Sinh kế bền vững, tương lai rộng mở
Không còn trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước hay loay hoay với những công việc thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã có được sinh kế bền vững, tương lai rộng mở hơn. Kết quả này có được là nhờ sự giúp sức của các chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời của Đảng, Nhà nước với những chương trình, dự án thiết thực, cùng sự sáng tạo, hiệu quả của các địa phương…, góp phần đổi thay từng nếp nghĩ cách làm của bà con.
KHÔNG CÒN TRÔNG CHỜ, Ỷ LẠI, PHỤ THUỘC VÀO SỰ HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC HAY LOAY HOAY VỚI NHỮNG CÔNG VIỆC THIẾU ỔN ĐỊNH, THU NHẬP BẤP BÊNH, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ (DTTS) VÀ MIỀN NÚI Ở NHIỀU NƠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐÃ CÓ ĐƯỢC SINH KẾ BỀN VỮNG, TƯƠNG LAI RỘNG MỞ HƠN. KẾT QUẢ NÀY CÓ ĐƯỢC LÀ NHỜ SỰ GIÚP SỨC CỦA CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP, KỊP THỜI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỚI NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN THIẾT THỰC, CÙNG SỰ SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG…, GÓP PHẦN ĐỔI THAY TỪNG NẾP NGHĨ CÁCH LÀM CỦA BÀ CON.
Gia đình bà Hồ Thị Bê và ông Hồ Đại (SN 1963, dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Km14, xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) những ngày này khấp khởi mừng vui. Bởi sau 3 năm chăm sóc, mới đây bà bán được 4 con dê, tạo nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho gia đình. Bắt đầu từ 1 cặp dê đực-cái do một dự án hỗ trợ và được tư vấn, bồi dưỡng thêm về cách chăm sóc, điều trị bệnh cho dê, ông bà dần tích lũy kinh nghiệm trong quá trình nuôi, thêm vào đó là sự miệt mài, kiên trì, không ngại khó ngại khổ. Đến nay, đàn dê đã tăng lên 14 con và kỳ vọng sẽ không ngừng tăng theo thời gian.
Bà Hồ Thị Bê chia sẻ, ông bà có 5 người con, cũng đều trưởng thành, lập gia đình riêng, chỉ còn 2 vợ chồng bà sinh sống quây quần với nhau. Nhưng thu nhập lại rất bấp bênh, chỉ biết vào rừng hái măng đem bán đắp đổi qua ngày. Nay thì khác rồi, với đàn dê, bà đã có sinh kế bền vững và chủ động, linh hoạt trong chi tiêu. Ngoài chăn nuôi dê, hai vợ chồng còn được động viên trồng thêm 2ha cây keo, sau 5 năm trồng lứa đầu tiên, vừa bán được hơn 80 triệu đồng. Với số tiền này, bà lại tái đầu tư trồng thêm lứa keo mới, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cao hơn. Và cũng phải kể đến 0,5ha sắn, nguồn lương thực dự trữ ngay trước nhà nữa…
“Thời gian tới, gia đình chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thêm về giống gà, lợn để tiếp tục chăn nuôi, nâng cao mức thu nhập. Đồng thời, bà con cũng kỳ vọng được tiếp tục tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, cầm tay chỉ việc… Hồi trước đi làm hay mệt mỏi, xuống sức, giờ chăn dê, trồng cây thấy vui lắm, mệt mỏi đi đâu hết!”, bà Hồ Thị Bê hồ hởi tâm sự.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình, dự án liên quan đến tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025, người Bru-Vân Kiều trên địa bàn xã đã dần thay đổi nếp nghĩ cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Đặc biệt, mô hình mỗi đơn vị, hội giúp đỡ một bản của huyện Lệ Thủy đã phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần đưa giống vật nuôi, cây trồng đến tận tay đồng bào. Cùng với đó là sự hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình nuôi dê, bò, trồng mít Thái, tre lấy măng, trồng rừng, lúa nếp than... được thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.
Đáng chú ý, để bà con thay đổi nhận thức, xã triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trước, sau đó, bà con thấy hiệu quả rõ rệt sẽ làm theo. Cán bộ hỗ trợ bà con theo lối “bắt tay chỉ việc”, giúp sức từng khâu, từng giai đoạn... Nhờ cách làm này, các mô hình tiếp tục được nhân rộng trong đồng bào, góp phần tạo thu nhập ổn định thay vì bấp bênh sống dựa vào khai thác từ rừng. Tín hiệu mừng là nhiều thanh niên DTTS sau khi hoàn thành cấp THCS đã mạnh dạn tham gia học nghề hoặc xuất khẩu lao động (như ở bản Cẩm Ly). Bên cạnh đó, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) cũng hỗ trợ nhiều cho đồng bào DTTS trong phát triển các mô hình sinh kế, nhất là khâu hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trừ bệnh...
Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải cho biết, Lệ Thủy có 3 xã vùng đồng bào DTTS, chủ yếu là người Bru-Vân Kiều; là huyện có đồng bào DTTS sinh sống đông nhất tỉnh. 5 năm qua, các chương trình, chính sách đã hỗ trợ cho bà con 18.950 triệu đồng, với trên gần 1.500 lượt hộ thụ hưởng để hỗ trợ phát triển sản xuất.
Riêng chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ 3 mô hình, 72 hộ được thụ hưởng, trị giá 705 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, phù hợp với thổ nhưỡng... vào canh tác, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu nhập.
Phát huy thế mạnh của vùng miền núi, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đồng bào chú trọng phát triển lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế; tổ chức tốt việc quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi việc lấn chiếm rừng, đất rừng và khai thác rừng tự nhiên trái phép. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, du lịch trên địa bàn bước đầu có nhiều triển vọng. Qua đó, tạo điều kiện, kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng phát triển du lịch và đã có nhiều điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được hình thành, như: Bang Onsen Spa&Resort, khe Nước Lạnh, Sơn Kiều, khu vực Động Châu-khe Nước Trong... tạo cơ hội phát triển sinh kế và việc làm cho người dân.
Tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), Chủ tịch UBND xã Cao Phương Hướng chia sẻ, trên địa bàn xã, với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, bà con đồng bào DTTS chí thú làm ăn, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, như: Nuôi dúi, lợn bản, lợn thịt, trồng cây ăn quả, trồng rừng…
Đáng chú ý, từ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, bà con được giúp sức mua nông cụ để sản xuất. Quá trình sản xuất, chăn nuôi, đồng bào cũng được tham gia tập huấn, cập nhật các kiến thức trồng trọt, chăn nuôi hiện đại.
Vượt qua khó khăn ban đầu về đường sá đi lại khó khăn, nhận thức bà con còn hạn chế, xã Lâm Hóa đã nỗ lực cùng đồng bào hiện thực hóa các mô hình sinh kế bền vững, tạo thu nhập ổn định cho bà con. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án tạo sinh kế, bà con mong muốn nguồn vốn hỗ trợ mỗi hộ gia đình được nâng cao hơn, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất và đổi mới, đa dạng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Công Khánh cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ngày càng được chú trọng. Giai đoạn 2020-2023, tại vùng đồng bào DTTS, có 3.667 người được đào tạo nghề, trong đó có 1.943 người DTTS, có 122 lao động người DTTS đi xuất khẩu lao động.
Với nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các chương trình MTQG cùng nguồn vốn cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, được tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn kỹ năng tiếp cận, mở rộng với thị trường. Nhờ đó, trình độ sản xuất được nâng lên, giúp người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp.
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, sự đồng lòng, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương của người dân DTTS và miền núi, nhiều tổ hợp tác về chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao được thành lập. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, chính quyền xã còn ký kết hợp tác với doanh nghiệp để thu mua toàn bộ sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con yên tâm canh tác và mở rộng diện tích cây trồng, tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm.
Nội dung: MAI NHÂN
Thiết kế & đồ họa: HẢI PHƯỢNG