.
Hiến pháp với cuộc sống:

Hiến pháp năm 2013 với việc đổi mới giáo dục và đào tạo

Thứ Tư, 04/06/2014, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013 là những quy định về giáo dục và đào tạo, điều đó thể hiện qua khẳng định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39); “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề” (Điều 61).

Những quy định này đã thể hiện quan điểm, đường lối của Ðảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ðây là cơ sở hiến định, là bảo đảm về mặt chính trị - pháp lý để phát triển nền giáo dục quốc dân. Giáo dục là một hoạt động thực tiễn xã hội có vai trò thúc đẩy và phát triển năng lực nội sinh của quốc gia. Năng lực nội sinh của quốc gia thể hiện qua sức sản xuất của xã hội và được đánh giá thông qua chất lượng nguồn lực lao động cả mặt vật chất và tinh thần. Khi được chăm lo giáo dục một cách đúng đắn thì con người mới có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực và năng lực, trở thành nhân tố quan trọng của lực lượng sản xuất.

Việc Hiến pháp năm 2013 tiếp tục nhấn mạnh học tập vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân đã khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong đời sống xã hội, trong đó mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế có quyền được đi học, đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành.

Nhằm triển khai quy định trên, Nhà nước cần xây dựng chiến lược học tập suốt đời, theo đó mọi người đều có cơ hội được đi học; các hình thức học tập phù hợp với từng đối tượng và được quản lý một cách chặt chẽ theo tiêu chuẩn thống nhất tương ứng với trình độ. Đổi mới nền giáo dục theo hướng phát triển năng lực và nhân cách người học, xây dựng nền giáo dục thực chất và hiện đại.

Chính sách phát triển giáo dục một lần nữa được khẳng định trong Hiến pháp là quốc sách hàng đầu với mục đích “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Mục đích này trước hết nhằm nâng cao trình độ nhận thức, năng lực trí tuệ của nhân dân, bao gồm trình độ văn hóa, kỹ thuật, khoa học công nghệ. Trình độ dân trí không chỉ là trình độ nhận thức mà bao hàm cả chí khí của dân tộc, là sức mạnh tinh thần, là lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt ngàn năm văn hiến.

Muốn xây dựng và phát triển đất nước trước hết phải xuất phát từ nền tảng nhân dân. Nhân dân có trí tuệ, có tài có đức thì đất nước mới hưng thịnh. Đồng thời chính sách của Nhà nước phải coi trọng phát triển lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, có nghiệp vụ, tay nghề cao nhằm cung ứng cho xã hội trong xu thế toàn cầu hóa.

Phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng phát triển lao động công nghiệp có tay nghề trình độ cao theo phương châm “thầy giỏi, thợ lành nghề”. Đặc biệt, bồi dưỡng, phát triển nhân tài là vấn đề cốt lõi của quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam việc chảy máu chất xám đang diễn ra khá phổ biến. Việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài còn thiếu chiến lược phù hợp. Cơ chế, điều kiện vật chất và tinh thần nhằm phát huy tài năng và sự cống hiến của người giỏi bị hạn chế. Vì vậy, Nhà nước cần chú trọng phát hiện, nuôi dưỡng, sử dụng nhân tài, qua đó phát huy tối đa năng lực nội sinh để phát triển đất nước.

Để sử dụng có hiệu quả người tài, trước hết cần đánh giá đúng năng lực, thế mạnh của người tài, giao quyền chủ động cao cho họ, tạo môi trường tốt để họ làm việc và cống hiến; đánh giá và tôn vinh đúng sự cống hiến và thành quả lao động của người hiền tài. Bác Hồ đã dạy: “...tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực vào việc gì, ta đặt vào việc ấy...”. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự cạnh tranh kinh tế đang diễn ra quyết liệt trên quy mô toàn cầu. Các nước kém phát triển sẽ chịu sự lệ thuộc vào các nước phát triển. Vì vậy, phát hiện, tạo điều kiện để nhân tài có cơ hội phục vụ đất nước là chìa khóa vàng để đưa đất nước đến với sự phồn vinh và giàu mạnh.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho giáo dục cần có trọng điểm và hiệu quả. Nhà nước cần rà soát lại chính sách học phí và học bổng, bảo đảm học sinh giỏi được tạo điều kiện tốt nhất cho việc học và phát triển tài năng của mình. Giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm đúng mức. Thay vì thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn cho tất cả sinh viên theo kiểu “cào bằng” như hiện nay, cần ưu tiên mức cao hơn cho học sinh học nghề, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh giỏi. Việc phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, sau đại học cần được quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, hình thức và đối phó.

Việc “ưu tiên phát triển giáo dục vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là đúng đắn, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào dân tộc, miền núi và hải đảo phát triển, tuy nhiên cần có những giải pháp, cách làm hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Muốn xây dựng và phát triển đất nước trước hết phải phát triển giáo dục, đó là cội nguồn của mọi sức mạnh. Để thực hiện tốt mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng chế định của Hiến pháp nói chung và chế định về giáo dục nói riêng đi vào đời sống. Muốn vậy, trước hết cần tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp để nhân dân biết và hiểu sâu sắc tinh thần và nội dung của Hiến pháp. Thể chể hóa các nội dung cơ bản của Hiến pháp bằng các văn bản Luật, tạo cơ sở thực thi các nội dung đó một cách đầy đủ và đúng đắn.

Trên cơ sở nội dung của Hiến pháp, cần xây dựng chiến lược đổi mới và phát triển giáo dục một cách toàn diện, có hệ thống. Đồng thời tổ chức triển khai chính sách giáo dục trên thực tế một cách có hiệu quả; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; từng bước đưa nền giáo dục Việt Nam tiến kịp với sự phát triển của khu vực và thế giới.

   TS.Trần Thị Sáu

   (Trường đại học Quảng Bình)