.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013

Thứ Sáu, 28/03/2014, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Văn phòng cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người thì: Quyền con người là những bảo đảm pháp lý mang tính toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm cá nhân chống lại các hành vi hoặc không hành động gây tổn hại đến nhân phẩm, quyền và tự do cơ bản của con người.

Quyền con người là một giá trị mang tính phổ biến, được thể hiện ở mọi quốc gia không phụ thuộc vào chế độ chính trị, kinh tế, xã hội; quyền con người không thể bị tước đoạt một cách tùy tiện; là phạm trù tổng hợp gồm các quyền và tự do của con người quan trọng như nhau mà không thể phân chia, các quyền không biệt lập mà tồn tại trong một tổng thể vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau.

Trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 của nước ta đã ghi nhận, bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước với nhận thức mới trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, so với Hiến pháp năm 1992, các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cụ thể đó là: Nếu như trong Hiến pháp năm 1992 chưa có các quy định riêng về quyền con người mà các quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong các quyền công dân được bố trí tại chương V, thì trong Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa các quyền con người và các quyền công dân và được đặt trang trọng tại chương II, sau chương về chế độ chính trị.

Một điểm tiến bộ nữa là, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, tại khoản 2 Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là một quy định hạn chế việc tùy tiện ban hành các văn bản dưới luật hạn chế quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục quy định rõ hơn nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Đồng thời, Hiến pháp 2013 đã có đổi mới trong kỹ thuật lập hiến, sắp xếp lại các điều khoản theo các nhóm, tương ứng với các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiến pháp đã bổ sung thêm một số quyền mà Hiến pháp 1992 chưa quy định đó là, quyền sống; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền kết hôn và ly hôn; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc; quyền được sống trong môi trường trong lành. Việc bổ sung các quyền trên một mặt để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống đặt ra; mặt khác, để nội luật hóa các quy định trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Điều này thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người của nước ta.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tiếp tục kế thừa các quy định về nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992 như, nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng. Đối với nghĩa vụ nộp thuế đã có sửa đổi về chủ thể là mọi người đều có nghĩa vụ nộp thuế chứ không chỉ riêng công dân như quy định trong Hiến pháp 1992.

Quyền con người là quyền tự nhiên mang tính phổ quát gắn liền với mọi cá nhân, do đó quy chế pháp lý về quyền con người được ghi nhận trong các điều ước quốc tế, trong hiến pháp và các đạo luật của quốc gia. Ở mỗi quốc gia thì bất kỳ ai cũng có quyền con người như nhau, cho dù là công dân nước sở tại hay người có quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch. Còn quy chế pháp lý về quyền công dân gắn với công dân của một quốc gia nhất định, tức là người có quốc tịch của một nước.

Tại Điều 50 Hiến pháp 1992 quy định quyền con người được thể hiện ở các quyền công dân nên trong các điều của Hiến pháp đều quy định theo hình thức “công dân có quyền...”.  Để phù hợp với xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, Hiến pháp 2013 đã có những đổi mới về hình thức thể hiện các quy định về quyền con người và quyền công dân. Cụ thể là đã có sự phân biệt rõ về quyền con người và quyền công dân. Đối với quyền con người, Hiến pháp quy định “mọi người có quyền...” và “không ai bị...” ; đối với các quyền công dân (quyền của những người có quốc tịch Việt Nam), Hiến pháp quy định “công dân có quyền...”.

Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay các quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được mở rộng hơn trước đây. Trong các công ước quốc tế cũng như trong Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân được thể hiện ở trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để mọi cá nhân và công dân thực hiện các quyền của mình, Hiến pháp quy định trách nhiệm của Nhà nước phải ban hành các đạo luật để tạo hành lang pháp lý cho mọi cá nhân và công dân thực hiện tốt các quyền của mình. Theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013 thì từ nay đến năm 2016, Quốc hội phải ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 15 đạo luật điều chỉnh trực tiếp và hàng chục đạo luật có liên quan đến việc thực thi quyền con người, quyền công dân.

Phạm Thái