.

Đảng bộ huyện Quảng Ninh: Tạo sự chuyển biến từ công tác cán bộ

Thứ Ba, 03/03/2015, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Hai năm qua, Quảng Ninh là địa phương tạo được nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội ở Quảng Bình. Để có được kết quả đó, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã rất chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Võ Ninh họp bàn với Đảng ủy thôn Hà Thiệp về phát triển thủy sản.
Lãnh đạo Đảng ủy xã Võ Ninh họp bàn với Đảng ủy thôn Hà Thiệp về phát triển thủy sản.

Đầu năm, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Trần Hải Châu bận rộn với công việc. Biết vậy nên tôi chỉ xin gặp ông chừng một giờ đồng hồ trao đổi trước khi về cơ sở tìm hiểu thực tế. Hóa ra, bên trong con người mà thoạt gặp ít thấy sự vồn vã này lại có thừa sự sôi nổi, nhiệt huyết và trăn trở với công việc. Đồng chí Trần Hải Châu tâm sự: “Phương châm hành động mà tôi tâm đắc nhất trong điều hành công việc là “Thảo luận dân chủ, kiên trì vận động, kiên quyết thực hiện” và “dựa vào dân để xây dựng Đảng”.

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. “Với huyện Quảng Ninh, thông qua việc thực hiện nghị quyết để chúng tôi xử lý các vấn đề nổi cộm, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ để xốc lại phong trào.

Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy là nơi nào phong trào đi xuống hoặc không chuyển biến, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thì kiểm tra, đánh giá để có hướng xử lý và sau hai năm vẫn không có chuyển biến thì thay thế người đứng đầu cấp ủy đó” - đồng chí Trần Hải Châu nói.

Qua giới thiệu của đồng chí Bí thư Huyện ủy, tôi cùng một cán bộ lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy xuống xã Võ Ninh-nơi mà theo đồng chí Trần Hải Châu là “đã tạo được chuyển biến sau khi thay thế, củng cố lại đội ngũ cán bộ chủ chốt”. Đón chúng tôi là đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc - vốn là một trưởng phòng của Sở Thông tin-Truyền thông được luân chuyển đến làm Bí thư Đảng ủy xã. Võ Ninh là quê hương cách mạng, nhiều năm liền là địa phương luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế-xã hội của huyện Quảng Ninh.

Tuy nhiên, năm 2012 phong trào của địa phương này bị chững lại, Đảng bộ chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân là do nội bộ lãnh đạo xã thiếu đoàn kết và vi phạm quy định về quản lý xây dựng khi xây trường mầm non. Sau khi các cá nhân vi phạm bị xử lý, đội ngũ cán bộ chủ chốt cũng được kiện toàn lại với quyết tâm vực dậy phong trào.

Bí thư Nguyễn Xuân Ngọc cho biết: “Đảng bộ ban hành các nghị quyết theo hướng đổi mới, sát hơn với thực tế, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Đảng ủy phân công lại việc phụ trách địa bàn, đơn vị đối với các cán bộ chủ chốt và đảng ủy viên, đồng thời chỉ đạo chi bộ cơ quan xã giám sát, kiểm tra các đảng viên về dự sinh hoạt chi bộ ở các thôn, đơn vị. Nhờ thường xuyên bám cơ sở, kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh để giải quyết như việc đền bù giải phóng mặt bằng đường tránh Quốc lộ 1, vấn đề bỏ ruộng hoang...nên tình hình trên địa bàn ổn định hơn”.

Nói đến sản xuất lúa ở Quảng Ninh, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến xã An Ninh, bởi nơi đây không chỉ có cánh đồng thẳng cánh cò bay mà còn nhiều “vua lúa”. Thế nhưng, ba năm qua, phong trào thi đua ở đây có dấu hiệu sa sút.

Mặt khác, dư luận nhân dân cho rằng, việc quản lý tài chính của Chủ tịch UBND xã còn thiếu minh bạch cần được làm rõ. Qua xem xét, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện ra nhiều sai phạm trong quản lý ngân sách của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã An Ninh. Kết quả là Chủ tịch UBND xã bị xử lý khai trừ Đảng và buộc thôi việc, tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy và UBND xã cũng bị xử lý kỷ luật. Huyện cũng quyết định luân chuyển một đồng chí phó Phòng nông nghiệp huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã để đưa An Ninh đi lên.

Khi bộ máy lãnh đạo được củng cố, mối quan hệ được tăng cường, huyện Quảng Ninh chọn xã An Ninh làm điểm về dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả là người dân An Ninh đồng sức, đồng lòng phá bỏ bờ thửa, dồn điền tạo nên các cánh đồng lớn để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Từ thành công của An Ninh, huyện Quảng Ninh triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa trên toàn bộ diện tích canh tác.

Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Trần Hải Châu cho biết: “Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, chúng tôi chủ trương nơi nào phong trào đi xuống hoặc không chuyển biến, tạo dư luận không tốt trong nhân dân thì huyện kiểm tra, đánh giá tình hình để có hướng xử lý. Đối với các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém mà không phát hiện sai phạm hoặc sau hai năm (2013 và 2014) kiểm tra, đánh giá mà tình hình vẫn không chuyển biến thì thay thế người đứng đầu cấp ủy đó”.

Đồng chí Trần Hải Châu dẫn chứng, ngoài hai địa phương mà cán bộ chủ chốt có sai phạm dẫn đến phải thay thế như An Ninh, Võ Ninh thì ở một nơi khác như Hiền Ninh, Duy Ninh và Tân Ninh dù không có sai phạm nhưng do hai năm liền phong trào không có chuyển biến, Ban Thường vụ Huyện ủy vẫn quyết định thay các đồng chí Bí thư Đảng ủy bằng cách thay đổi chức danh ngay trong tập thể lãnh đạo chủ chốt xã, hoặc luân chuyển cán bộ đơn vị khác tới. Kết quả là phong trào các địa phương trên có nhiều thay đổi hơn trước. Sự thay đổi “mạnh tay” của Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã tạo được niềm tin trong nhân dân.

Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, trước một vấn đề lớn hay một việc nhỏ, nếu không “Thảo luận dân chủ, kiên trì vận động, kiên quyết thực hiện” thì khó thành công hoặc còn những lấn cấn chưa gỡ bỏ hết được. Ví dụ đối với một địa phương trì trệ nhiều năm nay, việc thay thế người đứng đầu cấp ủy là cần thiết nhưng cũng phải hết sức cân nhắc sao cho có lý, có tình, không để cán bộ “sốc” vì thực tế là họ không vi phạm kỷ luật.

Đó là chưa nói đến mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp đã nhiều năm, có khi là quan hệ tình cảm... Trước một trường hợp cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy họp, thảo luận hết sức dân chủ để đi đến thống nhất cao trong tập thể. Tiếp đó là bước vận động vừa lý, vừa tình để người trong diện phải thay thế hiểu được mong muốn và trăn trở của tập thể lãnh đạo huyện là làm sao cho địa phương đó tiến lên, đời sống người dân phải được cải thiện; đồng thời người đó cũng biết rằng, huyện cho khung thời gian là hai năm, kiểu như nhắc nhở, cảnh báo để nỗ lực tạo sự thay đổi. Khi không thay đổi được thì nên tự nguyện nhường lại cho người năng nổ hơn lãnh đạo phong trào. Còn trong trường hợp người thuộc diện phải thay chưa tự nguyện rời vị trí thì cũng kiên quyết thay đổi, tất cả vì phong trào, vì nhân dân.

Không chỉ xử lý nghiêm khắc các cán bộ có sai phạm cũng như nhắc nhở, thay đổi một số cán bộ cơ sở chậm đổi mới, Huyện ủy Quảng Ninh thay thế cán bộ quản lý các phòng ban của huyện giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tục. Đồng thời, công chức làm công tác địa chính ở xã này cũng điều chuyển sang xã khác. Nhờ vậy đã khắc phục được tính trì trệ trong công việc, tạo được niềm tin trong nhân dân. Kết quả trong năm 2014 cho thấy, công tác xây dựng và lãnh đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện Quảng Ninh đã có những chuyển biến rõ nét hơn.

Hoàng Phương