.

Người cán bộ Hội Phụ nữ năng động, nhiệt tình

Thứ Sáu, 06/03/2015, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 30 năm làm công tác Hội Phụ nữ, chị luôn năng động, nhiệt tình, không ngừng nỗ lực để đưa phong trào hội ngày càng đi lên. Chị cũng luôn trăn trở suy nghĩ, tìm cách tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và ổn định đời sống. Nhờ sự nỗ lực ấy, chị Ngô Thị Thứ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) đã vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen “Phụ nữ điển hình tiên tiến” năm 2014.

Chị Ngô Thị Thứ năm nay đã 63 tuổi và gần 30 năm làm công tác phụ nữ. Với vai trò là một chi hội trưởng, chị luôn được chị em tin tưởng và tín nhiệm, không có hoạt động phong trào nào Hội cấp trên giao phó có thể làm khó được chị. Chúng tôi biết đến chị như một điển hình trong công tác vận động phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần xây dựng nông thôn mới của xã Ngư Thủy Trung.

Chị Ngô Thị Thứ cho biết, thôn Thượng Hải có 134 hộ dân, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào chế biến, khai thác hải sản gần bờ. Kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, thói quen trong đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Với một vùng quê miền biển, trình độ dân trí còn thấp nên người dân đều không có thói quen sử dụng nhà tiêu mà phóng uế bừa bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sinh thái trong cộng đồng khu dân cư.

Để vận động các hộ gia đình thay đổi nhận thức, thói quen và tự giác làm nhà tiêu hợp vệ sinh là một điều không hề dễ dàng. Hơn nữa đời sống của bà con còn quá nhiều thiếu thốn, việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh chưa phải là ưu tiên trong khi cái nghèo, cái khổ vẫn còn đeo bám.

Lúc đầu việc vận động bà con làm nhà tiêu hợp vệ sinh gặp rất nhiều khó khăn nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị đã không ngại khó, ngại khổ đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh tùy với hoàn cảnh kinh tế của từng hộ dân. Để quá trình vận động có hiệu quả, chị Thứ còn phối hợp với thôn đưa tiêu chí “có nhà tiêu hợp vệ sinh” vào bình xét gia đình văn hóa nhằm làm cho người dân quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, chị còn khéo léo tạo dư luận để chị em thi đua nhau làm nhà vệ sinh. “Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng được sự động viên khích lệ của Hội phụ nữ xã, cấp ủy thôn, tôi cũng gắng tích cực vận động chị em nhận thức rõ hơn về công tác bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ cuộc sống của mọi người xung quanh. Tôi thường nghĩ, đã không làm thì thôi, còn đã làm thì phải làm cho thật tốt”, chị Thứ chia sẻ.

Đến bây giờ, chị Thứ vẫn còn nhớ như in về những tháng ngày gian khó, đến từng nhà để vận động chị em tham gia làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Kỷ niệm mà chị nhớ nhất vẫn là trường hợp của chị Ngô Thị Biểu là gia đình thuộc diện nghèo nhất thôn. “Nhà chị Biểu rất khó khăn. Tôi phải thuyết phục rất nhiều lần, kiên trì đến gặp gỡ, động viên để chị hiểu rõ hơn việc cần phải bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng”, chị Thứ tâm sự. Để những gia đình nghèo trong thôn giảm bớt chi phí khi xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, chị Thứ đề xuất phương án xây dựng theo mô hình “dưới kiên cố, trên tạm bợ”.

Theo cách này, thay vì một nhà vệ sinh có đầy đủ hầm hút, bệ xí và tường gạch kiên cố thì những gia đình nghèo có thể chỉ cần xây dựng hầm hút, bệ xí kiên cố. Còn phần tường gạch có thể dùng bìa gỗ để giảm giá thành nhưng vẫn hợp vệ sinh. Chính cách làm linh động này mà nhiều gia đình nghèo đã có được nhà vệ sinh đúng chuẩn.

Bên cạnh đó, để giúp chị Biểu có thêm kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chị Thứ đã tạo mọi điều kiện để chị Biểu được vay vốn từ nguồn quỹ Hội cũng như vận động bà con trong thôn người góp công, người góp nguyên vật liệu, người cho mượn tiền... và cuối cùng gia đình chị Biểu cũng đã xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh nhờ sự giúp đỡ của mọi người. “Tôi cảm thấy rất vui và đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục vận động những hộ khác”, chị Thứ bày tỏ.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, chỉ trong vài năm chị Thứ đã vận động được 75 hộ gia đình khác trong thôn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đưa tỉ lệ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh của thôn đạt 72%. Từ kết quả đó của Chi hội phụ nữ thôn Thượng Hải đã góp phần vào kết quả chung của toàn xã, xã Ngư Thủy Trung là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ nhà vệ sinh 38% và được Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng.

Để kịp thời giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, chị Thứ thường xuyên quan tâm, gần gũi, nắm bắt hoàn cảnh từng hội viên, từ đó đề xuất các biện pháp giúp đỡ phù hợp. Chị đã đứng ra vận động chị em trong thôn đóng góp mỗi người 10 ngàn đồng/tháng để làm quỹ nhằm giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, số tiền quỹ của Hội đã lên tới 50 triệu đồng, số tiền này dùng để cho chị em vay vốn phát triển kinh tế mà không tính lãi.

Những cách làm phù hợp của chị Thứ đã từng bước tạo được hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo trong thôn cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như chị Ngô Thị Lan, Ngô Thị Phước, Ngô Thị Ngân... Bên cạnh đó, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế ở địa phương, chị còn vận động chị em mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn vay, kỹ thuật mới để phát triển kinh tế.

Đến nay, thôn Thượng Hải đã có 15 mô hình phụ nữ sản xuất chăn nuôi, chế biến hải sản có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Điều quan trọng là từ những mô hình sản xuất kinh doanh có lãi, chị đã vận động số chị em này hỗ trợ vốn và con giống cho những hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong thôn để phát triển kinh tế, tạo nên sự đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ.

Từ những đóng góp trong các hoạt động phong trào, nhiều năm liền chị Ngô Thị Thứ được Hội LHPN các cấp tặng giấy khen. Chị xứng đáng là tấm gương điển hình về người phụ nữ năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới.

P.V