.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Tham mưu giúp cấp ủy thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng

Thứ Ba, 05/08/2014, 08:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Do nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo Điều 30, Điều lệ Đảng có một vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy trong những năm qua đã chủ động, tích cực tham mưu, giúp Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy thực hiện có chất lượng và hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng.

Để làm tốt vấn đề này, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu, giúp BTV Tỉnh ủy tập trung triển khai, quán triệt nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các cấp, trước hết là thường trực cấp ủy mà trực tiếp là đồng chí bí thư phải có nhận thức đúng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy đảng, phải đích thân lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu, giúp BTV Tỉnh ủy ban hành các văn bản cụ thể hóa để lãnh đạo và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tế của địa phương, nhất là các quy định, quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015, UBKT Tỉnh ủy đã kịp thời, tham mưu, giúp BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của UBKT Tỉnh ủy và tham mưu, giúp ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa số 05-CTr/TU, ngày 4-7-2011 của Tỉnh ủy, với 27 nội dung kiểm tra, giám sát, với 16 cuộc kiểm tra và 11 cuộc giám sát.

Bám sát Kế hoạch kiểm tra, giám sát của BTV vụ Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy chủ động tham mưu, giúp BTV Tỉnh ủy quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát đã có trọng tâm, trọng điểm, đã tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, những lĩnh vực lâu nay ít được kiểm tra, giám sát, như: Nội dung kiểm tra, giám sát đã có trọng tâm, trọng điểm, đã tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, những lĩnh vực lâu nay ít được kiểm tra, giám sát, như: quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiểm tra công tác quốc phòng-an ninh; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc tổ chức thực hiện và khắc phục hạn chế khuyết điểm sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để phối hợp xem xét các vấn đề nổi cộm liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, của cán bộ lãnh đạo; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp, nổi cộm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Do đó, kết quả công tác kiểm tra, giám sát của BTV Tỉnh ủy trong những năm qua, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay đã có những chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và hành động, chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên rõ rệt, có tác dụng tích cực trong việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, làm cho tổ chức đảng, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Từ năm 2011-2013, BTV Tỉnh ủy đã thành lập 11 đoàn kiểm tra, kiểm tra tại 23 tổ chức đảng và 35 đảng viên là cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, kết luận có 10/23 tổ chức đảng được kiểm tra, 10/35 đảng viên được kiểm tra có sai phạm, khuyết điểm; đồng thời, đã phát hiện 20 tổ chức đảng và 62 đảng viên có liên quan có sai phạm, khuyết điểm; yêu cầu tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm điểm 30 tổ chức đảng và 72 đảng viên; phát hiện số tiền sai phạm 55.527.880.219 đồng, kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước, số tiền 5.291.373.593 đồng. Đã thành lập 6 đoàn giám sát, giám tại 31 tổ chức đảng và 31 đảng viên, trong đó có 30 đồng chí cấp ủy viên các cấp, chiếm tỉ lệ 96,78% so với tổng số đảng viên được giám sát.

Qua kiểm tra, giám sát đã giúp tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát phát huy ưu điểm, có biện pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm; những tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đã kiên quyết xử lý nghiêm minh, về sai phạm kinh tế đã kiên quyết thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua kiểm tra, giám sát đã giúp cho cấp ủy các cấp đánh giá đúng tình hình, có biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở và giúp cơ sở có biện pháp khắc phục những yếu kém, tồn tại như mất đoàn kết nội bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa nghiêm; giúp cơ sở đảng sửa đổi, bổ sung kịp thời Quy chế làm việc của cấp ủy, UBKT, xem xét, làm rõ các vụ việc, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm, chỉ đạo sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ ở một số ban, ngành, cơ sở yếu kém; đồng thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền của Đảng và chính quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Hạn chế và khắc phục được tình trạng một số cấp ủy và nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cấp ủy chưa nhận thức đúng nhiệm vụ công tác kiểm tra theo Điều 30, Điều lệ Đảng, còn lẫn lộn giữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của UBKT, nên trong lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều cấp ủy khoán trắng cho UBKT thực hiện; một số cấp ủy các cấp không xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra của cấp mình mà chỉ căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng để tiến hành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát chủ yếu là việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; không kiểm tra về kinh tế, tài chính, quản lý, sử dụng đất đai, các chương trình dự án và công tác cán bộ.

Trong quá trình tham mưu, giúp BTV Tỉnh ủy thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của BTV Tỉnh ủy hàng năm. Sau khi BTV Tỉnh ủy xem xét, kết luận về các cuộc kiểm tra của BTV Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát để tiến hành giám sát việc thực hiện các thông báo kết luận của BTV Tỉnh ủy đối với các cuộc kiểm tra mà BTV Tỉnh ủy có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm những tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm khuyết điểm để xử lý nghiêm minh và những sai phạm về kinh tế, quản lý sử dụng đất đai, tài sản... để thu hồi theo quy định. Việc làm này đã có tác dụng tích cực, làm cho kết luận các cuộc kiểm tra của BTV Tỉnh ủy được thực hiện nghiêm túc, triệt để, thực sự có hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh; hạn chế, ngăn ngừa đảng viên và tổ chức đảng vi phạm khuyết điểm.

Hoạt động của UBKT Tỉnh ủy trong việc tham mưu, giúp BTV Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng đã gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm, đẩy lùi, hạn chế tệ tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, sự đoàn kết nhất trí, có tác dụng giáo dục và hạn chế những sai phạm, khuyết điểm của các tổ chức đảng, đảng viên; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng ở địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát vẫn còn có những hạn chế nhất định như: Một số cuộc kiểm tra, giám sát còn kéo dài thời gian so với kế hoạch đề ra; việc thực hiện kết luận sau kiểm tra của một số đơn vị còn thiếu nghiêm túc; việc bảo vệ, khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố tích cực có thực hiện nhưng còn ít và chưa rõ nét.

Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Cấp ủy các cấp, trước hết là thường trực cấp ủy, mà trực tiếp là đồng chí bí thư phải có nhận thức đúng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, phải đích thân lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát.

Hai là, UBKT các cấp phải chủ động tham mưu kịp thời, có hiệu quả giúp cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để vận dụng vào địa phương, đơn vị mình cho phù hợp.

Ba là, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBKT với các ban ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát.

Bốn là, kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, phải phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải gắn với trách nhiệm của cá nhân cán bộ chủ chốt của tổ chức đảng.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, đúng nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng, phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị; phải thực hiện theo phương châm “giám sát phải được mở rộng”, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, kết luận phải khách quan, chính xác, nếu sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải xử lý nghiêm minh, sai phạm về kinh tế thì phải kiên quyết thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước mới có hiệu quả vá tác dụng giáo dục cao.

Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT và cơ quan UBKT phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Bảy là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được phân công và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Công Sự
Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy