.
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015):

Những ngày đi dân công hỏa tuyến Đường 9-Nam Lào

Thứ Sáu, 24/04/2015, 09:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Hồi ấy, chúng tôi hầu hết còn ở độ tuổi dưới 30, trái tim còn hừng hực bầu máu nóng. Quê hương bom đạn giặc Mỹ cứ ngút trời, lòng chúng tôi ai cũng sục sôi như lửa đốt, nhiều lứa đôi phải hoãn ngày cưới, xung phong lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu  nước”.

Chúng tôi, những cán bộ Ngân hàng từng quen tay bút 10 năm cũng thấy bồn chồn xao xuyến, ao ước được đứng trong hàng ngũ ấy. Nhưng rồi cũng gặp cơ may, đầu tháng 2-1971, Tỉnh ủy Quảng Bình có chủ trương huy động một số cán bộ đi “dân công hỏa tuyến Đường 9-Nam Lào”. Lần đầu tiên trong đời nghe đến “dân công hỏa tuyến”, ai cũng thấy ngỡ ngàng nhưng cũng hiểu đại khái là làm đủ mọi việc từ tải đạn, cáng thương, đến vận chuyển hàng hóa... tiếp sức cho bộ  đội đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chúng tôi như mở cờ trong bụng, viết đơn tình nguyện. Ban lãnh đạo duyệt tất cả 12 người bao gồm cán bộ Chi hàng kiến thiết và Ngân hàng Nhà nước hình thành đội hình “lính ngân hàng” ra hỏa tuyến do anh Phan Văn Thành phụ trách.

Tuy mỗi người mỗi hoàn cảnh: người mới cưới vợ đang tuần trăng mật, người có vợ vừa sinh con đầu lòng chưa đầy tháng tuổi, người có mẹ già neo đơn. Nhưng tất cả đều phấn chấn sắp xếp ổn định gia đình tập trung đúng hạn tại Sở Thủy lợi Quảng Bình để nghe Ủy ban nhân dân tỉnh nói chuyện và biên chế tổ chức.

Từ  phút ấy, mỗi chúng tôi như một người lính thực thụ, được trang bị mũ cối, ba lô con cóc, áo quần màu xanh lá cây, lên đường phải ngụy trang bằng lá cây rừng, nhất cử nhất động đều phải quân sự hóa.

Đêm 13-2-1971, bất đầu hành quân về Châu Xá, qua Khe Bai (chiến khu xưa của Lệ Thủy), vượt qua Thù Lù rồi đến đèo 1001 (giữa Quảng Bình và Quảng trị). Vốn chân yếu tay mềm với công việc bàn giấy, cứ tưởng là không vượt qua được, nhưng rồi với nhiệt huyết, tay chống gậy, chân bám riết  đá tai mèo, đầu người này tưởng như đội chân người kia mà nối tiếp bước chân. Lên được đỉnh đèo, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Giải lao ở đỉnh đèo, có được vài phút ngắm đất trời, ngắm đường Trường Sơn dằng dặc càng  thấy đất nước bao la hùng vĩ, núi liền núi, sông liền sông với nước bạn Lào trùng trùng điệp điệp,  lòng ai cũng trào dâng một tình yêu quê hương đất nước vô bờ.

Bữa cơm "đời lính” đầu tiên được tổ chức ở chân đèo, ăn  cơm với cây đoác nấu với ruốc bông thật đạm bạc nhưng ấm áp tình đồng đội. Đêm ấy ngủ giữa rừng, những chiếc võng bạt căng lên giữa hàng cây, che trần bằng tấm ni lông, sáng sớm sương muối tí tách nhỏ giọt như tiếng nhạc rừng nghe thật vui tai.

TNXP và dân công hỏa tuyến Quảng Bình tham gia mặt trận B5 Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu
TNXP và dân công hỏa tuyến Quảng Bình tham gia mặt trận B5 Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu

Hôm sau khi trời chưa rõ mặt người, để tránh máy bay địch oanh tạc chúng tôi phải vượt sông Xê-Băng-Hiêng qua cửa khẩu. Nước sông chảy xiết, chị em nữ phải nhờ nam giới cõng trên vai và níu bằng một sợi song mây buộc từ hai cây đại thụ nối từ bên này sông qua bên kia sông mới vượt qua được.

Đến đây mới thật sự tạm biệt Quảng Bình, tạm biệt Việt Nam. Chúng tôi đến bản Xa Líc rồi bản Mường Chương (đất Lào)-nơi chính thức làm nhiệm vụ cũng ròng rã mất 12 ngày đêm. Trên đầu các ngón chân ai cũng rớm máu, đôi giày cao cổ đã rách như xơ mướp.

Ở đây giữa đồi núi lau sậy điệp trùng của nước bạn ai cũng thấy lạ lùng như trở về một thời kỳ cổ xưa nào đó. Nhiều tiểu đội phải dựng lán trại, có tiểu  đội may mắn có hang lèn vào ở ngay. Nhưng vào được hang không phải là việc dễ dàng vì miệng hang thường nhỏ hơn gấp nhiều lần so với đáy hang, muốn vào phải lần lượt từng người chuồi chân vào trước rồi trải người mới nằm được. Chăn, chiếu, gối cũng từ cái võng bạt và chiếc ba lô con cóc.

Đêm đầu tiên ở chiến trường không khí thật là lạ, nhưng ai ai cũng muốn bắt tay vào nhiệm vụ. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, chúng tôi được phân công mỗi người mỗi việc. Anh chị em khỏe được tải đạn, cứu thương, số yếu hơn thì bảo vệ, dựng kho, canh gác thám báo...

Cuộc sống ở chiến trường thật sôi động. Địch biết quy luật của ta hoạt động, đêm đêm máy bay VO10 cứ vo ve, B52 gầm rú, pháo sáng cứ rực trời rồi bom na- pan xanh lè mặt đất.

Có lần, địch phát hiện xe tăng của ta đã oanh tạc lấn vào doanh trại. Chị Linh, anh Nậy (Sở Xây dựng) hy sinh. Tang lễ được cử hành trang nghiêm mà chất chứa căm hờn. Thù hận dồn lên  đôi vai, bàn chân của mỗi người. Nhiều đêm bị địch đánh phá, nhiều ca trọng thương, anh chị em cáng thương cứ trèo đèo, tụt dốc  lội suối, tránh làn pháo sáng của địch mới đưa được thương binh về bệnh viện hậu cứ. Trở về thì trời đã hửng sáng.

Anh chị em ban ngày gác kho, ban đêm theo xe hàng mà bốc vác vận chuyển. Kho ở đây phần lớn là những hố bom sâu thẳm. Xe đến là cứ ném vào đấy, nào lương khô, thịt hộp, đậu xanh, gạo... Nhiều đêm không chợp được mắt.

Công việc chủ yếu cứ dồn vào ban đêm, ban ngày cũng có chút thì giờ tổ chức đời sống. Rừng dày trùm kín lại thiếu chất tươi, chưa tròn tháng mà màu da ai cũng bắt đầu ngã màu vàng nhợt. Chúng tôi phải thay nhau xuống khe câu cá, hái môn thục, vào bản đổi muối lấy rau, gà cải thiện.

Nhiệm vụ hàng ngày vất vả, lại phải di chuyển chỗ ở nhiều lần. Có khi nằm trong ngách hang 40-50 người chen chúc cả nam lẫn nữ nhưng cuộc sống vẫn vui tươi đầm ấm như một gia đình. Nhiều chị em còn sáng tác thơ ca tuy còn mộc mạc nhưng cũng đã ghi nhận những ngày sống đáng tự hào ở đây. Tôi còn nhớ như in đậm vào ký ức:

Ôi Xa Líc! Mường Chương nhớ từng hang đá
Đá với ta là bạn ngày đêm
Những hòm đạn trên vai đè trĩu nặng
Thức suốt đêm mà chí  vẫn bền
Pháo ta gầm đánh địch tả tơi
Ta góp phần của ta trong ấy
Thắng trận Nam Lào tiếng dội khắp nơi...


Thấm thoắt thời gian cũng trôi qua nhanh, thế mà đã 5 tháng 12 ngày. Những cánh quân Mỹ ngụy phía Nam Lào bị quân ta đánh gục, bắt sống nhiều sĩ quan cao cấp của địch trong đó có đại tá Thọ. Chúng tôi còn được tin tướng Hoàng Xuân Lãm ra thị sát mặt trận Đường 9-Nam Lào bằng máy bay bị pháo bộ đội ta bắn tử thương. Chiến dịch kết thúc. Ngày 20-7-1971, chúng tôi được lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận rút lui về Dốc Khỉ, Làng Ho rồi  tập kết về xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới bây giờ) để tổng kết. Ai cũng mừng vui vì chiến thắng đã đến một cách mau lẹ.

Ra về đoàn Ngân hàng Quảng Bình đã được Bộ chỉ huy mặt trận khen  thưởng. Những ngày đi dân công hỏa tuyến Đường 9-Nam Lào tuy ngắn nhưng  hồi ức vẫn còn sống mãi.

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước  nhớ lại những đóng góp nhỏ của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ai cũng thấy tự hào. Trong lý lịch của mỗi người ở mục “đi nước ngoài” ai cũng ghi rõ ràng dòng chữ “Đi dân công hỏa tuyến Đường 9-Nam Lào”.

Văn Lạc