.

Đảng bộ huyện Tuyên Hóa: Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn

Thứ Ba, 03/03/2015, 07:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, và thực hiện Đề án số 01-ĐA/HU ngày 12-12-2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc "nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn giai đoạn 2013-2015", các chi bộ nông thôn trong huyện Tuyên Hóa đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Hiện nay, Đảng bộ Tuyên Hóa có 157 chi bộ nông thôn, chiếm 51% tổng số chi bộ toàn huyện, với 2.810 đảng viên, chiếm 55% tổng số đảng viên trong toàn huyện. Thực tiễn cho thấy, ở đâu chi bộ hoạt động có hiệu quả, đảng viên gương mẫu thì ở đó phong trào sẽ mạnh, sức chiến đấu của mỗi đảng viên, của tổ chức Đảng càng có sức thuyết phục với quần chúng nhân dân.

Mặc dù không phải là một cấp hành chính, nhưng có thể xem thôn, bản như là cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã, là nơi trực tiếp vận động nhân dân tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mọi hoạt động của thôn, bản đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của chi bộ.

Đã thành nền nếp, cứ ngày 25 hàng tháng, các đảng viên chi bộ tiểu khu Lưu Thuận, thị trấn Đồng Lê lại tập trung đông đủ tại nhà văn hóa thôn cùng tham gia sinh hoạt chi bộ. Trước khi nghị quyết được thông qua, nhiều đảng viên đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân như: phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nông dân, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự,...

Đồng chí Trương Quang Bôn, Bí thư Chi bộ tiểu khu Lưu Thuận cho biết: Hàng tháng cứ đến ngày 24 là chúng tôi tiến hành họp cấp ủy mở rộng, ngày 25 họp chi bộ. Trong quá trình sinh hoạt, chi bộ đã đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ, đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong sinh hoạt ý thức của đảng viên được phát huy, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phương pháp đổi mới trong công tác xây dựng Đảng được nâng lên rõ rệt.

Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, chất lượng của TCCS đảng phụ thuộc vào chất lượng của chi bộ. Chính vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của chi bộ Đảng nông thôn là yêu cầu thiết thực, nhất là khi khắp nơi trong huyện đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Từ khi thực hiện đề án số 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy, bên cạnh việc duy trì nền nếp sinh hoạt, nâng cao chất lượng, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ đạt trên 95%, các chi bộ chú trọng phát huy trí tuệ của tập thể, luôn tạo không khí cởi mở, dân chủ để đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình, đóng góp ý kiến cùng chi bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Thị Thao, Bí thư Đảng ủy xã Hương Hóa  cho biết: Đảng bộ xã Hương Hóa có 11 chi bộ, trong đó có 6 chi bộ nông thôn. Từ khi thực hiện đề án số 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên; bí thư chi bộ điều hành hội nghị đã đưa được những nội dung quan trọng vào sinh hoạt, được sự đồng tình của đảng viên. Các chi bộ nông thôn của xã chủ yếu sinh hoạt vào ban ngày, với tỷ lệ đảng viên tham gia 100%.

Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ nông thôn, từ năm 2013 đến nay Huyện ủy Tuyên Hóa cũng đã tổ chức được 7 hội nghị giao ban công tác xây dựng Đảng tại các cụm xã trong huyện với sự tham gia của các bí thư chi bộ nông thôn. Đây là kênh thông tin cần thiết, quan trọng đối với bí thư chi bộ nông thôn, góp phần xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cấp uỷ với người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, từng bước đổi mới nội dung, nâng cao kỹ năng, hình thức tổ chức sinh hoạt cho đội ngũ bí thư chi bộ cơ sở.

Đồng thời phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, lãnh đạo các ban Đảng và đoàn thể chính trị xã hội về tham gia sinh hoạt định kỳ với các chi bộ thôn để theo dõi, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn; từ đó, tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy có giải pháp lãnh đạo sát với tình hình thực tiễn các địa phương.

Đồng chí Trần Vũ Khiêm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, cho biết: Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chúng tôi xác định vai trò của đồng chí bí thư chi bộ có yếu tố rất quan trọng, vì vậy phải nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của bí thư chi bộ, để bảo đảm điều hành sinh hoạt chi bộ và tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả.

Trong sinh hoạt phải chọn đúng nội dung, trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề được quan tâm ở cơ sở để đưa vào nội dung sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, phát huy dân chủ và nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ, phát huy trí tuệ của đảng viên trong việc bàn đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở.

Qua hơn 7 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư, và 1 năm thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy, chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn ở Đảng bộ huyện Tuyên Hóa đã có chuyển biến tích cực. Các TCCS đảng ngày càng phát huy rõ hơn vai trò hạt nhân lãnh đạo thông qua việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Trần Tuyến
(Đài TT-TH Tuyên Hóa)