.

IPU-132: Dấu ấn quan trọng trong lịch sự ngoại giao nghị viện thế giới

Thứ Năm, 02/04/2015, 14:30 [GMT+7]

Sau 5 ngày làm việc (từ ngày 28-3 đến 1-4-2015), Đại hội đồng IPU-132 đã kết thúc thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động" và nhiều văn kiện quan trọng khác.

>> Toàn văn Tuyên bố Hà Nội-Các Mục tiêu Phát triển Bền vững

Đại hội thông qua Tuyên bố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Đại hội thông qua Tuyên bố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Với những kết quả đạt được, IPU-132 tại Hà Nội đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử ngoại giao nghị viện không chỉ với riêng Việt Nam mà còn đối với cơ chế hợp tác liên nghị viện toàn cầu.

Từ IPU-132 tại Hà Nội, tinh thần đoàn kết, hợp tác, sự đồng thuận và những nỗ lực, quyết tâm của IPU sẽ tiếp tục lan tỏa, sẽ được cụ thể hóa thành những chủ trương, quyết sách, những chương trình hành động mang lại lợi ích thiết thân cho người dân ở khắp các quốc gia, châu lục.

Thể hiện ý nguyện của nhân dân thế giới

Theo ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Đại hội đồng IPU-132, đây là kỳ họp có số lượng đoàn quốc tế tham gia nhiều nhất với hàng trăm lãnh đạo Quốc hội, nghị viện các nước đã tham gia.

Điều này cho thấy mối quan tâm của nghị viện, nhân dân các nước đối với chủ đề mà Việt Nam đề xuất “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động.”

Chủ đề này thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trên toàn thế giới và các nghị sỹ đại diện cho nhân dân các nước. Khi các nghị sỹ đến đây đã mang trong lòng ý nguyện của nhân dân nước họ để học hỏi, trao đổi, tranh luận, đóng góp ý kiến để xây dựng các nghị quyết và đóng góp cho thành công của Đại hội đồng lần này.

Các cuộc họp, trong đó có phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, các cuộc họp của Ủy ban Thường trực, của các nữ nghị sỹ, Diễn dàn nghị sỹ trẻ, các cuộc họp về quyền của trẻ em, bình đẳng giới... đều đã diễn ra rất sôi nôi. Có cuộc họp với gần 100 ý kiến phát biểu, xoay quay vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có các quyền toàn diện hơn và đặc biệt đó là quyền tham gia vào hoạt động chính trị.

Cũng theo ông Trần Văn Hằng, các đại biểu đến đây tham gia, trước hết họ chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm của họ trong quá trình phấn đấu để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Đồng thời họ nêu ra những tồn tại, khó khăn vướng mắc mà khi tiến hành thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ còn có những khiếm khuyết. Từ đó, các nước đề xuất chuyển sang giai đoạn mới, tức là thời kỳ 15 năm tới, chuyển sang mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, những vấn đề mà chúng ta chưa thực hiện xong các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, sẽ kế tiếp vào để thực hiện trong chương trình nghị sỹ sau 2015 của Liên hợp quốc, tức là chương trình phát triển bền vững với 17 mục tiêu, 169 nhiệm vụ. Các đoàn tham gia đóng góp ý kiến, đồng thời cũng đề ra các kế hoạch rất cụ thể của nghị viện các nước.

Qua các cuộc trao đổi, các nghị viện học được kinh nghiệm của nhau, rất nhiều kinh nghiệm quý báu của các nước, là bài học thành công cho các nước khác.

Tại Đại hội đồng lần này, các nước có nguyện vọng chính đáng đưa vào các nghị quyết, đó là tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác giữa các nghị viện trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc sắp thông qua. Phải nói rằng, các nghị viện và các nghị sỹ, các đại biểu đã đóng góp vào thành công của Đại hội đồng IPU-132.

Tuyên bố Hà Nội, dấu ấn Việt Nam

Về ý nghĩa của Tuyên bố Hà Nội, ông Trần Văn Hằng chia sẻ, Tuyên bố Hà Nội là sáng kiến của Việt Nam ngay từ khi Việt Nam vận động để được đăng cai kỳ Đại hội đồng IPU-132 này. Việt Nam đã nghĩ tới việc phải có một Tuyên bố ghi lại dấu ấn tại Hà Nội, dấu ấn của Việt Nam bởi Việt Nam đăng cai IPU-132 vào thời điểm chuyển giao giữa hai quá trình phát triển.

Năm nay là năm cuối cùng thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và chuyển sang một giai đoạn mới của thế giới trong 15 năm tiếp theo. Chủ đề này cũng gắn trực tiếp với đường lối phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm tới, đó là chuyển sang giai đoạn chú trọng phát triển bền vững.

Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận được chủ đề này và chủ động đề xuất, vì Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân.

Khi Việt Nam đề xuất chủ đề này, đã nhận được sự quan tâm rộng lớn của các nghị viện. Điều này thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế đã mang lại kết quả, mà kết quả rõ nét nhất là Việt Nam đã tập hợp được hàng trăm đoàn, hàng trăm nghị sỹ cùng nhau thảo luận những vấn đề mà Việt Nam và các nước quan tâm, nên có sự đồng thuận cao.

Tuyên bố Hà Nội đã khẳng định rằng đây là tuyên bố đánh một dấu mốc lịch sử của IPU. Theo Chủ tịch Saber Chowdhury, Tuyên bố Hà Nội, thành công của IPU-132 tại Hà Nội tạo nên giá trị cao hơn của IPU. Chủ tịch IPU nói: “Chúng tôi vinh danh Việt Nam, vinh danh Hà Nội.”

Điều đó thể hiện rằng chủ đề Việt Nam đưa ra có ý nghĩa như thế nào đối với toàn cầu và đáp ứng lòng mong mỏi của bạn bè khắp năm châu, thể hiện được khâu tổ chức của Việt Nam rất chuyên nghiệp, bài bản, chu đáo, với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, làm cho bạn bè quốc tế cảm thấy thoải mái và có nhiều đóng góp cho thành công của Đại hội đồng IPU-132 .

Từ Nghị quyết IPU đến chính sách cụ thể của từng quốc gia

Về tính thực thi của các nghị quyết tại Đại hội đồng IPU-132, ông Trần Văn Hằng, chia sẻ tại các cuộc họp của các Ủy ban Thường trực, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua, đề cập những vấn đề hết sức quan trọng mang tính toàn cầu, không chỉ cho trước mắt mà còn lâu dài, như vấn đề chiến tranh mạng, vấn đề nước và vai trò của Quốc hội, luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.

Tại Đại hội đồng IPU-132, Tuyên bố Hà Nội là văn kiện quan trọng nhất, góp phần để Liên hợp quốc định hướng chương trình nghị sự sau năm 2015, xác định các chỉ tiêu, mục tiêu và định hướng cụ thể trong phát triển bền vững.

Tuyên bố Hà Nội sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận và bổ sung tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà l ãnh đạo lập pháp ở New York vào cuối năm nay.

Kèm theo Tuyên bố Hà Nội thì Đại hội đồng IPU-132, đã tổ chức bộ tài liệu về toàn bộ các nghị quyết và các giải pháp để gửi đoàn nghị sỹ các nước và Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng với tư cách Chủ tịch IPU-132 đã ký công văn gửi tất cả các Chủ tịch các nghị viện thành viên để yêu cầu thực thi các giải pháp này.

“Với vai trò và chức năng của các nghị viện như thế, trong văn kiện của IPU-132 lần này cũng nêu 4 bước để nghị viện các nước triển khai. Qua theo dõi hoạt động của các Ủy ban Thường trực và các phiên họp Đại hội đồng, các trưởng đoàn đều phát biểu nêu ra những chương trình hành động và kế hoạch rất cụ thể của nước mình để triển khai 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững,” ông Trần Văn Hằng cho biết.

Đại hội đồng IPU-132 với chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cũng đã nhấn mạnh rằng, để đưa các nghị quyết lần này vào thực thi thì các nghị viện phải biến các nghị quyết thành cơ sở pháp lý, chính sách và quyết sách cụ thể ở các nước để đưa vào triển khai thực hiện.

Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)