.

Trồng rừng để dành...

Thứ Tư, 06/05/2020, 15:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay cạnh con đường vào trung tâm xã Hóa Sơn (Minh Hóa), hàng chục năm nay sừng sững tồn tại một khu rừng trầm dó rộng gần 6ha xanh ngút tầm mắt. Khu rừng quý hiếm đó là tâm huyết cả đời của thương binh Đinh Ngọc Loan (SN 1958), một người mà tình yêu với rừng đã ăn sâu vào huyết quản… 

 

Cơn mưa bất chợt đầu mùa hạ làm khu rừng trầm dó ướt sũng nước nhưng cũng không thể ngăn được bước chân thoăn thoắt của ông Đinh Ngọc Loan đang hướng thẳng vào khu rừng. Hàng chục năm qua, ngày nào cũng vậy, ông Loan đều dành thời gian ít nhất 1 lần  để vào với khu rừng của mình. Bởi với ông, tình yêu đối với rừng đã ngấm sâu vào huyết quản…

Ông Loan kể, sinh ra và lớn lên ở thung lũng Hóa Sơn trùng điệp những cánh  rừng đại ngàn, tuổi thơ ông gắn liền với chim kêu, vượn hú và lớn lên nhờ đọt rau, cây nấm hái lượm được từ rừng. Vào những năm tháng cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia ác liệt, những cánh rừng ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc đã bao lần che chở ông sống sót qua những trận mưa bom, bão đạn của quân địch. Thế nên, hơn ai hết, ông Loan hiểu được những giá trị to lớn của rừng và cũng từ đó, ông yêu rừng như lẽ sống của mình vậy.

 

 

Vậy nên, từ năm 1993, ông Loan quyết định từ bỏ công việc đạp rừng tìm trầm đầy khắc nghiệt. Cũng thời điểm đó, Nhà nước có chủ trương kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Không đắn đo suy nghĩ, ông Loan nhận 6 ha đất đồi trọc, toàn cây bụi của xã Hóa Sơn để trồng rừng. Nhưng, khác với người dân trong xã, ông Loan không chọn các giống cây keo, tràm để mau có thu hoạch, mà quyết định đưa cây trầm dó vào trồng.  

 

Trầm dó là một loài cây rừng hoang dã mọc khắp núi rừng miền Trung, có tinh dầu trầm hương là một loại hương, dược liệu đặc biệt quý hiếm. Vì có giá trị như vậy nên cây trầm dó ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt vì bị săn lùng và khai thác tận diệt để lấy trầm hương. 

 

“Quyết định trồng cây trầm dó, ngoài giá trị kinh tế, tôi muốn giữ lại cho muôn đời sau một khu rừng trầm dó như vốn có ở ngoài tự nhiên, cũng là cách tôi chuộc lỗi với những cánh rừng trầm dó mà tôi và các “đồng nghiệp” đã từng chặt phá…”, ông Loan tâm sự.

Ông Loan cho biết, quyết định chọn cây trầm dó để trồng rừng, giống cây là một vấn đề rất nan giải. Bởi thời điểm đó, không ai ươm giống cây rừng bản địa, đặc biệt là cây trầm dó như hiện nay để có thể mua về trồng. Lớn lên từ rừng và có những năm tháng đạp cội tìm trầm, ông Loan cũng đã hiểu được phần nào đặc tính sinh trưởng của cây trầm dó.

 

Ông quyết định chọn cách được xem là cổ xưa nhất để trồng rừng trầm dó, là gieo hạt trực tiếp xuống đất. Cũng may, trong vườn nhà có 2 cây trầm dó từ thời ông bà cố để lại, mỗi năm đều ra hoa, kết trái. Ông Loan gọi đó là 2 cây “trầm tổ” và lấy giống từ 2 cây trầm dó này để gieo hạt trồng rừng. 

 

Có giống từ 2 cây “trầm tổ”, ngày này qua ngày khác, ông Loan cùng vợ hết trằn mình phát cây, cuốc lỗ, tra hạt trầm dó, lại oằn lưng xuống suối gánh từng thùng nước tưới vào hố cho đất ẩm ướt để hạt nảy mầm. 

 

 

 

 

Tuy không bán gỗ rừng, nhưng nhiều năm qua, gia đình ông Loan cũng đã sống tốt từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng. Ông Loan cho biết, nhiều năm nay, dưới tán khu rừng, ông đưa giống cây dứa (thơm) vào trồng. Đây là loại cây mà theo ông Loan, trồng dưới tán rừng rất phù hợp, vừa giữ đất khỏi bị xói lở, tránh cây dại nhưng cũng mang về một nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó, để giữ đất và không mất công phát cỏ, cây dại, lại có thêm thu nhập, ông vào rừng đào nhiều loại cây dược liệu và cây sim về trồng. Ngoài việc trồng rừng, tận dụng vườn rộng, ông Loan còn chăn nuôi thêm bò, gà thả vườn và trồng nhiều loại cây ăn quả như: cam, bưởi, chanh, tắt mít... 

 

Trồng rừng kinh tế đang được xã Hóa Sơn xác định là một trong hai chương trình kinh tế trọng điểm nhằm đạt mục tiêu giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững theo chủ trương của huyện Minh Hóa. Tuy nhiên, theo ông Cao Ngọc Điền, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, thời gian qua, người dân Hóa Sơn chủ yếu trồng các giống cây rừng kinh tế đơn thuần như keo, tràm...

 

“Việc ông Đinh Ngọc Loan trồng thành công khu rừng trầm dó và nhiều loại cây rừng bản địa khác và khoanh nuôi thành công một khu rừng gỗ quý toàn cây bản địa đã gợi mở một hướng đi, cánh nhìn mới về trồng rừng phát triển kinh tế của địa phương chúng tôi trong thời gian tới”, ông Điền nói. 

 

Nội dung: Phan Phương

Thiết kế & Trình bày: Xuân Hoàng - Thanh Cương

15:27, Thứ Tư, 06/05/2020 (GMT+7)