.
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVI:

Giám đốc các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri

Thứ Sáu, 18/07/2014, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá XVI, giám đốc các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri về điều chỉnh để giải quyết chế độ phụ cấp cho các hội đặc thù cấp xã, tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường 12A, hỗ trợ phụ cấp đối với Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên ở cở sở...

>> Giám đốc các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu và kiến nghị của cử tri

- Cử tri đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường 12A, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Khe Ve đi Cha Lo vì hiện nay vẫn để xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Công an tỉnh trả lời: Quốc lộ 12A là tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng nối liền Thái Lan, Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo với các huyện phía bắc tỉnh ta và Khu kinh tế Vũng Áng- Hà Tĩnh nên lưu lượng phương tiện giao thông hoạt động tương đối lớn và ngày càng tăng với nhiều loại xe vận tải cỡ lớn. Đoạn đi qua huyện Minh Hóa được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi có đặc điểm chung là đèo dốc, quanh co, hiểm trở và phần lớn ngược chiều nhau, tầm nhìn hạn chế, đặc biệt nguy hiểm khi có mưa hoặc sương mù.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, trên tuyến đường này từ đoạn ngã ba Khe Ve đến Cha Lo xảy ra 13 vụ TNGT đường bộ (trong đó có 8 vụ gây hậu quả nghiêm trọng) làm chết 5 người và bị thương 12 người, thiệt hại về tài sản khoảng 847 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, nhất là các quy tắc an toàn giao thông. Cùng đó, với vị trí quan trọng, lưu lượng phương tiện lưu thông ngày càng tăng... nhưng cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, hiểm trở. Mặt khác công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT thiếu sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể...

Thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để kiềm chế TNGT trên tuyến quốc lộ 12A. Cụ thể: Tổ chức 3 đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với 500 lượt người dân sống ven tuyến quốc lộ 12A, cấp phát 90 băng đĩa tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh đến tận các thôn, bản, xây dựng các tin bài tuyên truyền trên sóng truyền hình và các báo... góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT trên tuyến với việc thực hiện 312 ca tuần tra, kiểm soát, xử lý 843 trường hợp vi phạm, thu ngân sách nhà nước 460 triệu đồng và tạm giữ 38 phương tiện; chủ động khảo sát, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban ATGT và Công ty cổ phần Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II Quảng Bình có biện pháp khẩn cấp nhằm bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ 12A; tham mưu Ban ATGT tỉnh tổ chức đoàn công tác liên ngành tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa và đưa ra một số phương án cụ thể giải quyết tình hình TNGT xảy ra trên tuyến quốc lộ 12A...

Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến quốc lộ 12A, nhất là giải pháp “nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.

Liên quan đến vấn đề trên, Công an tỉnh đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện Minh Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm trật tự ATGT. Sở GTVT xây dựng hệ thống trạm kiểm tra tải trọng xe, trước mắt là đầu tư một số trạm cân di động để ngăn chặn tình trạng xe quá tải gây nguy hiểm đến trật tự ATGT trên tuyến. Kiến nghị Tổng cục Đường bộ có phương án cắt cua, giảm độ dốc, mở rộng mặt đường, xây dựng đường lánh nạn, đồng thời bổ sung hệ thống biển báo, gương cầu lồi, tường hộ lan mềm, sơn gồ giảm tốc... để bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ 12A.

- Cử tri xã Sơn Lộc (Bố Trạch) kiến nghị Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh kết luận giải quyết đơn khiếu nại của Hội Người cao tuổi xã về đối tượng hưởng chính sách thương binh giả là không đúng.

Thanh tra tỉnh trả lời: Qua kiểm tra, xem xét Thanh tra tỉnh nhận thấy vụ việc tố cáo bà Bùi Thị Xuân khai man hồ sơ để hưởng chế độ thanh niên xung phong (TNXP) đã được giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đoàn xác minh tố cáo đã làm việc trực tiếp với người tố cáo, người bị tố cáo, xác minh đối với các nhân chứng, thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc.

Việc áp dụng pháp luật phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Kết luận nội dung tố cáo phù hợp với những chứng cứ thu thập được. Cụ thể về kết quả xác minh với các nhân chứng có liên quan: ông Phan Văn Hoán hiện ở Đại Trạch (Bố Trạch) nguyên Đội trưởng N 129 và bà Trần Thị Đức hiện ở xã Vạn Trạch (Bố Trạch) nguyên Chính trị viên phó C2-N129 là hai nhân chứng đều khẳng định bà Xuân có tham gia TNXP ở đơn vị C2-N129-P31.

Hiện ông Hoán còn lưu danh sách đơn vị TNXP đội N 129-P31 được lập vào ngày 12-5-2000 do 3 ông Phan Văn Hóa-Đội trưởng, Phạm Hinh-Đội phó chính trị và ông Phan Văn Châm – Đội phó chuyên môn ký, danh sách có 289 người trong đó có bà Bùi Thị Xuân ở đơn vị C2-N129-P31. Theo biên bản làm việc ngày 7-12-2012 của Tỉnh đoàn với các ông Phạm Văn Vượng, Dương Thanh Phi, Nguyễn Xuân Biều nguyên là chiến sỹ TNXP đơn vị N129 thì cả 3 ông đều xác nhận bà Bùi Thị Xuân có tham gia TNXP và bị thương ở Khương Hà. Xác minh thêm một số nhân chứng khác là các ông: Phạm Bá Tài, nguyên y tá đội N129 hiện ở Đại Trạch là người trực tiếp sơ cứu cho bà Xuân khi bị thương; ông Phạm Hinh – nguyên đội phó chính trị đội N129 hiện ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đều xác nhận bà Bùi Thị Xuân có tham gia TNXP và bị thương khi cứu chữa kho hàng ở Khương Hà.

Kết quả xác minh tại một số tổ chức, cơ quan liên quan: ngày 18-6-2009, Tỉnh đoàn có công văn số 360/TĐ gửi Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội khẳng định  bà Bùi Thị Xuân có tham gia TNXP ngày 12-12-1966 thuộc đơn vị C2-N129-P31 và bị thương tại Khương Hà khi cứu chữa kho hàng. Ngày 14-9-2009, UBND huyện Bố Trạch có công văn số 646/CV-UBND gửi Sở LĐ-TB và XH và Tỉnh đoàn khẳng định qua thẩm tra, xác minh lại những người trực tiếp tham gia TNXP ở các địa phương cùng đơn vị thì bà Xuân có tham gia TNXP và có bị thương trong lúc làm nhiệm vụ cứu chữa kho hàng tại kho nông sản thực phẩm Khương Hà và đề nghị cho bổ sung hồ sơ hoàn chỉnh theo quy định.

Ngày 8-12-2010, UBND huyện Bố Trạch có công văn số 806/CV-UBND gửi Sở LĐ-TB và XH với nội dung đã kiểm tra xác minh thêm các nhân chứng cùng trực tiếp công tác và biết trường hợp bị thương của bà Bùi Thi Xuân đều khẳng định bà Xuân có tham gia TNXP, có bị thương và đề nghị Sở LĐ-TB và XH xem xét giải quyết. Ngày 8-3-2013, đoàn xác minh tố cáo tỉnh làm việc với Tỉnh đoàn và Hội Cựu TNXP tỉnh thì cả hai tổ chức này tiếp tục khẳng định bà Bùi Thị Xuân có tham gia TNXP và có bị thương trong lúc cứu chữa kho hàng nông sản tại Khương Hà.

Kết quả kiểm tra hồ sơ của bà Bùi Thị Xuân lưu tại Phòng chính sách người có công  của Sở LĐ-TB và XH được lập theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM, ngày 6-7-1999 của Bộ LĐ-TB và XH và Trung ương Đoàn TNCSHCM.

Từ kết quả thẩm tra xác minh các cá nhân, tổ chức và hồ sơ tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo nhận thấy: các chứng cứ người tố cáo cung cấp và giải trình của một số nhân chứng cho rằng bà Xuân không tham gia TNXP và không bị thương trong khi làm nhiệm vụ là chưa đủ cơ sở để chứng minh. Bởi vì, một phần do bà Bùi Thị Xuân thoát ly địa phương trước khi đi TNXP nên địa phương không quản lý. Mặt khác, ý kiến của một số nhân chứng trong các thời điểm không có sự thống nhất, một số thông tin thiếu tính chính xác, không có chứng cứ cụ thể. Nội dung giải trình của bà Xuân và các nhân chứng là cựu TNXP cùng thời kỳ chứng nhận bà Xuân có tham gia TNXP và đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ là trùng khớp và có cơ sở.

Trên cơ sở đó, đoàn xác minh đã tham mưu UBND tỉnh kết luận: Nội dung công dân tố cáo bà Bùi Thị Xuân, trú tại xã Sơn Lộc (Bố Trạch) khai man hồ sơ để hưởng chế độ TNXP và chế độ như thương binh là tố cáo sai. Bà Xuân có tham gia TNXP và có đủ điều kiện hưởng chế độ như thương binh theo quy định.

Đối với việc cử tri đề nghị Thanh tra tỉnh trực tiếp đối chất  với người tố cáo, Thanh tra tỉnh trả lời: Đối chiếu các quy định của các văn bản pháp luật về giải quyết tố cáo bao gồm Thông tư số 01/2009/TT-TTCP, ngày 15-12-2009 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo, Thông tư số 06/2013/TT-TTCP, ngày 30-9-2013 quy định quy trình giải quyết tố cáo có hiệu lực từ ngày 15-11-2013 và Luật Tố cáo năm 2011, Thanh tra tỉnh nhận thấy Đoàn xác minh tố cáo của tỉnh đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định; kết quả xác minh bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác và đúng bản chất vụ việc. Mặt khác, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định tổ chức đối chất trong quá trình giải quyết tố cáo. Vì vậy, việc đối chất giữa những người tố cáo và cơ quan Thanh tra tỉnh là không có cơ sở để thực hiện và không cần thiết.

- Cử tri đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ phụ cấp đối với Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên ở cở sở theo Luật Thanh niên.

Sở Nội vụ trả lời: Căn cứ Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg, ngày 1-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND, ngày 3-8-2012 về việc quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu các cấp hội trên địa bàn tỉnh và tại Công văn số 121/UBND-NC, ngày 29-1-2013 của UBND tỉnh về việc giải quyết một số vướng mắc đối với các Hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã hướng dẫn đối với những người giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách đứng đầu hội nhưng không phải là cán bộ nghỉ hưu và không phải cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được áp dụng chế độ thù lao theo quy định tại Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND, ngày 3-8-2012 của UBND tỉnh. Đề nghị các huyện, thành phố, thị xã căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện chế độ thù lao theo quy định.

- Cử tri đề nghị xem xét, điều chỉnh để giải quyết chế độ phụ cấp cho các hội đặc thù cấp xã thành lập sau khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21-4-2010 của Chính phủ có hiệu lực. Hiện tại, cán bộ một số hội như Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Làm vườn... không còn được chi trả phụ cấp hoạt động, vì vậy hiệu quả hoạt động của các hội đạt thấp.

Sở Nội vụ trả lời: Căn cứ Công văn số 1907/BNV-TCPCP, ngày 3-6-2011 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số vướng mắc về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 121/UBND-NC về việc giải quyết một số vướng mắc đối với các hội trên địa bàn tỉnh.

Tại văn bản này quy định việc xác định hội có tính chất đặc thù phải bảo đảm 3 tiêu chí: một, thành lập trước Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21-4-2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có hiệu lực; hai, đối với hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp, hội xã hội – nghề nghiệp phải được giao biên chế và kinh phí hoạt động trước khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực, đối với hội xã hội phải được nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực; ba, nằm trong  danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-UBND, ngày 22-2-2011 của UBND tỉnh.

Như vậy, các hội thành lập sau khi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực thì chưa đủ cơ sở để xác định là hội có tính chất đặc thù. Sở Nội vụ thấy rằng đây là vấn đề bất cập, Sở xin tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Đ.T