.

"Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số"

.
07:41, Thứ Ba, 19/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trẻ em đang là đối tượng phải chịu nhiều tác động. Chính vì vậy, năm nay, tỉnh ta đã tổ chức Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.
 
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 350.000 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, trong đó có 4.342 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (theo Luật Trẻ em 2016). Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, cộng đồng. Tiêu biểu, như: dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” giai đoạn 2017-2020, chương trình “Cặp lá yêu thương” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em… Nhờ đó, đa phần trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và được quan tâm để phát triển toàn diện.
Cụ thể, toàn tỉnh có 88,48% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; 93,26% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; 120 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, đạt 75.47%. Đến nay, có 7 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng 616 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
 
Tuy nhiên, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó vấn đề liên quan đến công nghệ số làm cho môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trong đó trẻ em là nhóm phải đối mặt với nhiều loại rủi ro. Thực tế cho thấy, trẻ em hiện nay được tiếp cận khá sớm với công nghệ và nhiều bậc phụ huynh gặp khó trong việc giám sát hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng. Chính vì lẽ đó, cuộc sống an toàn, lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng cũng như trên thế giới công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề khá cấp bách hiện nay, như: thông tin liên quan đến bạo lực trái với thuần phong mỹ tục; nhiều nội dung, hình ảnh không phù hợp đến lứa tuổi phát triển của trẻ em; hội chứng nghiện mạng, nghiện game của thanh thiếu niên; vấn đề trẻ em bị bóc lột, bị bạo lực trên môi trường mạng; xâm hại trẻ em trên môi trường mạng…
 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), để thực hiện hiệu quả quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới công nghệ số, Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” bắt đầu từ ngày 1-6 đến 30-6. Mục đích của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia vào các vấn đề của trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em; thực hiện tốt “ Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức thực hiện tốt phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể trong việc quản lý trẻ em.
 
Xác định môi trường mạng là một thế giới lớn về tri thức, thông tin và thành tựu của thế giới nhân loại, vì vậy, nên để trẻ được tiếp xúc với thế giới mạng nhưng cần hướng dẫn cho các em cách sử dụng mạng an toàn. Các địa phương, nhà trường và gia đình cần có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai việc phổ biến, giáo dục kiến thức, hướng dẫn trẻ em sử dụng công nghệ số một cách hữu ích, an toàn, lành mạnh; trang bị những kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và chính bản thân trẻ em để các em biết cách tự bảo vệ chính mình trước những nguy cơ có hại. Các huyện, thị xã, thành phố cần tạo điều kiện để tổ chức diễn đàn trẻ em địa phương với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số. Trong đó, các hoạt động cần bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu, tâm lý lứa tuổi của thanh thiếu nhi.
Các địa phương tích cực tổ chức hoạt động vui chơi và phòng chống xâm hại, đuối nước cho trẻ em trong mùa hè.
Các địa phương tích cực tổ chức hoạt động vui chơi và phòng chống xâm hại, đuối nước cho trẻ em trong mùa hè.
Mặt khác, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường các biện pháp quản lý trong việc phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực của thế giới công nghệ số đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những quy định chặt chẽ đối với các nhà cung cấp dịch vụ; tăng cường tuyên truyền các ứng dụng kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro của trẻ em; cung cấp kênh thông tin về bảo vệ trẻ em (kiến thức sử dụng mạng an toàn; cung cấp kênh thông báo, phản ánh đối với những nội dung xấu; cung cấp hướng dẫn, công cụ giúp cha mẹ bảo vệ con). Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng: “Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tự trang bị phương pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ, như: để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được; thiết lập các chức năng tìm kiếm an toàn, chọn lọc và ngăn chặn các nội dung không phù hợp; đồng thời hướng dẫn và lắng nghe mọi chia sẻ của trẻ…, để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ em”.
 
Ngoài ra, thực hiện chương trình “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, các trường học trên địa bàn tỉnh phối hợp với gia đình và các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức hoạt động hè tại khu dân cư, như: lớp học năng khiếu, thể thao, tin học, ngoại ngữ, học hè quân đội, các hoạt động giáo dục truyền thống…, nhằm thu hút thanh thiếu nhi tham gia sinh hoạt, học tập và vui chơi. Cùng với đó, cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục kiến thức về sức khỏe, bảo vệ môi trường, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, đuối nước theo phương châm “đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức và phù hợp với thanh thiếu nhi”. Đồng thời, cần vận động cán bộ công nhân viên chức người lao động trong cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể, biểu dương, khen thưởng trẻ em có thành tích trong học tập, rèn luyện; đỡ đầu, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đảm nhận các công trình, phần việc “Vì đàn em thân yêu”; tham gia ủng hộ kinh phí, cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi cho trẻ em… Riêng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và hoạt động hè, cũng cần được biểu dương, khen thưởng.
 
Phát biểu tại buổi lễ Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, đồng chí Trần Tiến Dũng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, đây là tháng cao điểm của phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và cộng đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng những chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể dành cho trẻ em; có những sáng kiến và hành động thiết thực, hiệu quả hơn nữa để tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho trẻ em trong tỉnh được phát triển bình đẳng và toàn diện. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, tránh nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, gia đình và của chính bản thân trẻ em trong việc thực hiện tốt Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường mạng.
Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), năm 2017, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số, phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Thùy Lâm
,