Những sáng tạo "xanh" trong thế giới học đường

Cập nhật lúc 11:15, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chỉ mới là học sinh nhưng Nguyễn Thị Khánh Chi, lớp chuyên Anh khóa 2015-2018, Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp và hai em Hoàng Khánh Huyền, Hoàng Phương Thảo, học sinh lớp 9A, Trường THCS Quách Xuân Kỳ, Thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) đã say mê nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo ra chế phẩm sinh học an toàn, tiết kiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.

 

Sản phẩm chất màu được tạo ra từ khoai lang tím.
Sản phẩm chất màu được tạo ra từ khoai lang tím.

Điều chế thuốc trừ sâu từ lá cà chua

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ trước đến nay vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng của người nông dân. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc hóa học BVTV đã đem đến nhiều hệ lụy, tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, làm xuất hiện các loài dịch hại mới, tạo tính chống thuốc của dịch hại và làm đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng phát và tái phát dịch, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Xuất phát từ lý do đó, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô, Nguyễn Thị Khánh Chi đã nghĩ ra ý tưởng sáng chế thuốc BVTV từ lá cà chua mà người dân đã vứt bỏ sau khi thu hoạch quả.

Theo Khánh Chi, cà chua từ lâu đã là một thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, ít người để ý đến công dụng của lá cà chua. Tìm hiểu từ sách báo, tài liệu, em được biết, lá và thân cây cà chua có chứa các chất thuộc nhóm alkaloid mà nhiều nhất là atropine, tomatin và alkaloid tropane.

Các chất này có tính kháng khuẩn, chống nấm, chống một số sâu bệnh phá hoại cây trồng, tác dụng diệt và đuổi côn trùng rất hiệu quả, nhất là rệp vừng, bướm đêm, sâu rầy, bù lạch..., giúp khống chế sự gia tăng trọng lượng của sâu và giảm cơ hội sống sót của chúng. Ý tưởng này được em trình bày với thầy giáo bộ môn Hóa học và được thầy hỗ trợ.

Đầu tiên, lá cà chua được Khánh Chi xin ở các vườn cà chua đã thu hoạch quả tại xã Nhân Trạch, Hòa Trạch (Bố Trạch). Công thức điều chế như sau: dùng 100g bột lá cà chua và 100ml dấm ăn, ngâm trong 24 giờ để chuyển hóa hoàn toàn alkaloid thành muối clohiđrat dễ tan trong nước. Sau đó, pha hỗn hợp này với 1 lít nước, trộn đều, ngâm thêm 24 giờ nữa rồi lọc bỏ bã, trộn với 50ml dầu ăn để tăng độ bám dính, tạo thành dung dịch thuốc trừ sâu cho cây trồng từ lá cà chua.

Sau khi điều chế xong, em đã thử nghiệm trên các vườn rau cải, vườn bưởi, vườn mướp đắng và vườn hoa hồng của một số gia đình ở xã Trung Trạch và thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch). Kết quả, thuốc trừ sâu pha chế từ cây cà chua đạt hiệu quả trên 85%, không kém hiệu quả so các loại thuốc trừ sâu hóa học, có thể sử dụng rau, củ quả sau 3-5 ngày phun thuốc, vì đây là sản phẩm sinh học, không chứa hóa chất, thời gian sử dụng có thể lên tới 6 tháng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là nên phun vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc tạnh ráo, phun theo chiều gió, tránh thuốc bay vào mắt, vào người, nên mang khẩu trang. Phần thuốc chưa phun phải đậy kín thùng ngâm và để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng.

Đây là đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp. Với thành tựu nghiên cứu đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả này, Khánh Chi đã được nhận giải ba trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ XVI và là một trong số ít bạn trẻ đoạt giải năm nay.

Tạo màu thực phẩm từ khoai lang tím

Với Hoàng Khánh Huyền và Hoàng Phương Thảo, học sinh lớp 8, Trường THCS Quách Xuân Kỳ lại có ý tưởng và xuất phát điểm khác. Từ sở thích ăn quà vặt, như: thạch, chè, nước giải khát, mứt..., các em thấy không yên tâm về sức khỏe nếu như thực phẩm dùng chất tạo màu công nghiệp. Với kiến thức đã được học và được sự chỉ dẫn của cô giáo Ngô Thị Diệu, giáo viên bộ môn Hoá học, hai em đã nảy ra ý tưởng chế tạo phẩm màu từ các sản phẩm thiên nhiên vốn có sẵn màu tự nhiên, như: khoai lang tím Nhật Bản.

Công thức pha chế được các em thực hiện như sau: khoai lang tím rửa sạch, cạo vỏ, cắt lát mỏng, đổ ngập nước đun sôi khoảng 2 phút, để nguội lọc lấy nước khoai lang tím (không nghiền nát khoai lang vì làm như vậy lượng tinh bột nhiều sẽ nhanh làm hỏng phẩm màu). Pha trộn nước khoai lang tím với nước cốt chanh, giấm, mật ong, bột mì, sữa, bột nở, lòng trắng trứng gà theo tỷ lệ 3:1 sẽ cho ra các dung dịch với màu sắc tự nhiên khác nhau theo các phổ màu.

 Em Nguyễn Thị Khánh Chi (thứ 2 từ trái qua) nhận giải ba tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI.
Em Nguyễn Thị Khánh Chi (thứ 2 từ trái qua) nhận giải ba tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI.

Cụ thể, khoai lang tím trộn với nước cốt chanh sẽ cho phẩm màu đỏ; trộn với giấm cho màu hồng; trộn với mật ong cho ra màu nâu đỏ; trộn với bột mì cho ra màu tím hoa cà; trộn với sữa cho ra màu tím nhạt; trộn với bột nở cho ra màu xanh dương; trộn với lòng trắng trứng gà sẽ cho ra màu xanh lá cây. Khi pha chế phẩm màu này để làm thạch rau câu, chè, pha nước giải khát thì những thực phẩm này có màu đẹp, không ảnh hưởng tới hương vị thực phẩm, lại rất an toàn cho người dùng.

Tuy nhiên, khi khảo sát độ bền màu của sản phẩm, hai em đã tiến hành đun phẩm màu ở nhiệt độ sôi trong thời gian trên 30 phút, thấy các phẩm màu có hiện tượng mất màu. Do đó, thời gian đun phẩm màu dưới 30 phút hoặc có thể pha phẩm màu vào thực phẩm đã nấu chín để bảo đảm giữ nguyên màu sắc.

Ngoài ra, vì pha trộn khoai lang tím với các thực phẩm, do đó phải bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, thời gian bảo quản được 1 tuần hoặc có thể cho vào ngăn đá của tủ lạnh bảo quản được 1 tháng.
Việc dùng gấc để tạo màu đỏ, lá dứa cho màu xanh hay nước ép cà rốt cho màu cam... đã không còn lạ lẫm với người nội trợ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tạo nhiều màu sắc khác nhau mà không cần phải sử dụng nhiều loại nguyên liệu trên, chỉ cần pha nước khoai lang tím với các nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp, như: nước cốt chanh, giấm, mật ong, bột mì, sữa, bột nở, lòng trắng trứng gà.

Cách pha chế này đơn giản, nguyên liệu rẻ tiền mà lại cho các màu sắc đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ứng dụng trong việc tạo màu cho các món ăn, như: súp, chè, thạch rau câu, pha nước giải khát... Với 1 kg khoai lang tím, người nội trợ có thể pha được 5.000 ml phẩm màu.

Trò chuyện với Khánh Huyền và Phương Thảo, các em cho biết: "Chúng em rất vui khi nghiên cứu của mình đã thành công, góp phần hướng dẫn các chị, các mẹ nội trợ tạo ra được chất tạo màu an toàn, tiện dụng, có thể dùng để tự chế biến thực phẩm ưa thích tại gia đình. Tuy chỉ đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhưng đây là niềm vui và nguồn động viên rất lớn để chúng em tiếp tục nghiên cứu những chế phẩm khác giúp ích cho mọi người".

“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...” niềm đam mê, kết quả nghiên cứu sáng tạo của các em đã phần nào giúp ích cho đời, góp thêm những bông hoa đẹp trong vườn hoa xuân của đất nước trong những ngày xuân 2018 đang về.

Thanh Hoa



 

,
,
.
.
.
.
.
.
.
.