.

Sáng ngời truyền thống anh hùng

Thứ Tư, 29/04/2015, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi đang nói đến Ngư Thuỷ Nam, một xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Lệ Thuỷ. Vùng quê nghèo khó ấy là nơi đã sản sinh ra những người phụ nữ anh dũng, kiên cường. 37 thành viên trong số họ đã hợp thành Đại đội nữ pháo binh lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần đưa đất nước đến ngày toàn thắng. Tròn 40 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hoà bình, cũng từ mảnh đất nghèo khó ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngư Thủy Nam không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên đẩy lùi nghèo khó.

 

Bộ mặt nông thôn xã Ngư Thủy Nam ngày càng đổi mới.
Bộ mặt nông thôn xã Ngư Thủy Nam ngày càng đổi mới.

Ngày mồng 7 tháng 2 năm 1968 đã ghi dấu mốc không thể nào quên đối với quân và dân Ngư Thủy khi chiếc tàu chiến mang số hiệu 013 của giặc Mỹ bốc cháy dữ dội trên vùng biển quê hương. Đấy là chiến công hiển hách đầu tiên của 37 thành viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (lúc ấy tuổi đời chỉ từ 16-22).

Tiếp tục khí thế chiến đấu gan dạ ấy, hơn một tháng sau, ngày 27 tháng 3 năm 1968, đại đội lại bắn cháy một tàu chiến Mỹ. Ngày 16 tháng 5 năm 1968, tiếp tục bắn cháy thêm chiếc tàu khu trục hạm thứ 3 của giặc Mỹ. Với thành tích chỉ trong 100 ngày bắn cháy 3 tàu khu trục hải quân Mỹ, góp phần bảo vệ vùng biển quê hương cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã vinh dự được Bác Hồ khen ngợi.

Không dừng lại ở chiến thắng trận đầu, 37 chị em thành viên của đại đội với những chiến công xuất sắc trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ sau đó đã được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của Người và nhiều lần được đón nhận những phần thưởng xứng đáng như Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu ba đảm đang, Huy hiệu hai giỏi, Huy hiệu Nguyễn Văn Trỗi, Huy hiệu Vì an ninh Tổ quốc... Tinh thần đấu tranh quật cường với ý chí chống, thắng giặc của các thành viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã góp phần củng cố niềm tin chiến thắng đối với các tầng lớp nhân dân địa phương.

Từ đây, phong trào vừa chiến đấu, vừa sản xuất, tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đã được đẩy lên thành cao trào, tạo thành một “lá chắn thép” đẩy lùi các đợt tấn công của máy bay, tàu chiến Mỹ ra miền Bắc, làm thất bại mọi âm mưu của quân xâm lược, góp phần đưa đất nước đến ngày toàn thắng.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Quê hương Ngư Thủy ngày nào đã trải qua nhiều lần chia tách, thay đổi tên gọi nhưng truyền thống kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và ý chí tự cường vượt khó vẫn không hề giảm sút. Trong số ba xã vùng bãi ngang của huyện Lệ Thuỷ (gồm có Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc) thì Ngư Thuỷ Nam được đánh giá là địa phương nổi bật hơn cả trong phong trào xoá đói giảm nghèo.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Do đặc thù địa hình tiếp giáp với biển Đông, Ngư Thuỷ Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Bởi vậy, trong các kỳ đại hội, các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hàng năm, lãnh đạo xã luôn dành phần lớn thời gian, công sức cho việc hoạch định một chiến lược phát triển kinh tế hợp lý trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế sẵn có từ biển.

Chủ trương ấy đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều đầu tư mua sắm thuyền, bơ nan phụ vụ đánh bắt cá gần bờ. Những hộ gia đình vốn neo người, không đủ khả năng tự sắm thuyền đi biển thì tập trung đầu tư vốn xây dựng những cơ sở chế biến hải sản. Từ đây, hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản cũng như không khí giao lưu buôn bán của Ngư Thuỷ Nam trở nên nhộn nhịp hơn hẳn.

Chúng tôi còn nhớ đầu những năm 2000, khi chưa có tuyến đường nối trung tâm xã với Quốc lộ 1, hoạt động giao lưu buôn bán các mặt hàng thuỷ, hải sản của người dân Ngư Thuỷ Nam chỉ dừng lại trong phạm vi “nội địa”. Những hộ gia đình có sản lượng đánh bắt hải sản lớn thường phải gồng gánh, đi bộ qua những đồi cát trắng mênh mông, bỏng rát trong những ngày hè mới có thể đến được trung tâm huyện để bán. Vất vả là thế, nhưng khi đến được vùng trung tâm huyện, do phải vượt qua quãng đường dài dưới thời tiết nắng nóng nên các mặt hàng hải sản mà họ đánh bắt được đã không còn tươi, giá bán cũng chẳng cao hơn là mấy.

Tận dụng lợi thế từ biển, người dân Ngư Thủy Nam đẩy mạnh đóng mới bơ nan khai thác hải sản gần bờ.
Tận dụng lợi thế từ biển, người dân Ngư Thủy Nam đẩy mạnh đóng mới bơ nan khai thác hải sản gần bờ.

Từ ngày có tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 1 với Ngư Thuỷ Nam, hoạt động giao lưu buôn bán trở nên thuận lợi hơn. Đời sống người dân cũng được cải thiện đáng kể chính nhờ tuyến đường giao thông có ý nghĩa quan trọng ấy. Giờ đây, đến Ngư Thuỷ Nam, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hoạt động buôn bán không chỉ với những mặt hàng hải sản tươi sống mà còn có cả những sản phẩm được người dân địa phương chế biến như nước mắm, cá khô, mực khô...hết sức sôi động. Thế mới biết các tuyến đường giao thông có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Dạo quanh một vòng trong xã trên những tuyến đường cấp phối phẳng lì, chúng tôi cảm nhận được rất rõ những đổi thay của cuộc sống người dân Ngư Thuỷ Nam. Hai bên đường, những ngôi nhà mái ngói được xây dựng kiên cố, những cô cậu học sinh trong bộ đồng phục sạch sẽ cắp sách đến trường, tiếng nhạc xập xình phát ra từ những dàn máy âm thanh đắt tiền... Tất cả tạo nên một không khí sôi động trên vùng quê vốn nghèo khổ, đầy nắng gió của một quãng thời gian chưa xa.

Chứng minh cho những kết quả đạt được của địa phương trong hành trình xoá đói giảm nghèo, Chủ tịch UBND xã Ngư Thuỷ Nam Nguyễn Hữu Hiến cho biết thêm: Trong cơ cấu kinh tế của xã, lĩnh vực ngư nghiệp chiếm 56% và năm 2014, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng địa phương vẫn đạt được con số tổng sản lượng đánh bắt thuỷ hải sản cao nhất từ trước đến nay: 2.496 tấn. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế biển, người dân Ngư Thuỷ Nam cũng rất linh động trong việc đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản.

Toàn xã hiện có 261 hồ nuôi cá lóc 2 vụ/năm được người dân phát triển với diện tích lên đến hàng chục ngàn m2, tổng sản lượng thu được hàng năm lên đến trên 200 tấn cá. Đời sống người dân cũng được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đã đạt con số 20,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hiện chỉ còn 8,3%...

Dẫu khó khăn vẫn còn rất nhiều, song với những kết quả đạt được rất quan trọng nói trên, Ngư Thủy Nam đang tiến những bước vững chắc trong hành trình giảm nghèo; mỗi một người dân Ngư Thủy Nam với truyền thống kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nay đang cùng nhau đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Nguyễn Hoàng