.

Vai trò của Công đoàn trong Hiến pháp 2013

Thứ Hai, 28/07/2014, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày này người lao động và tổ chức Công đoàn đang tổ chức nhiều phong trào thiết thực kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2014). Đồng thời vui mừng đón nhận, triển khai thực hiện bản Hiến pháp năm 2013, với những nội dung được sửa đổi bổ sung rất đầy đủ về tính chất, vai trò, chức năng của Công đoàn trong thời kỳ mới.

Quá trình chuẩn bị, soạn thảo, tham gia, thảo luận, tiếp thu, sửa đổi có nhiều ý kiến sôi nổi, tâm huyết và được Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 với hầu hết số phiếu tán thành. Bản Hiến pháp mới đã bổ sung và khẳng định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đối với giai cấp công nhân và người lao động.

Thực vậy, với kết quả và chiều dày hoạt động, Công đoàn không những đã được thể hiện ngay trong Điều 9 của Hiến pháp như các tổ chức chính trị – xã hội và các thành viên khác của MTTQVN. Mà Hiến pháp lần này vẫn giữ Điều 10 và còn sửa đổi, bổ sung rất cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Mở đầu điều này, bản chất “tổ chức chính trị – xã hội” của Công đoàn được khẳng định ngay để làm cơ sở thể hiện những chức năng, nhiệm vụ. Tiếp đến tính “tự nguyện” khi hình thành tổ chức Công đoàn được Hiến định rất có ý nghĩa trong quá trình phát triển đoàn viên và thành lập các tổ chức Công đoàn mới. Hơn nữa tính chất tự nguyện mới bổ sung đã xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công đoàn các cấp, mối quan hệ chặt chẽ giữa người lao động và đại diện của mình trong tiến trình phát triển. Vai trò “đại diện” lần này được bổ sung ngay trước các chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn. Đại diện ở đây phải “đại diện người lao động” để thực hiện chức năng bẩm sinh “chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.

Chức năng vốn có của tổ chức Công đoàn lần này không còn như Hiến pháp 1992 là “cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ”, mà tự thân  Công đoàn chủ động tổ chức thực hiện. Quả thật, quyền hạn được Hiến định rất rõ, nên trách nhiệm của Công đoàn cũng rất nặng nề. Bởi vậy, Công đoàn cần đủ bản lĩnh, có kỹ năng và thật tâm huyết với người lao động để thực hiện chức năng quan trọng này.

Công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng thi đua lao động sản xuất chào mừng Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2014) Ảnh: T.H
Công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng thi đua lao động sản xuất chào mừng Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2014). Ảnh: T.H

Thực thi tốt chức năng đầu tiên, Công đoàn đồng thời phải thực hiện chức năng tham gia. Mà trước hết cần “tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội”. Không những thế Hiến pháp còn quy định Công đoàn “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát”. Như thế, lần này còn bổ sung thêm so với Hiến pháp cũ nội dung “thanh tra” đối với những hoạt động của “cơ quan nhà nước, tổ chức”. Đối tượng Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát cũng đã bổ sung thêm ở: “đơn vị, doanh nghiệp”.

Mặc dù chức năng tham gia nhưng nội dung rất sâu rộng, đi vào chuyên môn, nghiệp vụ nên đòi hỏi Công đoàn cần có năng lực để tổ chức thực hiện khoa học, bài bản. Cán bộ Công đoàn phải có trình độ, kỹ năng để tham gia có hiệu quả về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động. Đặc biệt quá trình thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát không làm ảnh hưởng và gây phiền toái đến sản xuất kinh doanh, công tác của đơn vị, doanh nhiệp.

Không những hai chức năng bảo vệ và tham gia được sửa đổi, bổ sung khá nhiều Hiến pháp còn giao trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn phải “tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp”. Đây là nội dung mới so với Hiến pháp 1992 và cũng là vấn đề lớn, rất cấp thiết đòi hỏi cần phải đáp ứng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng.

Giai cấp công nhân lúc này cần có trình độ cao để tiếp thu khoa học, công nghệ; có kỹ năng để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Người lao động phải được đào tạo để có ý thức tổ chức kỷ luật, có tay nghề thành thạo, có chuyên môn nghiệp vụ để có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong lao động sản xuất công nhân sẽ sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; có khả năng tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, để giảm giá thành sản phẩm, làm tăng lợi nhuận, tăng thu nhập cho bản thân người lao động.

Chính chức năng tuyên truyền, giáo dục đã tác động tích cực vào chức năng chăm lo, bảo vệ của tổ chức Công đoàn nên cần được kết hợp trong mọi hoạt động. Theo những quy định của pháp luật, Công đoàn có quyền tổ chức cho CN-LĐ đình công khi quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm. Nhưng việc đình công phải tuân theo pháp luật, Công đoàn không được để bị lợi dụng làm thiệt hại đến doanh nghiệp. Và quan trọng hơn việc đình công không làm ảnh hưởng đến việc làm và phải nâng cao được đời sống của người lao động.

Bởi vậy, Hiến pháp lần này cũng bổ sung Công đoàn còn có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, học tập để công nhân, lao động “chấp hành pháp luật”. Xây dựng nhà nước pháp quyền, với sự điều hành của Nhà nước theo Pháp luật, điều đó đòi hỏi mọi công dân đều phải  hiểu biết pháp luật. Đặc biệt giai cấp công nhân, lực lượng tiên tiến trong xã hội càng cần phải am hiểu, thông thạo và thực thi nghiêm chỉnh luật pháp.

Mặc dù toàn bộ Điều 10 đã ghi rõ vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn, song là tổ chức chính trị – xã hội, thành viên quan trọng của MTTQVN, nên trong Điều 9 của Hiến pháp cũng đã thể hiện thêm chức năng “giám sát, phản biện” của tổ chức Công đoàn. Với tính chất “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện”, để MTTQVN thực hiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp và thống nhất hành động trong các thành viên.

Hơn nữa, ngay sau khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành đã có những văn bản quy định các tổ chức chính trị – xã hội chủ động, tổ chức giám sát, phản biện. Theo đó Công đoàn được quyền tổ chức giám sát, phản biện đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến người lao động. Phản biện xã hội là hình thức mới trong quá trình giám sát, đòi hỏi thành viên đoàn giám sát phải nêu những câu hỏi rõ ràng, sắc sảo, trí tuệ, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ theo từng ngành nghề của đối tượng bị giám sát. Điều đó yêu cầu cán bộ Công đoàn cần am hiểu pháp luật, tinh thông kỹ thuật, kinh tế – xã hội.

Quan trọng hơn, kế hoạch hoạt động giám sát của Công đoàn cần mời các cơ quan, tổ chức liên quan và các chuyên gia, người am hiểu chuyên môn cùng tham gia để chất lượng phản biện có hiệu quả hơn. Không những giám sát, phản biện xã hội, lần này Công đoàn còn tham gia “xây dựng Đảng”. Đây là quá trình dân chủ, công khai để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đã được ghi trong Điều 4 của Hiến pháp  “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”. Là tổ chức của giai cấp công nhân, hơn ai hết Công đoàn phải có trách nhiệm lớn lao, tham gia đóng góp tích cực để xây dựng Đảng ta thực sự là “đội tiên phong” lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Triển khai học tập, thực hiện Hiếp pháp mới trong dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Mặc dù vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn được Hiến định rất cụ thể, nhưng chỉ dừng lại với những quy định trong Hiến pháp và chỉ biết tự hào với bề dày hoạt động của mình thôi thì thật có lỗi với CN-LĐ và những người dày công xây dựng Hiến pháp.

Bởi vậy, lúc này trách nhiệm của tổ chức Công đoàn rất nặng nề, cần phải nhanh chóng đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Và nhất là những nội dung đã được Hiến định cần cụ thể hoá trong mọi hoạt động của Công đoàn các cấp, đáp ứng mong đợi của giai cấp công nhân và người lao động. Đó cũng là điều tri ân với các thế hệ cán bộ Công đoàn trong ngày lễ kỷ niệm long trọng này.

Trần Đình Huề