.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức Nhà nước (28-8-1945 - 28-8-2015):

Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức Nhà nước

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 70 năm (28-8-1945 - 28-8-2015), sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi về tay nhân dân, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Nội vụ chuyên thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngày 17-4-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg lấy ngày 28 - 8 hàng năm làm “Ngày truyền thống của Ngành Tổ chức Nhà nước”. Trên chặng đường đi lên của dân tộc, ngành Tổ chức Nhà nước Việt Nam nói chung, của tỉnh ta nói riêng luôn phát huy truyền thống vẻ vang, vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân giao phó.

Lãnh đạo Sở Nội vụ làm việc với đoàn công tác của Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Lãnh đạo Sở Nội vụ làm việc với đoàn công tác của Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.

Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời ra tuyên cáo nêu rõ: “Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sỹ tham gia Chính phủ để gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quốc dân đã giao phó cho”. Chính phủ lâm thời lúc đó có 13 bộ và 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Đó là mốc son đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Trong cơ cấu Chính phủ lâm thời, Bộ Nội vụ có vai trò rất quan trọng. Lúc đó, tuy có Chủ tịch phủ nhưng thực tế chỉ có rất ít cán bộ nên nhiều công tác của Chủ tịch phủ đều do Bộ Nội vụ đảm trách. Như vậy, Bộ Nội vụ vừa có chức năng tổ chức xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an, lại vừa đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ, theo dõi và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối hoạt động của các bộ khác.

Trong thời gian đầu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được phép ký một loạt Sắc lệnh quan trọng dưới danh nghĩa “Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ” như các Sắc lệnh: ấn định Quốc kỳ Việt Nam; mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội; bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp...

Đây là bằng chứng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành công, tại phiên họp lần đầu tiên đã bầu cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82/SL cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay Chủ tịch ký những công văn thường ngày và chủ tọa Hội đồng Chính phủ trong khi Chủ tịch đi vắng. Sắc lệnh này đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong Chính phủ. Tháng 3 - 1947, Bộ Nội vụ và các cơ quan của Chính phủ sơ tán về “Thủ đô cách mạng” thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lúc này, Bộ Nội vụ có tên bí mật là “Tiểu đội 1”, tạm ở và làm việc tại nhà dân. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cơ quan Bộ Nội vụ chuyển về làm việc tại trụ sở số 12 đường Ngô Quyền (Hà Nội). Mặc dù trải qua các tên gọi, sáp nhập, tách ra nhiều lần với các ngành khác nhưng trong suốt chặng đường lịch sử, ngành Nội vụ vẫn luôn phát huy những truyền thống vẻ vang của mình.

Đến ngày 17-4-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg lấy ngày 28-8 hàng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức Nhà nước”. Ngày 30-5-2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho Bộ Nội vụ, ghi nhận những công lao to lớn của bộ vào sự nghiệp cánh mạng của Đảng và của dân tộc. Ngày 8-8-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc chuyển Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.

Từ đây, Bộ Nội vụ trở thành bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Bên cạnh các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp, Bộ Nội vụ còn có các đơn vị trực thuộc là Ban Thi đua-Khen thưởng, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Trường cao đẳng Nội vụ Hà Nội. Đến nay, Bộ Nội vụ có 20 đơn vị làm công tác tham mưu, thực thi pháp luật và 4 đơn vị sự nghiệp...

Gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh ta đã không ngừng trưởng thành qua các thời kỳ lịch sử. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tổ chức chính quyền đã 8 lần di chuyển địa điểm (Vạn Ninh, Hoa Thủy, Tây Trạch, Trung Trạch, đồi Mỹ Cương...) để bảo đảm an toàn cơ sở vật chất và con người cũng như công việc.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Ban Tổ chức chính quyền vẫn tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, xây dựng chính quyền các cấp, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1976, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Bình hợp nhất với Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trên ba tỉnh hợp nhất.

Tháng 7-1989, Quảng Bình trở lại với với địa danh truyền thống của mình, Ban Tổ chức chính quyền được thành lập với nhiệm vụ cơ bản là tập trung ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, nhanh chóng đưa mọi hoạt động của tỉnh trở lại bình thường.

Ngày 7-1-2004, thực hiện Nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ. Ngày 13-9-2004, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 55/2004/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ.

Theo đó, Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương; CCHC; quản lý địa giới hành chính, bồi dưỡng, đào tạo và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ chính quyền cơ sở, tổ chức hội và tổ chức phi chính phủ.

Cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ gồm Văn phòng, Thanh tra sở và 3 phòng chuyên môn: Xây dựng chính quyền; Công chức Viên chức và Tổ chức biên chế. Ở cấp huyện thành lập phòng Nội vụ-Lao động-Thương binh và Xã hội. Ngày 25-3-2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 526/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh vào Sở Nội vụ, chuyển chức năng quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ nhà nước và Trung tâm lưu trữ từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Nội vụ.

Vượt qua những khó khăn, ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh ta tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong công tác tổ chức, cán bộ; sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp các cấp, các ngành; xây dựng chính quyền cơ sở; xây dựng, phân bổ, quản lý, sử dụng biên chế; tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; công tác CCHC; quản lý, điều chỉnh địa giới hành chính, công tác thi đua - khen thưởng, quản lý nhà nước về tôn giáo, văn thư, lưu trữ... đến việc chăm lo xây dựng nội bộ ngành, nội bộ cơ quan không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt.

Với chức năng của mình, Sở Nội vụ đã tham mưu công tác tổ chức bộ máy theo đúng quy định, phù hợp với yêu cầu, điều kiện của địa phương như: tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố theo hướng tinh gọn hơn; thành lập một số đơn vị sự nghiệp đặc thù nhằm phục vụ cho các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như: chính sách đào tạo, thu hút nhân tài, chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc; triển khai tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Từng bước xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở vững mạnh; thực hiện nhiều chính sách nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ tổ dân phố; quy định tiêu chuẩn cụ thể và từng bước chuyên môn hoá đối với các chức danh cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách.

Nhờ đó, công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu. Đến nay đã có 7/8 huyện, thị xã, thành phố áp dụng một cửa liên thông hiện đại, 157/159 xã, phường thị trấn áp dụng “một cửa”. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ đã đạt được những kết quả tích cực. Phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng lên.

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt những nội dung cơ bản về các hoạt động liên quan đến tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc giải quyết đúng chính sách, pháp luật và các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; củng cố niềm tin của đồng bào tôn giáo vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Nội vụ hôm nay.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Nội vụ hôm nay.

Nhìn lại chặng đường lịch sử của 70 năm qua mới thấy ngành Nội vụ tỉnh nhà từng bước trưởng thành và phát triển rất đáng tự hào. Tuy đội ngũ cán bộ công chức chưa nhiều, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu thốn, khó khăn về trụ sở làm việc, nhưng toàn ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, nhiệt tình trong công việc, chung sức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong hệ thống tổ chức nhà nước, Văn phòng (phòng Tổ chức cán bộ) các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng Nội vụ cấp huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giúp cấp ủy và chính quyền trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị.

Với những thành quả đã đạt được, Sở Nội vụ được Bộ Nội vụ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2005; bằng khen của Bộ Nội vụ, cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh năm 2008; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2010; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2015... Ban Tôn giáo tỉnh được Ban Tôn giáo Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2006, tặng bằng khen năm 2007 và 2008; Bộ Nội vụ tặng bằng khen năm 2009, 2010 và 2015; Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014... Ngoài thành tích tập thể, các đồng chí trong lãnh đạo sở đều vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba.

Những thành tựu mà ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh ta đã đạt được luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các bộ, ban, ngành và địa phương.  Bên cạnh đó còn có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Và nhân tố không thể thiếu đó là sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực hết mình của cán bộ, công chức, viên chức và lao động đang công tác trong ngành Tổ chức Nhà nước. Những thành quả đáng tự hào đó sẽ là động lực, tiền đề cho những người làm công tác Tổ chức Nhà nước tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả của Đảng và nhân dân giao phó trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ