.
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Các phong trào thi đua đã động viên và tập hợp sức mạnh, trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Thứ Hai, 14/09/2015, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV, Báo Quảng Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho cán bộ, nhân dân Quảng Bình, năm 2014.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Hồ Chí Minh cho cán bộ, nhân dân Quảng Bình, năm 2014.

- P.V: Thưa đồng chí, Quảng Bình được xem là địa phương khơi nguồn phong trào thi đua "Hai giỏi", một thời là đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước của cả nước, thời gian qua Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên, xin đồng chí cho biết kết quả nổi bật của các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi” và hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện lớn của quê hương, đất nước, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua với sự tham gia nhiệt tình, tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các phong trào thi đua đã khơi dậy, động viên và tập hợp sức mạnh, phát huy sức sáng tạo, trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt 6,7%. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2014 ước đạt 21.853 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu nội bộ từng ngành chuyển biến tích cực. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị, chất lượng. Công nghiệp từng bước phát triển, giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm. Các ngành xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông đã đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm".

Các loại hình dịch vụ, thương mại phát triển khá nhanh, đặc biệt, du lịch đã có bước phát triển đột phá, lượng khách đến Quảng Bình năm 2014 tăng 95% so với năm 2013, đạt gần 2,8 triệu lượt khách. Du lịch Quảng Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, nhiều nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước đã đến khảo sát đầu tư tại tỉnh. Thời kỳ 2010 - 2014, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư 115 dự án, với tổng mức đầu tư 34.608 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục và đào tạo, dạy nghề đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông đã khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của quê hương cách mạng. Nhiều hoạt động văn hóa có quy mô lớn được tổ chức như Lễ hội Hang động, Lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình... đã góp phần quảng bá về quê hương, con người Quảng Bình và thu hút khách du lịch.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục có bước cải thiện so với trước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm (vượt kế hoạch đề ra); đến cuối năm 2015, còn 5,17%, ngang mức bình quân của cả nước.

Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, các phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang luôn gắn với cuộc vận động lớn của địa phương, góp phần phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”... cũng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, nhiều mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng và biểu dương, khen thưởng.

- P.V: Từ kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước dễ nhận thấy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của tổ chức xã hội đối với các phong trào thi đua yêu nước hết sức quan trọng, nhất là đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, xin đồng chí chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo, chính sách về thi đua, khen thưởng gắn với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tạo động lực to lớn trong thực hiện nhiệm vụ, đưa phong trào thi đua yêu nước của tỉnh lên một tầm cao mới.

Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu được thể hiện ngày càng rõ nét và quyết liệt hơn, làm cho việc tổ chức các phong trào thi đua ngày càng được đổi mới, tiến bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã duy trì tham gia sinh hoạt cụm, khối thi đua theo quy định.

Các cụm, khối thi đua hoạt động tích cực, có nhiều đổi mới, bám sát quy chế và hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh. Mỗi cụm, khối đều xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua cụ thể, làm cơ sở cho việc suy tôn, khen thưởng; đồng thời, tổ chức ký kết giao ước thi đua, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo... qua đó, đã gắn kết các đơn vị trong cụm, khối và tạo điều kiện giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng Khoa học, sáng kiến; kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nên hoạt động ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn. Phong trào thi đua được đẩy mạnh và thường xuyên, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân bảo đảm chính xác, chất lượng.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; biểu dương các gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo cũng như công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến được tiến hành thường xuyên theo các hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những tấm gương xuất sắc tiêu biểu để các phong trào thi đua thực sự lan tỏa trong đời sống xã hội.

- P.V: Xin đồng chí cho biết những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để đưa phong trào thi đua yêu nước tỉnh nhà phát triển lên một tầm cao mới?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Có thể nói 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng tỉnh ta đã có bước tiến bộ rõ rệt; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm để sớm đề ra được các giải pháp khắc phục. Đó là, việc chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa đi vào thực chất, chưa thường xuyên, toàn diện, đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng miền; tỷ lệ khen thưởng cán bộ lãnh đạo, quản lý còn cao; khen thưởng công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp còn ít; việc bình xét khen thưởng có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa bám sát các tiêu chuẩn quy định pháp luật.

Việc tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản liên quan chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội khác trong việc phát động, tổ chức phong trào thi đua, công tác khen thưởng chưa đáp ứng yêu cầu, có lúc, có việc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tuy đã được kiện toàn, củng cố nhưng ở nhiều nơi chất lượng chưa cao.

- P.V:  Xin đồng chí cho biết một số giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “càng khó khăn thì càng phải thi đua” và tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” giai đoạn 2015-2020?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới phong trào thi đua khen thưởng trong toàn tỉnh, đó là: Tập trung tuyên truyền các điển hình tiên tiến, phổ biến các bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo nội dung, tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Không ngừng nâng cao vai trò quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, triển khai công tác khen thưởng. Đề ra các biện pháp chú trọng công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, đặc biệt là khen thưởng công nhân, nông dân, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, giảm tỷ lệ khen thưởng cán bộ lãnh đạo. Phát hiện và khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến.

Cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể nhân dân, tạo phong trào hành động cách mạng tự giác của toàn dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; giữa các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua trong cả hệ thống chính trị để xây dựng nội dung, mục tiêu, kế hoạch các đợt phát động thi đua, tạo phong trào hành động cách mạng của toàn thể cán bộ và nhân dân.

Với tinh thần thi đua, đổi mới, tin tưởng rằng công tác thi đua, khen thưởng tỉnh ta sẽ ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Trọng Thái (thực hiện)