.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Tư, 30/09/2015, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi thấy rằng, dự thảo đã đề cập tổng quát các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đến xây dựng, cải cách bộ máy đảng, chính quyền... cả về phần đánh giá trong nhiệm kỳ 2011-2015 cũng như phương hướng, nhiệm vụ 2015-2020.

* Đồng chí Đào Viết Vừng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn 3, Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi xin đóng góp ý kiến về một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, trong mục thành tựu về văn hóa-xã hội, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định phát triển về giáo dục là: “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn”.

Theo tôi, dự thảo cần đánh giá sâu thêm về vấn đề chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng mũi nhọn trong nhiệm kỳ qua, cả mặt được và chưa được. Tương tự, về thể thao, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định: “Từng bước thực hiện chuyên nghiệp hóa và phát triển thể thao thành tích cao, trước mắt tập trung vào các môn, lĩnh vực có thế mạnh, chú trọng đào tạo vận động viên nòng cốt”. Tuy nhiên, tại phần đánh giá của dự thảo báo cáo, chỉ có một câu ngắn mà chưa kiểm điểm sâu và rõ vấn đề này. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá bổ sung những ưu điểm và hạn chế của lĩnh vực này.

Thứ hai, trong mục “phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể” theo tôi, tại trang 16, mục khuyết điểm, hạn chế nên thay cụm từ “còn chồng chéo, hình thức” bằng cụm từ “vẫn còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao” và bổ sung thêm cụm từ “một số tổ chức” vào trước cụm từ “...đoàn thể còn chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả thấp” để trở thành câu: “Một số phong trào thi đua, cuộc vận động của Mặt trận và một số tổ chức đoàn thể vẫn còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao”.

* Đồng chí Lê Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, Bố Trạch

Tôi xin đóng góp ý kiến vào chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Theo tôi, chủ đề Đại hội phải bao quát đầy đủ những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng bộ, phù hợp với thực tiễn đặt ra trong giai đoạn tới. Đảng ta là Đảng cầm quyền, thực tiễn cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ quyết định rất lớn vào thành công phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Vì vậy “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ” là một nội dung quan trọng hàng đầu cần phải đưa vào chủ đề của Đại hội. Mặt khác, trong chủ đề Đại hội cần chỉ ra mục tiêu phấn đấu là xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh tức là vì mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, theo tôi nên bổ sung, sửa đổi như sau: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng Quảng Bình giàu đẹp, văn minh, phát triển nhanh và bền vững”.

Về văn hóa-xã hội, theo tôi cần phân tích, làm rõ một số hạn chế của giáo dục tỉnh ta. Đó là mạng lưới trường lớp mặc dù đã được điều chỉnh, sắp xếp nhưng cơ cấu một số nơi vẫn còn bất hợp lý, phân tán gây khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học. Công tác quản lý ngành, quản lý trường học chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới. Chưa tập trung nguồn lực và điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo trực tiếp giảng dạy. Giải quyết việc làm còn hạn chế, tỷ lệ sinh viên của tỉnh đã tốt nghiệp đại học có việc làm còn thấp.

Đào Vân (thực hiện)

* Nguyễn Ánh Tuyên, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi thấy rằng, dự thảo đã đề cập tổng quát các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đến xây dựng, cải cách bộ máy đảng, chính quyền... cả về phần đánh giá trong nhiệm kỳ 2011-2015 cũng như phương hướng, nhiệm vụ 2015-2020.

Tuy nhiên ở phần thứ hai: "Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 5 năm 2015-2020, mục A: "Phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu" có những chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực, có thời gian dài hơn mới hoàn thành, đạt kết quả tốt nhất. Do đó, chúng ta cần có tầm nhìn tổng quan hơn, dài hạn hơn. Cần lựa chọn, đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ xem như là bàn đạp, tạo đà cho mục đích lớn hơn, cao hơn ở nhiệm kỳ sau, có thể là 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm.

Chẳng hạn, với việc xác định lĩnh vực du lịch là mũi nhọn, sẽ tập trung đầu tư, phát triển để tương xứng với tiềm năng sẵn có. Nhưng, căn cứ vào thực lực kinh tế và khả năng, chúng ta không thể “tham” đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ quá sức, mà cần xác định trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần làm những gì, đầu tư gì để tạo đà, tạo thế cho những năm tiếp theo một cách bền vững.

Một vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ tới nữa là phải đổi mới một cách mạnh mẽ công tác cán bộ. Bác Hồ đã nhận định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chúng ta có đề ra nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch,... mà không có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài thì cũng khó mà đạt được.

Do đó cần mạnh dạn đổi mới công tác cán bộ kể cả cán bộ thuộc diện quản lý của các cấp ủy đảng và cán bộ thuộc diện quản lý của các cơ quan trực tiếp sử dụng. Việc đổi mới cần toàn diện ở tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm... làm sao để việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm... thật sự đúng người có trình độ, có năng lực, có đạo đức, tâm huyết, có trách nhiệm với dân với nước.

N.Mai (thực hiện)