.

Vì sao khan hiếm lao động dệt may?

.
08:53, Chủ Nhật, 27/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may ở Quảng Bình phát triển mạnh với quy mô lớn. Đây là cơ hội "vàng" để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, đặc biệt ở vùng nông thôn. Tuy vậy, thời gian qua, không ít doanh nghiệp dệt may vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động.
 
Thiếu hàng trăm lao động
 
Hiện nay, một trong những vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp sản xuất dệt may ở tỉnh Quảng Bình là thiếu lao động. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, đa phần các công ty may đóng trên địa bàn tỉnh đều thiếu từ 10-30% lao động.
 
Công ty TNHH may Thăng Long (phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) được thành lập từ năm 2014, hiện có 400 lao động, sản phẩm chủ yếu của công ty là áo ấm xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ… Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, lương trung bình của công nhân tại Công ty TNHH may Thăng Long là 5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương,công nhân còn được công ty đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng các chế độ tiền thưởng lễ, tết và tiếp nhận sự hỗ trợ của công ty đối với các hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh tật…
 
Chị Trần Thị Hướng, công nhân tổ may 1 của công ty, cho biết: “Tôi làm việc ở đây từ những ngày đầu Công ty mới thành lập, lãnh đạo Công ty rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của công nhân, do đó, đã tạo ra môi trường làm việc khá thoả mái cho chúng tôi. Đặc thù của nghề may là làm và hưởng lương theo sản phẩm, nhờ nghiêm túc và chịu khó trong sản xuất, nên mỗi tháng lương bình quân của tôi đạt từ 7-8 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”.
 Các xí nghiệp may trên địa bàn tỉnh còn thiếu từ 10-30% lao động.
Các xí nghiệp may trên địa bàn tỉnh còn thiếu từ 10-30% lao động.
Dù môi trường làm việc ổn định, chế độ đãi ngộ khá tốt, tuy nhiên, hiện nay, Công ty TNHH may Thăng Long vẫn chưa tuyển đủ số lượng lao động cần có. Ông Đặng Thăng Long, Giám đốc Công ty TNHH may Thăng Long chia sẻ: “Công ty có 400 công nhân, để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, Công ty cần phải tuyển thêm khoảng 200 công nhân nữa. Nhưng, sau một thời gian tuyển dụng, thiếu vẫn hoàn thiếu”.
 
Sản xuất nông nghiệp ở Quảng Bình còn chiếm tỷ trọng khá cao, do đó số lao động có tay nghề và kinh nghiệm trong sản xuất công nghiệp còn ít. Khi đầu tư phát triển ngành dệt may tại đây, các doanh nghiệp đã chấp nhận phải đào tạo nhân công từ đầu. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó, sau một thời gian được đào tạo đã bỏ việc, gây lãnh phí và khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Từng chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của công ty,ông Phạm Anh Phương, Giám đốc Công ty TNHH S&D (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) cho biết: “Với quy mô sản xuất hiện tại, số công nhân cần tuyển dụng của công ty chúng tôi là trên 1.000 lao động. Tuy nhiên, năm 2017, công ty chỉ có 824 lao động, chấm dứt hợp đồng và giải quyết thôi việc cho 272 lao động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công suất hoạt động của các dây chuyền tại nhà máy”.
 
Ở Công ty TNHH may Thăng Long, ông Long cũng cho biết thêm, số công nhân nghỉ việc chiếm khoảng 30% tổng số lao động của công ty. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu thời gian, nêncông ty phải trả lại nhiều đơn đặt hàng của đối tác.
 
Đâu là giải pháp?
 
Môi trường làm việc tốt, mức lương khá, chế độ chính sách cho người lao động được bảo đảm, vậy nhưng việc tuyển dụng công nhân tại các xí nghiệp may ở Quảng Bình vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đâu? Chúng tôi đã tìm đến những người trong cuộc để có câu trả lời. Chị Trần Thị Hướng cho rằng, đa phần lao động phổ thông ở đây chỉ thích làm công việc tự do, thoả mái, chưa chịu khó và chấp nhận ràng buộc trong khuôn khổ. Bởi vậy, dù với mức lương khá nhưng nhiều lao động vẫn không lựa chọn nghề may.
 
Chung quan điểm với chị Hướng, ông Đặng Thăng Long đánh giá: “Nhận thức và tác phong công nghiệp của lao động trong tỉnh còn hạn chế, nhiều người muốn có thu nhập cao nhưng lại lười biếng".
 
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân được tuyển vào làm rồi nghỉ việc giữa chừng. Với nhận thức còn thấp, thiếu nhẫn nại, kiên trì, khi tham gia lao động ở các xí nghiệp may, chịu áp lực về thời gian, tính kỷ luật cao trong sản xuất công nghiệp, nhiều lao động sẽ không thích nghi được.
Công việc may cần có tác phong công nghiệp cao, ý thức kỷ luật tốt.
Công việc may cần có tác phong công nghiệp cao, ý thức kỷ luật tốt.
Cùng với việc lao động chưa quen với môi trường công nghiệp trong sản xuất, vấn đề thiếu nhà ở, nhà trẻ… cũng là một trong những lý do cản trở việc thu hút lao động ở các xí nghiệp may. Chia sẻ tại hội nghị của Sở Công thương về khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D cho biết: “Vấn đề không có nhà ở cho cán bộ, người lao động là rào cản lớn, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động của công ty. Nhiều công nhân nộp hồ sơ vào làm, nhưng sau một thời gian đã xin nghỉ bởi gặp khó khăn về nhà ở. Không có nhà trẻ, mẫu giáo nên đa phần chị em phụ nữ sau khi sinh xong thì nghỉ làm luôn, hoặc sau vài năm mới xin đi làm lại”.
 
Chị Lê Thị Hiền, một công nhân may của Công ty TNHH S&D cho biết, việc tìm phòng trọ ở các khu công nghiệp và các xí nghiệp may là rất khó vì đa phần xa khu dân cư. Thêm vào đó, vì ít phòng trọ nên giá cũng khá đắt (600.000 đồng - 800.000 đồng/phòng/tháng), phòng lại chật hẹp, thiếu an toàn… Do đó, nhiều công nhân, đặc biệt là công nhân nữ sau khi có gia đình, sinh con đã phải xin nghỉ việc.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, tình trạng thiếu lao động trong các xí nghiệp may là khó khăn không riêng gì các doanh nghiệp ở Quảng Bình mà là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Bởi, quá trình chuyển lao động từ nền sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp khiến họ chưa kịp thích ứng với tác phong, môi trường làm việc mới (lao động theo thời gian, kỹ luật lao động cao, làm việc theo dây chuyền khép kín…), do đó, nhiều người không muốn làm hoặc làm nhưng không thích ứng được nên bỏ giữa chừng.
 
Để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề lao động của các xí nghiệp dệt may, ông Khoái nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm thay đổi nhận thức của người lao động, phải đẩy mạnh tuyên truyền để họ hiểu được lợi ích trước mắt và lâu dài của công việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần quan tâm, dần dần tạo điều kiện cho công nhân trong vấn đề nơi ăn, ở, trường lớp cho con của họ để các lao động yên tâm làm việc; chú trọng hơn nữa công tác an sinh xã hội, chế độ cho người lao động (đóng bảo hiểm xã hội, có chế độ lễ, tết, đau ốm…). Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề cũng cần được chú trọng, nhằm tạo điều kiện cho công nhân trong việc nâng cao tay nghề…”
     Lê Mai
,