.

Phiên họp UBTVQH: Người bị buộc tội được coi là không có tội

Chủ Nhật, 01/03/2015, 06:36 [GMT+7]

Tiếp tục Phiên họp thứ 35, sáng 27-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

>> Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật ngân sách Nhà nước

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày báo cáo tại phiên họp. (Nguồn: Phương Hoa/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương trình bày báo cáo tại phiên họp. (Nguồn: Phương Hoa/TTXVN)

Dự án luật này nhận được nhiều quan tâm sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

Đánh giá về dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng quá trình soạn thảo, thẩm tra, hoàn thiện, chỉnh lý thông qua các dự án Luật: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của ba văn bản này và của hệ thống pháp luật.

Không mở rộng đầu mối các cơ quan điều tra

Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan tư pháp băn khoăn trước quy định bổ sung một số ngành như kiểm ngư, cơ quan thuế, ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh và nhiều đại biểu khác viện dẫn Kết luận 92 của Bộ Chính trị quy định giữ nguyên hệ thống các cơ quan điều tra như hiện nay, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ; xác định rõ mối quan hệ giữa hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự và hoạt động trinh sát.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh thẳng thắn cho biết nếu mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như dự thảo là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, tinh giảm đầu mối cơ quan điều tra, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Hơn nữa, nếu xét về nhu cầu thì còn nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng mong muốn được giao chức năng điều tra.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, việc mở rộng diện các cơ quan được giao chức năng điều tra còn có thể gây sự chồng lấn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan điều tra tại các địa bàn hoạt động của các ngành nghề này.

Dự thảo lần này còn bổ sung quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu do công an xã là lực lượng bán chuyên trách, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, việc bổ sung cơ quan điều tra cần quán triệt tinh thần “sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ." Ủy ban này cũng cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động điều tra tội phạm, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm thì cần quy định theo hướng thẩm quyền điều tra nói chung phải tuân thủ nguyên tắc phân công, phân cấp chuyên sâu, rành mạch, tránh chồng chéo, trùng giẫm và được kiểm soát chặt chẽ, có sự phối hợp của các cơ quan điều tra trong một số trường hợp cụ thể cần thiết.

Người bị buộc tội phải được coi là không có tội

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, cơ quan soạn thảo đặc biệt lưu ý tinh thần của Hiến pháp 2013, theo đó cần quy định cụ thể quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tuân thủ Điều 31 của Hiến pháp: Một người chỉ được coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án, kết luận của tòa án.

“Phải bảo đảm người bị buộc tội được coi là không có tội, đây là quyền tự nhiên của họ," Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh. Ông Lý cũng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, phân biệt rõ mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra cấp dưới để hạn chế xảy ra oan sai. Ngoài ra, dự thảo cũng cần quy định những biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra đảm bảo quyền tự do cá nhân, nhất là đối với thư tín, điện thoại…

Góp ý thêm về tổ chức, bộ máy của cơ quan điều tra, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng cần bóc tách chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan an ninh điều tra với cơ quan cảnh sát điều tra. Đối với quy định về xử lý tranh chấp trong hoạt động điều tra thì chỉ nên quy định trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên cần có quy định sao cho không làm tăng thêm thời gian tiến hành tố tụng của mỗi vụ việc, vụ án.

Tán thành với ý kiến không mở rộng đầu mối các cơ quan có chức năng điều tra, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Thuân kiến nghị dự thảo cần tách bạch hoạt động quản lý hành chính với hoạt động tố tụng của ngành công an.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Theo TTXVN/Vietnam+