.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI: Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trả lời chất vấn của đại biểu hđnd tỉnh và kiến nghị của cử tri

Thứ Tư, 25/12/2013, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trung tâm Văn hóa tỉnh là nơi tổ chức các sự kiện chính trị-văn hóa-xã hội của tỉnh, vấn đề cử tri đề nghị xây lại trung tâm là thể hiện sự mong muốn của nhân dân, các cấp, ngành trong tỉnh, chính vì thế sau khi hỏa hoạn xảy ra, lãnh đạo tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, ban ngành liên quan triển khai từng bước khắc phục hậu quả.

 

Do thiếu vốn nên hiện tại việc triển khai phương án thi tuyển kiến trúc công trình Nhà văn hóa Trung tâm chưa bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Do thiếu vốn nên hiện tại việc triển khai phương án thi tuyển kiến trúc công trình Nhà văn hóa Trung tâm chưa bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

Lĩnh vực Văn hóa -Xã hội

- Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa trên địa bàn, nhất là đối với các mặt hàng thuốc chữa bệnh thực phẩm.

Sở Y tế trả lời: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược về việc tăng cường phòng, chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán buôn mỹ phẩm. Thời gian qua, Sở Y tế đã có nhiều biện pháp đặc biệt coi trọng và thường xuyên lồng ghép trong hoạt động kiểm tra chất lượng thuốc định kỳ, đột xuất. Các thông báo về thuốc không đạt chất lượng, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc giả đều được thông tin đầy đủ.

Hiện tại, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm, mỹ phẩm tỉnh là đơn vị chuyên môn trực tiếp triển khai công tác kiểm tra và đã chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra liên ngành, các chi nhánh dược các huyện, thành phố, Phòng Y tế trong công tác quản lý chất lượng thuốc trên địa bàn. Kết hợp giữa kiểm tra và hướng dẫn, góp ý giúp cơ sở nâng cao kiến thức về thuốc giả, thuốc ngoài luồng; kịp thời đề xuất các giải pháp, biện pháp xử lý thuốc không đạt chất lượng; ngăn chặn thuốc không  bảo đảm chất lượng đến tay người dùng. Năm 2013 đã phát hiện 4/581 mẫu thuốc không đạt chất lượng trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ 0,69%). Vì vậy chất lượng thuốc được giám sát chặt chẽ, tỷ lệ thuốc kém chất lượng duy trì ở mức thấp.

Công tác  bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được chú trọng với các hoạt động: tập huấn kiến thức ATVSTP cho chủ và nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống. Tăng cường công tác thanh kiểm tra về ATVSTP. Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu tại các khu du lịch và các vùng trọng điểm kịp thời. Trong năm chỉ xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm quy mô nhỏ, mức độ nhẹ, nguyên nhân chủ yếu do thức ăn bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến, bảo quản.

- Cử tri phản ánh, hiện nay giá thuốc cấp và điều trị đối với những người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có giá cao hơn thị trường, đề nghị tỉnh làm rõ vấn đề này. Đề nghị các bệnh viện trong tỉnh tạo điều kiện để bệnh nhân có bảo hiểm y tế được dễ dàng chuyển lên tuyến trên khi có nhu cầu chuyển viện.

Sở Y tế trả lời: Hiện nay, thuốc sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập đều được mua thông qua đấu thầu trong nước theo đúng các quy định hiện hành. Giá thuốc thanh toán BHYT là giá thuốc trúng thầu đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế cùng một loại thuốc nhưng do các hãng sản xuất khác nhau, nên cũng có giá khác nhau. Đặc biệt thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ có thể có giá thấp hơn 2-3 lần so với thuốc cùng loại được sản xuất trong nước.

Về vấn đề chuyển tuyến cho bệnh nhân có BHYT, việc quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu chuyển tuyến trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định theo Thông tư số 10/2009/TT-BYT, ngày 14-8-2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT. Việc chuyển người bệnh lên tuyến trên được thực hiện khi người bệnh có diễn biến nặng hoặc bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khả năng về trang thiết bị, quá tuyến điều trị theo phân tuyến của Bộ Y tế, thì cơ sở khám chữa bệnh đó quyết định chuyển lên tuyến trên mà không để người bệnh phải xin. Nếu bệnh chưa cần thiết phải chuyển tuyến mà người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân muốn điều trị tại bệnh viện tuyến trên thì thực hiện chuyển tuyến theo yêu cầu mà Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn  đã quy định cụ thể.

Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo, nghiêm túc kiểm tra xử lý những cơ sở khám chữa bệnh, cá nhân có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà trong việc chuyển tuyến và duy trì có hiệu quả hoạt động đường dây nóng tại các bệnh viện.

- Cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; có biện pháp phòng dịch,  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp do bão, lũ gây ra.

Sở Y tế trả lời: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề của nhiều trận lũ lụt, lốc xoáy gây nên. Xác định được vấn đề đó ngay từ đầu năm Sở đã chú trọng chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể, cấp vật tư, thuốc, hóa chất để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão. Các đơn vị Y tế dự phòng là đầu mối chủ động xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị lực lượng, phương tiện; cấp hóa chất, thuốc men về đến các trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn bản để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời khắc phục hậu quả, xử lý môi trường, giám sát dịch bệnh khi có lũ lụt xảy ra.

Ngay sau bão lụt xảy ra, Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thành phố cử cán bộ về tận những nơi ngập lụt để cùng với cán bộ y tế cơ sở khắc phục hậu quả kịp thời như: xử lý môi trường của nhà dân và nơi công cộng, khử trùng nước uống, nước sinh hoạt bằng hóa chất, thuốc điều trị, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, ăn uống hợp vệ sinh... Ngay sau khi nước rút với phương châm nước rút tới đâu xử lý môi trường đến đó. Tính đến cuối tháng 10-2013 Sở Y tế đã cấp sử dụng 81 cơ số thuốc bão lụt; 525 kg bột Cloramin B; 75.000 viên Aquatab; 700.000 viên Cloramin B; 203 áo phao và nhiều thuốc kháng sinh, dịch truyền, Vitamin C.

Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị kịp thời đưa tin, làm chuyên mục  bảo đảm ATVSTP trong mùa mưa lũ. Đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và nắm tình hình, VSATTP trên địa bàn tỉnh, giám sát nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, khống chế các dịch bệnh về đường tiêu hóa phát sinh trên địa bàn.

Chính vì thế, trong thời gian vừa qua, nhất là sau các đợt lũ lụt trên địa bàn tỉnh và tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ không có dịch bệnh lớn xảy ra. Một số bệnh thông thường như: đau mắt đỏ, nước ăn chân, viêm đường hô hấp đã được kiểm soát ổn định. Ngành Y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm các bệnh dịch thường xảy ra sau bão lũ góp phần ổn định sinh hoạt  bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

- Cử tri xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đề nghị tỉnh đầu tư trang bị máy siêu âm cho Trạm y tế xã để phục vụ khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm xã hội.

Sở Y tế trả lời: Hiện tại một số trạm y tế có bác sỹ tại huyện Bố Trạch đã được cấp máy siêu âm để tăng cường hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2012, Trạm y tế Hưng Trạch cũng đã được cấp 1 máy siêu âm. Từ đầu năm 2013, Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch đã hợp đồng cho phép triển khai dịch vụ siêu âm để khám chữa bệnh BHYT. Hiện tại máy siêu âm đang được vận hành tốt. Đề nghị người bệnh có nhu cầu khám chữa bệnh trực tiếp đến Trạm y tế  Hưng Trạch để được hướng dẫn thêm.

- Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng tách hộ để trở thành hộ nghèo khá phổ biến, để lộ trình giảm hộ nghèo được thực hiện  bảo đảm quy định, đề nghị tỉnh có chủ trương quản lý hộ tịch, hậu khẩu và  bình xét đối tượng hộ nghèo.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời: Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm được thực hiện theo Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH, ngày 5-9-2012 của Bộ LĐ-TB và XH về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và bằng sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất kinh doanh); tổ chức bình xét theo hình thức dân chủ, công khai, phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín), kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới.

Thực hiện Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH và tài liệu nghiệp vụ hướng dẫn rà soát, cập nhật hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy định tiêu chí xác định hộ gia đình như sau: “Những người cùng ăn, ở chung trong hộ 6 tháng trở lên trong năm; những người có chung quỹ thu chi (mọi khoản thu nhập của thành viên đều được đóng góp vào ngân sách chung của hộ và mọi khoản chi tiêu họ đều lấy từ ngân sách đó)”.

Như vậy, việc các hộ gia đình tách hộ để trở thành hộ nghèo nhưng căn cứ vào các tiêu chí quy định xác định hộ gia đình và quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, chưa  bảo đảm điều kiện trên thì vẫn tính hộ gia đình chung để rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm. Riêng việc tham mưu cho UBND tỉnh có chủ trương về quản lý hộ tịch, hộ khẩu lĩnh vực này không thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB và XH.

- Cử tri đề nghị tỉnh giải quyết chế độ cho 68 cựu Thanh niên xung phong ở phường Phú Hải (Đồng Hới) và trường hợp ông Nguyễn Minh Được ở xã Phú Trạch (Bố Trạch) và những trường hợp khác đã làm thủ tục từ lâu nhưng chưa được hưởng chế độ.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời: Tính đến tháng 11-2013, Sở Nội vụ đã chuyển, bàn giao cho Sở LĐ-TB và XH 866 hồ sơ TNXP được UBND tỉnh ra quyết định giải quyết chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011, trong đó có 30 trường hợp TNXP ở phường Phú Hải, nhưng không có trường hợp nào của ông Nguyễn Minh Được ở xã Phú Trạch. Sở LĐ-TB và XH đã tổng hợp đề nghị Bộ LĐ-TB và XH cấp kinh phí để chi trả cho các đối tượng.

- Cử tri huyện Quảng Ninh đề nghị tỉnh sớm xây lại Trung tâm Văn hóa tỉnh, đồng thời xây dựng Khu tưởng niệm chiến tranh tại cảng Đồng Hới.

Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch trả lời: Trung tâm Văn hóa tỉnh là nơi tổ chức các sự kiện chính trị-văn hóa-xã hội của tỉnh, vấn đề cử tri đề nghị xây lại trung tâm là thể hiện sự mong muốn của nhân dân, các cấp, ngành trong tỉnh, chính vì thế sau khi hỏa hoạn xảy ra, lãnh đạo tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, ban ngành liên quan triển khai từng bước khắc phục hậu quả. Thực hiện Thông báo số 571/TB/TU, ngày 30-7-2013 của Thường trực Tỉnh ủy về việc tháo dỡ công trình Trung tâm Văn hóa tỉnh đã bị hư hỏng để xây dựng Trung tâm Văn hóa mới, UBND tỉnh đã có Thông báo số 1631/TB-UBND về việc tháo dỡ Trung tâm Văn hóa tỉnh, giao Sở VH-TT-DL làm chủ đầu tư xây dựng công trình này, trước mắt tổ chức thi tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình hoàn thành trước ngày 30-12-2013.

Được sự chỉ đạo kịp thời của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL đã triển khai thực hiện các bước theo quy định, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc xin giới thiệu địa điểm xây dựng. Bên cạnh đó, các thủ tục để tổ chức phương án thi tuyển và  tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình đang được thực hiện nhằm sớm đưa công trình Trung tâm Văn hóa tỉnh vào hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay kinh phí phục vụ cho công tác thi tuyển vẫn chưa được bố trí. Do vậy, việc triển khai phương án thi tuyển kiến trúc công trình chưa bảo đảm đúng tiến độ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với việc đề nghị xây dựng Khu tưởng niệm di tích chiến tranh tại cảng Đồng Hới: tính đến nay trên địa bàn tỉnh ta đã có gần 100 di tích được xếp hạng. Vấn đề cử tri quan tâm, đề nghị xây dựng Khu tưởng niệm di tích chiến tranh tại cảng Đồng Hới là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình thuộc loại di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân) hoặc loại hình nào khác cũng phải được xem xét, đánh giá, chọn lọc, được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, phải được quy hoạch và nằm trong danh mục đầu tư xây dựng di tích trên địa bàn tỉnh. Phải tuân thủ các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Mặt khác tính đến thời điểm hiện nay, cảng Đồng Hới chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, nên không chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Tại đây đã có di tích chứng tích chiến tranh nhà thờ Tam Tòa nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ đối với nhân dân ta, việc xây dựng thêm Khu tưởng niệm di tích chiến tranh tại đây cần phải cân nhắc kỹ.

(Còn nữa)
Đ.T