.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Những ý kiến tâm huyết

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:38 [GMT+7]

Đồng chí Trương Như Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Lệ Thủy:

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, Báo cáo Chính trị và Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, thể hiện trí tuệ của Đảng bộ; đã đánh giá toàn diện, sâu sắc, nêu bật được những thành tựu đạt được, đồng thời, chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, làm rõ các nguyên nhân của khuyết điểm, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho quá trình lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ tới. Phần phương hướng, nhiệm vụ đã thể hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tôi xin góp ý về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực. Trong dự thảo nêu: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Theo tôi, nên sửa lại là: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đổi mới mạnh mẽ các yếu tố của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng, phát triển phẩm chất, năng lực người học. Quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp; đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Mãi, Chủ tịch Hội CCB Bố Trạch:

Tôi xin góp ý vào mục V: “Phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể”. Về khuyết điểm hạn chế, trang 16 dòng 7 từ dưới lên có một ý cuối cùng là: “Một số phong trào thi đua, cuộc vận động của Mặt trận và đoàn thể còn chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả thấp”.

Theo tôi đánh giá như thế thì chưa khách quan và thực sự chưa chính xác. Bởi vì mọi cuộc vận động, mọi phong trào thi đua Đều do Ủy ban Trung ương MTTQVN và các đoàn thể chính trị của Trung ương đề xướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Phong trào thi đua, các cuộc vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị không hề chồng chéo và càng không thể trùng lặp. Có chăng là phong trào “phát” mà chưa “động”, chưa lan tỏa, chưa tạo được phong trào cách mạng của quần chúng rộng rãi, sôi động, nên hiệu quả còn thấp.

Trên cơ sở chung là “Phong trào thi đua yêu nước” thì Mặt trận và các đoàn thể tùy theo chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của tổ chức đơn vị mình mà có tên phong trào thi đua riêng. Như Mặt trận thì có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Hội Cựu chiến binh có phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; Đoàn thanh niên có phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp”; Hội Phụ nữ có phong trào “Tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Nông dân có phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Rõ ràng không hề trùng lặp và càng không thể chồng chéo”.

Vì vậy ý trên theo tôi, nên sửa: “Một số phong trào thi đua của Mặt trận và các đoàn thể chưa thực sự trở thành phong trào cách mạng của quần chúng thật sôi động, hiệu quả còn thấp”.

Đ.V (thực hiện)

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa:

Qua nghiên cứu những nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi nhất trí cao và xin tham gia một số nội dung cụ thể sau: Trong phần thành tựu, tại trang 4, dòng thứ 3, thứ 4 từ dưới lên có câu: “Công tác quy hoạch được chú trọng, tầm nhìn quy hoạch được quan tâm, chú trọng”. Nên bỏ đi từ “chú trọng” vì bị lặp từ và viết lại thành câu: “Công tác quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch được quan tâm, chú trọng”.

Ở phần nhiệm vụ phát triển kinh tế, tại trang 30, dòng 13 từ dưới lên có đoạn: “Hình thành 4 trung tâm du lịch...”. Tôi đề xuất bổ sung thêm 1 trung tâm du lịch đó là: Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - hệ thống hang động Tú Làn.

Về phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tôi đề nghị nên bổ sung thêm nội dung: Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, cờ bạc, lô đề, mại dâm, ma túy.

Trong cơ cấu Ban Chấp hành ở các khối, đề nghị nói rõ hơn cơ cấu cụ thể được phân bổ ở cơ quan, đơn vị nào và có bao nhiêu đồng chí. Ví dụ như khối Đảng cơ cấu 10 đồng chí thì phải chỉ rõ lãnh đạo bao nhiêu đồng chí và cơ cấu ở ban nào, cụ thể về số lượng. Hay khối các ngành kinh tế và doanh nghiệp cơ cấu 8 đồng chí thì chỉ rõ cơ cấu ở đơn vị, doanh nghiệp nào...

Đồng chí Đinh Xuân Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Yên Hóa:

Về chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tôi cơ bản nhất trí tiêu đề Dự thảo báo cáo mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV chuẩn bị. Chủ đề nêu ngắn gọn, súc tích bao hàm và xuyên suốt cả nhiệm kỳ để đưa tỉnh ta thoát nghèo nhanh và bền vững. Nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà tập trung phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng thu nhập bình quân đầu người còn thấp, vẫn còn một số xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số hộ thoát nghèo thiếu tính bền vững dẫn đến nguy cơ tái nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Để tiêu đề phù hợp hơn, theo tôi nên sửa đổi cụm từ “Quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững”  thành “Quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển bền vững” .

Về nội dung dự thảo, tôi cơ bản nhất trí cao báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã chuẩn bị. Tuy nhiên, trên lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường tôi thấy chưa chặt chẽ lắm. Bởi công tác quy hoạch sử dụng đất hiện nay còn nhiều bất cập, kinh phí đầu tư cho công tác quy hoạch còn hạn chế; chưa có các giải pháp hữu hiệu để quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh giành đất đai vẫn còn xảy ra. Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá rừng, săn bắt động vật hoang dã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do thiên tai xảy ra.

Xuân Vương (thực hiện)