.

Điểm tựa của đồng bào Mã Liềng

Thứ Ba, 29/09/2015, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã vùng cao Thanh Hóa (Tuyên Hóa) đã không giấu được nỗi tự hào: “Anh chị cứ vào bản Cà Xen, xem cuộc sống đổi thay của đồng bào Mã Liềng sau hơn 20 năm rời núi và xem cựu chiến binh nơi đây nỗ lực làm kinh tế”. Và đúng như lời ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã giới thiệu, bản làng xa ngái dưới chân dãy Trường Sơn hôm nay đã bạt ngàn màu xanh của sự sống.

>> Kinh nghiệm thực hiện "Dân vận khéo" ở Lộc Thủy

>> Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", góp phần đổi mới công tác dân vận, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương

Cách đây hàng chục năm, một nhóm người Mã Liềng sống du canh du cư triền miên từ năm này qua tháng khác. Cuộc sống của họ dựa chủ yếu vào củ rừng, hái lượm, săn bắn. Thức ăn sinh tồn đơn sơ, sống chết cũng nương tựa cả vào rừng.

Phải đến năm 1993, một đoàn cán bộ và Bộ đội  Biên phòng đã cắt rừng lội suối vào vận động bà con ra định canh định cư để ổn định cuộc sống. Nhưng những ngày đầu mới hòa nhập, cuộc sống thực sự khó khăn với đồng bào nơi đây.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ nhớ lại rằng trong buổi đầu gian khó ấy, Đảng ủy xã Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho Hội CCB xã trực tiếp vận động, giúp đỡ bà con thay đổi cách thức sản xuất, nhất là những hủ tục lạc hậu, để bắt tay làm kinh tế, nhằm thoát khỏi đói nghèo. Vậy là những người lính từng một thời xông pha trận mạc, nay trở về giữa thời bình lại gánh vác trên vai một nhiệm vụ cũng không kém phần thiêng liêng. Họ giúp bà con dựng nhà, cải tạo đất, để bắt đầu bước vào một cuộc sống mới.

“Lúc ấy, Hội CCB xã đã cử đồng chí chủ tịch phụ trách, phân công chi hội CCB Cà Xen theo dõi, quản lý, giúp đỡ từng hộ gia đình. Hội đã tích cực vận động bà con định canh, không phá rừng làm rẫy, khai hoang trồng cây, cải tạo đất”, ông Kỳ cho biết thêm.

Đầu năm  2006, khi cây lúa nước về với đồng bào Mã Liềng, hơn 300 hội viên Hội CCB xã Thanh Hóa lại không quản ngại vất vả, cùng bắt tay san đất, san ruộng cho bà con. Có đất rồi, họ lại tiếp tục những ngày tháng cùng ăn, cùng ở với đồng bào, bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn đồng bào cách trồng cây ăn quả, cây lúa nước. Từ việc gieo trồng, đến chăm sóc, thu hoạch... khâu nào cũng có đôi bàn tay giúp sức của những người cựu chiến binh cần mẫn ấy.

Ông Kỳ nhớ lại: “buổi đầu do đồng bào còn thiếu hiểu biết, còn mang nặng tính trông chờ, ỷ lại và những phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ nên việc vận động, hỗ trợ rất khó khăn. Nhưng rồi, nhờ “dân vận khéo” nên “mưa dầm, thấm lâu”, qua thời gian, bà con đã thay đổi rất nhiều”. Còn nhớ những mùa lúa đầu tiên, khi những đồng lúa bắt đầu trĩu hạt và khi lần đầu tiên, người Mã Liềng được ăn hạt gạo từ chính mồ hôi công sức của mình, những người cựu binh ấy cũng mừng vui khôn tả như thể niềm vui của chính mình.

Khi cuộc sống làm ăn kinh tế dần bắt đầu ổn định, bà con Cà Xen dần quen với công việc đồng áng, CCB Thanh Hóa lại nỗ lực vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, tách dần chuồng trại chăn nuôi ra xa vườn nhà. Nhờ bàn tay, khối óc của những người cựu binh ấy, cuộc sống của đồng bào Mã Liềng đã dần khởi sắc.

Hội CCB xã Thanh Hóa hiện có 336 hội viên, trong đó, có 7 hội viên là người Mã Liềng. Để làm gương cho đồng bào, những người lính năm xưa nay lại vững vàng trên mặt trận kinh tế, cùng quyết tâm xóa bỏ giặc đói, diệt giặc dốt. Chi hội CCB bản Cà Xen có riêng một “ruộng lúa cựu chiến binh”, cắm biển, đề tên trên từng ruộng. “Phải làm thế, để làm gương cho bà con. Mình làm được thì nói họ mới nghe”, ông Chủ tịch Hội CCB xã chân tình kể. Và ngay tại bản Cà Xen, một số CCB đã biết vươn lên làm kinh tế giỏi như Hồ Cam, hay Hồ Viên-người từng được ví von là “triệu phú Mã Liềng”...

Với quyết tâm chắc nịch “muốn no thì trồng màu, muốn làm giàu thì làm thủy lợi”, suốt hơn 10 năm qua, CCB Hồ Viên vẫn miệt mài làm ăn kinh tế, quyết tâm xóa cái đói, đẩy dần cái nghèo. Không biết chữ thì ông mày mò theo thầy học chữ, chưa rõ kỹ thuật canh tác thì hăng say học hỏi kinh nghiệm, muốn mở rộng đất thâm canh lúa nước thì ông quyết tâm lấp khe, cải tạo đất. Sau hơn 20 năm cắm bản, nay, người cựu chiến binh người Mã Liềng ấy đã là chủ của một vườn keo gần 20 ha, thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Đặt lên vai trách nhiệm của một cựu chiến binh giữa thời bình, ông lại nhiệt tình hỗ trợ bà con Mã Liềng trong bản cùng làm ăn phát triển kinh tế.

Cuộc sống của người Mã Liềng nơi bản nhỏ Cà Xen này đã bắt đầu khoác áo mới. Trong sự đổi thay kỳ diệu ấy, có sự đóng góp không nhỏ của Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hóa. Màu xanh áo lính lại một lần nữa mang đến sự sống bình yên cho mảnh đất nơi bản làng xa ngái này.

Diệu Hương