhưng chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế hoặc trình độ không phù hợp nên các đơn vị tiếp nhận lao động rất khó tuyển dụng. Mặt khác, đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Lúc đó, các trung tâm công nghiệp, nhà máy, công xưởng muốn được xây dựng, phải chuyển dần về khu vực nông thôn. Như vậy, đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng đến việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn dẫn đến lực lượng lao động thiếu trình độ khoa học nơi đây sẽ dần mất việc.

Đến năm 2020 có 80-85% chất thải nguy hại được xử lý. Để đạt được điều này, chúng ta cần phải tính toán kỹ. Bởi nước ta đang trên đường trở thành một nước công nghiệp nên lượng chất thải xả ra môi trường rất lớn. Nhiều công ty, doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải hoặc tự xả ra môi trường như các nhà máy xi măng, nhiệt điện,...

Để đạt được tiêu chí này, nước ta cần phải đẩy mạnh các ngành công nghiệp không khói, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ. Đồng thời, tuyên tuyền cho người dân, các công ty, doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả chất thải ra môi trường.   

Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm. Nhưng theo tôi, Nhà nước cần phải tiếp tục đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa đến những ngư dân bám biển bằng việc hỗ trợ cho họ đóng tàu lớn, tàu có vỏ thép để tuổi thọ tàu cao hơn và khả năng chống chọi bão tố tốt hơn. Không chỉ khuyến khích nhân dân định cư trên đảo mà cần phải hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Bởi nhân dân trên đảo cùng với những ngư dân bám biển sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho đất nước từ việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản và đặc biệt là bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Xuân Vương (thực hiện)