.

Bất bình đẳng giới tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm

.
07:45, Thứ Bảy, 14/07/2018 (GMT+7)
Theo số liệu của Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội, phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, tương đương với gần 80 ngày làm việc (gần 2,5 tháng) trong một năm. Chính sự bất bình đẳng này khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại trong việc tuyển dụng lao động nữ, vì họ mất nhiều thời gian hơn nam giới trong các công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ…
Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Doanh nghiệp phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng” do Mạng lưới các Doanh nghiệp hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Đại sứ quán Australia và Dự án Investing in Women phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13-7 tại Hà Nội.
 
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho phụ nữ là người chăm sóc gia đình và nam giới là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội đang tạo ra rào cản trong việc tiếp cận cơ hội việc làm và kinh tế cho cả phụ nữ và nam giới.
 
Thứ trưởng Lê Quân cũng chỉ ra hàng loạt các thách thức còn tồn tại như khoảng cách giới trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp. Lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương. Tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch tương đương khoảng 30 USD, trên tổng mức lương gần 200 USD/tháng.
 
Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp lên tới 31% nhưng trong đó 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp… 
 
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn cùng các chuyên gia quốc tế vào việc đảm bảo và thực thi các giá trị bình đẳng giới ở nơi làm việc là tín hiệu đáng mừng về sự cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu phát triển bền vững.
 
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ quyền năng phụ nữ (VBCWE) nhấn mạnh, các doanh nghiệp Viêt Nam cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ. 
 
“Có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thuhút và giữ chân nhân tài,” bà Hà Thu Thanh nói.
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã cùng nhau nhận diện những thách gắn với sự thay đổi của bối cảnh mới cũng như của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến công tác thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng. Nhiều câu chuyện ấn tượng và thực tế được chia sẻ đã giúp các doanh nghiệp có hình dung rõ hơn về triển khai bình đẳng giới ở nơi làm việc phù hợp và hiệu quả với doanh nghiệp mình./.
 
Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+) 
,