.
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2015) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2-9:

Một trang sử mới

Thứ Tư, 19/08/2015, 08:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố: “Nước Việt nam đã trở thành một nước tự do, độc lập... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Bình bước vào kỷ nguyên mới bằng những nỗ lực to lớn, xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện vô cùng gian khổ, đầy khó khăn, thử thách.

Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, hàng vạn quần chúng nhân dân tổ chức cuộc mít tinh tại thị xã Đồng Hới chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Bình. Nhiệm vụ trước mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được xác định: Thủ tiêu hẳn chế độ cũ; diệt trừ các hạng phản động; ban bố quyền tự do, dân chủ cho nhân dân; chăm lo cải thiện đời sống quần chúng; lập đội quân cách mạng để chiến đấu bảo vệ và giữ gìn trật tự cách mạng. Ông Chủ tịch Ủy ban Trần Văn Sớ đã tuyên bố: Chính quyền cách mạng xóa bỏ thuế thân và ban bố các quyền tự do dân chủ được đông đảo quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, ngày 6 tháng 1 năm 1946, 100% cử tri Quảng Bình thực hiện quyền dân chủ cao nhất của mình bầu các đại biểu tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước gồm các ông Đồng Sĩ Nguyên, Võ Văn Quyết, Võ Thuần Nho, Trần Hường, Hoàng Văn Diệm.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, cuối tháng 2 năm 1946, nhân dân trong tỉnh lại tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã. Chính quyền cách mạng các cấp được củng cố là tiền đề quan trọng cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, xây dựng cuộc sống mới.

Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng đất nước đang đứng trước những khó khăn, thử thách tưởng chừng như không vượt qua được. Đó là nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và nguy hiểm nhất là giặc ngoại xâm đang đe dọa nền tự do, độc lập vừa mới giành được. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, cùng với cả nước, ngày 17 -10 -1945 nhân dân Quảng Bình thành lập một Phân đội Nam tiến, gửi con em quê hương vào chiến trường sát cánh cùng với nhân dân và bộ đội Nam Bộ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Thành phố Đồng Hới ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.H
Thành phố Đồng Hới ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.H

Trong lúc đó, ở Quảng Bình, ngày 6 tháng 9 năm 1945, bọn tàn quân Nhật vừa rút khỏi Đồng Hới thì một Liên đội quân Tưởng thuộc Quân đoàn 60 gồm 200 tên do Hoàng Thiếu Linh chỉ huy kéo vào. Theo chân quân Tưởng là bọn tay sai phản động Việt Quốc, Việt Cách âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân còn non trẻ, tước đoạt thành quả cách mạng. Ngay khi mới đến Đồng Hới chúng đã gây cho ta không ít khó khăn.

Để tránh những va chạm không cần thiết, chính quyền cách mạng đã có những đối sách nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng và những hành động nhũng nhiễu của chúng. Tỉnh đã xúc tiến việc thành lập Ban Hoa Việt thân thiện, Ban tiếp tế đáp ứng yêu cầu cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ, hạn chế không để cho đồng bạc Quan Kim của họ tung ra làm lũng đoạn thị trường. Bọn Việt Quốc, Việt Cách ráo riết liên kết và kích động một số phần tử trong các tôn giáo, ngấm ngầm lập ra cái gọi là "Liên tôn chống cộng", xâm nhập vào hàng ngũ của ta để chia rẽ nội bộ. Trước tình hình đó, chính quyền cách mạng đã kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và kiên quyết trấn áp bọn tay sai phản động chống phá cách mạng.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh đã tiến hành ngay việc thành lập lực lượng vũ trang của mình. Đại đội Phú Quý được thành lập dưới hình thức là một trại kinh tế nhưng được trang bị vũ khí, đạn dược, được huấn luyện chu đáo để sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng của quân Tưởng và tay sai. Sau khi quân Tưởng rút, Đại đội Phú Quý phiên chế thành Đại đội 12 của Tiểu đoàn Lê Trực lập nhiều chiến công trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng trở lại xâm chiếm Quảng Bình.  

Cùng với việc chống giặc ngoại xâm, việc diệt “giặc đói” cũng không kém phần quan trọng trong những ngày đầu cách mạng thành công. Để đẩy lùi và kiên quyết dập tắt nạn đói, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã phát động nhân dân trong toàn tỉnh thi đua tăng gia sản xuất đi đôi với thực hành tiết kiệm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”, phong trào khai hoang phục hóa dấy lên sôi nổi không những ở nông thôn mà cả ở thành thị. Chính quyền trưng thu đất ở các đồn điền của người Pháp vắng chủ chia cho nông dân canh tác. Ruộng đất của nông dân cầm bán cho địa chủ trước đây được chuộc lại.

Chính quyền ban bố lệnh giảm tô 25%, tạm hoãn nợ cho nông dân đã tạo điều kiện cho cho bà con hăng hái sản xuất. Vụ đông - xuân và hè- thu năm 1946 được mùa không những giải quyết được nạn đói mà còn có dự trữ cho vụ sau. Cùng với việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chính quyền các cấp còn tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “hũ gạo cứu đói” (mỗi bữa nấu cơm bớt một nắm gạo bỏ vào hũ giúp dân chống đói), “ngày đồng tâm” (cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa) vừa giúp đỡ người nghèo, vừa dành phần lương thực làm nghĩa vụ nuôi quân.

Để bảo đảm nhu cầu tài chính cho chính quyền cách mạng, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 4-9-1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ra sắc lệnh xây dựng Quỹ Độc lập và phát động "Tuần lễ vàng", "Tuần lễ đồng", động viên mọi người dân ủng hộ Chính phủ bảo vệ nền độc lập của đất nước. Phong trào đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và trở thành ngày hội của quần chúng. Nhiều gia đình mang những kỷ vật thiêng liêng thờ cúng, mâm thau đồng đến đóng góp. Nhiều chị em phụ nữ tháo cả nhẫn cưới, hoa tai, dây chuyền vàng đến ủng hộ Chính phủ. Nhiều gia đình nghèo khó không có tài sản đã đi thu lượm từng mẩu đồng, gom góp từng đồng xu đóng góp cho công quỹ.

Sau đợt đầu của tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, nhân dân Quảng Bình đã góp được 395 đồng bạc thật loại 27 gram, 29 xu loại 5 gram, 1.522 loại 2 giác, 3291 xu loại 1 giác; 505 đồng loại 5 xu, 1300 đồng loại 1 xu, 2000 đồng loại nửa xu, 11 nén bạc, 33 kg đồ nữ trang bằng bạc, 6,6 kg đồ nữ trang bằng vàng đóng vào Quỹ Độc lập.

Cùng với việc diệt giặc đói, nhiệm vụ của việc diệt giặc dốt cũng đặt ra cấp bách đối với chính quyền cách mạng non trẻ. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: "Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người dân Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để tham gia  vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người chưa biết hãy gắng sức mà học cho biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, phụ nữ lại cần phải học..." . 

Để triển khai công tác diệt dốt có hiệu quả, Ủy ban tỉnh thành lập bộ máy bình dân học vụ từ tỉnh đến huyện, xã và phát động một chiến dịch chống nạn mù chữ, nạn thất học được quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Thanh niên, học sinh, giáo viên, trí thức viên chức tham gia giảng dạy. Nhân dân đủ các lứa tuổi nhất là chị em phụ nữ đến lớp học đông đảo. Có những địa phương số người đi học lên tới 70% dân số. Cuối năm 1946, đã có hàng nghìn người, gia đình, hàng trăm đơn vị địa phương được cấp giấy chứng nhận thanh toán nạn mù chữ, hơn 40 cán bộ giáo viên được tặng huy hiệu Chiến sĩ Bình dân học vụ có nhiều thành tích diệt dốt.

Cùng với việc diệt giặc dốt, nền giáo dục cách mạng cũng được quan tâm xây dựng và phát triển. Ngày 15-9-1945 nhân dịp khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên  sau ngày nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thầy giáo, học sinh trong cả nước, trong thư có đoạn: "Non sông Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".

Dưới sự chỉ đạo của chính quyền, Nha giáo dục tỉnh đã có kế hoạch chấn chỉnh các trường lớp trong tỉnh, hướng dẫn chương trình giảng dạy cho năm học mới. Để kịp thời triển khai năm học mới, tỉnh chủ trương duy trì hệ thống trường lớp trước đây và mở thêm một số trường lớp mới ở tất cả các huyện, thị xã. Nhiều nơi không đủ trường lớp, phải học trong đình chùa, trong nhà dân.

Tại các trường lớn như Đồng Hới, Ba Đồn, Roòn, Thọ Linh, Hoàn Lão, Lý Hòa, Xuân Dục, Võ Xá, Tuy Lộc... học sinh mới vào đông, thầy giáo phải chia nhau dạy hai buổi sáng, chiều. Cuối năm học 1945-1946, kỳ thi tốt nhiệp tiểu học ở Quảng Bình được tổ chức chu đáo, số học sinh dự thi đông, số tốt nghiệp tăng. Hè năm 1946, Ủy ban hành chỉnh tỉnh chỉ đạo Thanh tra tiểu học mở một lớp huấn luyện sư phạm cấp tốc cho 100 người (kể cả giáo viên cũ và mới) về những vấn đề cơ bản của  đường lối, nội dung, phương pháp giáo dục mới, chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới.

Cùng với việc diệt giặc đói, giặc dốt, chính quyền cách mạng còn phát động phong trào thi đua xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, ma chay đồng bóng, mê tín dị đoan, nạn nghiện hút, mãi dâm. Phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào rèn luyện thân thể "Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia" được thanh, thiếu niên, học sinh tích cực hưởng ứng.

Mạng lưới thông tin tuyên truyền được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Báo chí, các bản tin được đưa về tận thôn xóm, các đội văn nghệ của quần chúng được thành lập ở nhiều nơi, lời ca tiếng hát cách mạng rộn rã khắp xóm làng. Tờ báo Liên Minh của tỉnh đã có nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ về xây dựng cuộc sống mới.

Sau những thắng lợi trên mặt trận diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, nhân dân Quảng Bình cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành lại độc lập, tự do, thống nhất non sông.

Chặng đường 70 năm nhiều gian khổ, hy sinh nhưng ngay từ những ngày đầu sau cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách cùng cả nước viết nên trang sử mới - trang sử của kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Phan Viết Dũng