.
Chuyện quản lý:

"Niềm vui ngắn chẳng tày gang"!

.
07:54, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khoảng đầu tháng 5-2018, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thông báo sẽ tổ chức kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 7.900 lao động sang làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc.

Có lẽ, đây là tin vui cho những thanh niên trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài làm việc, góp phần xóa nghèo, xây dựng cuộc sống của gia đình và đóng góp cho cộng đồng.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi kèm theo thông báo này là danh sách 49 quận, huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham dự kỳ thi tuyển chọn, trong đó Quảng Bình có 3 địa phương, gồm: TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch.

Thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.
Thanh niên trong độ tuổi lao động tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.

Sở dĩ các địa phương này bị dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS 2018 là do có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30%, đồng thời có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại nước sở tại từ 60 người trở lên.

Cụ thể: TP. Đồng Hới có 68 lao động cư trú bất hợp pháp (tính đến ngày 31-3-2018), chiếm tỷ lệ 44,44% (tính từ ngày 1-1-2017 đến 31-3-2018); thị xã Ba Đồn có 64 lao động, chiếm tỷ lệ 47,37%, đặc biệt huyện Bố Trạch có đến 343 lao động, chiếm tỷ lệ 63,75%.

Theo đó, căn cứ số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2018, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm tiếp theo tại các địa phương không giảm các hiện tượng nói trên, đồng thời sẽ gỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những giải pháp bảo đảm an sinh xã hội rất hiệu quả, trong đó có những người đang lao động ở Hàn Quốc đi theo chương trình EPS.

Tuy có sự lựa chọn khắt khe từ các đơn vị sử dụng lao động, nhưng đổi lại những người tham gia chương trình này ngoài mức phí phải chăng, còn được hưởng các chế độ như lao động của nước bản địa.

Có thể thấy, hành vi cư trú bất hợp pháp của người lao động không chỉ đóng sập cánh cửa cơ hội thay đổi cuộc sống của những người khác mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội của nước sở tại, cũng như mối quan hệ bang giao tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc đã được gây dựng bấy lâu nay.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của lao động xuất khẩu ra nước ngoài nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế!

Minh Văn


 

,