Đảng bộ Lệ Thủy: Phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Năm, 02/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đảng bộ huyện lệ Thủy xác định: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sẽ là động lực chính để triển khai xây dựng nông  thôn mới. Do vậy năm 2011,  mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực...

Năm 2011, là năm mà Lệ Thủy nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, lạm phát kinh tế. Song với sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn huyện, bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục ổn định và tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng đạt 9,5%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,5% với tổng sản lượng lương thực đạt 92.050 tấn, cao nhất từ trước đến nay; chăn nuôi dần được phục hồi, tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm 44% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất thuỷ sản tăng 2,99% so cùng kỳ; công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 16%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 14,85%.

Để có được những kết quả đó, ngay từ đầu năm, đảng bộ huyện đã xác định: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sẽ là động lực chính để triển khai xây dựng nông thôn mới. Kinh tế có vững thì người dân mới có cơ sở để xây dựng cuộc sống mới đạt hiệu quả cao. Những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy, đặc biệt là nghị quyết đại hội Đảng các cấp được triển khai sâu rộng trong nhân dân.

Đảng bộ huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn sớm cụ thể hóa nghị quyết; xác định trọng tâm, trọng điểm của từng vùng, miền để có hướng phát triển kinh tế sao cho phù hợp. Các xã vùng cát ven quốc lộ đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế con nuôi, tạo thành một môi trường sản xuất đa dạng để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Tân Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: A.T
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Tân Thủy (Lệ Thủy). Ảnh: A.T

Những diện tích trồng lúa có năng suất thấp và kém hiệu quả, mạnh dạn cho người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như rau màu ngắn ngày, đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Những vùng đất cát ven quốc lộ đã có sự vượt bậc trong việc phát triển kinh tế, điển hình như các xã Hưng Thủy, Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy... có nơi có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm.

Vùng ven biển, ngoài việc đánh bắt, khai thác thủy sản, chỉ đạo nhân dân mạnh dạn đầu tư các mô hình chế biến kết hợp chăn nuôi, trồng rừng; đã có nhiều hộ gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc gia cầm với số lượng lớn. Đáng chú ý là các loại vật nuôi mới được người dân đưa vào để sản xuất như chim cút, kỳ nhông, chim đà điểu... Kêu gọi và ưu tiên một số doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn để nuôi tôm sú công nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Đối với các xã vùng gò đồi, với thế mạnh đất đai nhiều, những nơi thuận lợi mạnh dạn chuyển đổi việc trồng rừng kinh tế sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, thông nhựa và đến thời điểm này, toàn huyện đã trồng được 2.888 ha cây cao su với trên 1.500 ha đã cho thu nhập... Những mô hình kinh tế, nhất là các mô hình kinh tế mới đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Khi kinh tế được đầu tư phát triển, người dân đã rất hăng hái tham gia vào các phong trào chung ở địa phương. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư tiếp tục được phát huy mở rộng. Phong trào xây dựng nông thôn mới dù mới được triển khai song đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của nhân dân toàn huyện. Chọn xây dựng hệ thống giao thông nông thôn làm khâu đột phá trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc xây dựng nông thôn mới, Lệ Thủy là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn, nội xóm...

Qua nhiều năm, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đã có hàng trăm km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, cứng hóa. Điển hình như các xã An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, Kiến Giang, Mỹ Thủy... Nhân dân toàn huyện đã hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều cách, nhiều hình thức.

Nhiều địa phương đã có cách tổ chức riêng, đặc thù, song tựu chung vẫn là sự quyết tâm, nhất trí để xây dựng một môi trường nông thôn lành mạnh, giàu về kinh tế, phong phú về đời sống tinh thần, đường làng ngõ xóm phong quang. Nhiều xã đã sớm triển khai chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn như nội thôn, nội xóm, liên thôn, liên xã theo tiêu chí quốc gia. Hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hiến cây, công trình xây dựng như tường rào, bờ sân... để mở đường giao thông. Điển hình như các xã Phong Thủy, Tân Thủy... đã có hàng trăm hộ dân hăng hái tham gia hiến hàng trăm mét vuông đất, vườn cây, ao cá, bờ rào để mở đường giao thông nông thôn. Xã Phong Thuỷ, là một trong những địa phương được tỉnh chọn làm xã điểm của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Phong Thuỷ là xã đã đạt 8/19 tiêu chí và nhiều tiêu chí khác đạt từ 50 -70% nội dung, cao nhất toàn huyện Lệ Thủy. Khi chủ trương được triển khai, đã có nhiều hộ dân tự nguyện tham gia giải phóng mặt bằng và đã có 6 trục đường người dân đã đăng ký tự thống nhất giải toả. Đây chính là tiền đề thuận lợi để Phong Thuỷ tiếp tục hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, mở rộng 250 trục đường giao thông liên xã, thôn, xóm. Xã Tân Thủy cũng là địa phương sớm chủ động để tổ chức cho nhân dân tự giác giải tỏa hàng cây, hành lang và một số công trình khác nhằm đảm bảo các tuyến đường liên huyện rộng 12m, liên xã rộng 10m, liên thôn rộng 8m, nội thôn rộng 6m. Chỉ trong vòng 1 tuần toàn xã đã giải tỏa được trên 450m đường liên xã...

Những kết quả bước đầu tuy còn khiêm tốn, song đây sẽ là động lực để Lệ Thủy quyết tâm xây dựng bộ mặt nông thôn huyện nhà ngày một giàu mạnh, văn minh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

                                                                                             Ngô Quang Văn





,
.
.
.