.

Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

.
14:45, Thứ Ba, 15/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm ổn định cuộc sống, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, huyện Quảng Trạch luôn quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt là đối với những đối tượng lao động ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, diện hộ nghèo...

Huyện Quảng Trạch hiện có 18 xã, khoảng 29.200 hộ và trên 116.250 khẩu. Với điều kiện kinh tế còn khó khăn, số hộ nghèo tập trung nhiều tại các xã miền núi và có sự chênh lệch khá xa đối với vùng đồng bằng. Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Trạch lần thứ XXIV đã ban hành Nghị quyết về "Chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm" nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo ở địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất để tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khấm khá; tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh tại các vùng khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và nhóm dân cư...

Để thực hiện có hiệu quả "Chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm", ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện Quảng Trạch đã khẩn trương điều tra, rà soát kỹ lưỡng về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo để từ đó xây dựng kế hoạch hành động đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vào đầu năm 2016 là 14,58% (4.257 hộ).

Thực trạng nghèo chủ yếu xuất phát từ nguyên do thiếu vốn sản xuất, đất canh tác, phương tiện sản xuất, thiếu lao động hoặc thiếu việc làm, không biết cách làm ăn, không có tay nghề, đông người ăn theo, ốm đau nặng...

Nhờ được đào tạo nghề, nhiều nông dân huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn mở rộng quy mô làm ăn sản xuất để vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều nông dân huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn mở rộng quy mô làm ăn sản xuất để vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.

Tiếp đến, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, hạn hán, bão lũ thường xuyên xảy ra, phong tục sản xuất một số nơi còn lạc hậu. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình nghèo còn xuất phát từ thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất; gia đình đông con, già cả, neo đơn; sử dụng vốn vay không hiệu quả; chây ỳ trong lao động...


Chị Ngô Thị Bình, thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, có chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con ở độ tuổi ăn học, trước đây gia đình chị là đối tượng hộ nghèo của địa phương. Sống chủ yếu dựa vào nghề nông, nhưng gia đình chị chỉ có vài sào ruộng khoán, nghề phụ hầu như không có. Trước đây, vào những lúc nông nhàn, chị Bình hầu như chỉ biết loay hoay với việc chăn nuôi nhỏ lẻ vài con bò, lợn, ngan, gà... để kiếm thêm thu nhập.

Cách đây chừng vài năm, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị Bình cùng các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã đã được tham gia vào một khoá học làm nghề chổi đót. Sau khi kết thúc khoá học, được sự giúp đỡ của cấp trên, các học viên này đã đứng ra thành lập một tổ hợp tác sản xuất chổi đót để cung ứng ra thị trường.

Chính nhờ đức tính cần cù trong những lúc nông nhàn, bình quân mỗi tháng, chị Bình cũng kiếm thêm thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng nhờ làm chổi đót. Chị Bình phấn khởi cho biết: "Dù là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập cao hơn cả nghề chính là làm ruộng. Nhờ có nghề làm chổi đót mà các con tôi không phải bỏ học giữa chừng, gia đình đã thoát ra được diện hộ nghèo..."

Khác với trường hợp chị Ngô Thị Bình, anh Phạm Chí Thiện (sinh năm 1990) ở thôn 4 và chị Nguyễn Thị Bích Ngân (sinh năm 1996) ở thôn Hùng Sơn của xã Quảng Kim trước đây đều thuộc diện hộ nghèo. Nhưng anh Thiện và chị Ngân lại chọn cho mình một hướng làm ăn mới, đó là mạnh dạn tham gia xuất khẩu lao động. Với sự hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi và tham gia đào tạo nghề, cả anh Thiện và chị Ngân đều được trúng tuyển để đi xuất khẩu lao động tại đất nước Nhật Bản.

Đến nay, sau 3 năm tham gia làm việc tại nước Nhật với mức thu nhập bình quân 60 triệu đồng/tháng, anh Thiện đã trả hết nợ, trở về nước với số vốn tích cóp trong tay lên tới cả tỷ đồng. Riêng trường hợp chị Ngân, dù mới đi xuất khẩu lao động được trên 1 năm, nhưng đã trả hết nợ cho gia đình để thoát nghèo nhờ mỗi tháng thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Anh Trịnh Văn Thắng, Phó Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Trạch cho biết, từ năm 2006 đến nay, bằng nhiều giải pháp tương đối đồng bộ, hiệu quả, huyện Quảng Trạch đã đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm khá ổn định cho hàng ngàn lao động mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo, sống ở vùng nông thôn đặc biệt khó khăn.

Các lao động sau khi hoàn thành các khoá đào tạo nghề ngắn và dài hạn đã được giải quyết việc làm bằng cách tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tuyển vào các cơ sở sản xuất kinh doanh  -dịch vụ cá thể; tham gia vào các chương trình dự án; phát triển kinh tế hộ gia đình; di dân đến vùng kinh tế mới; xuất khẩu lao động...

Cụ thể, trong năm 2016, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 4.850 lao động, đạt 101,21% kế hoạch (trong đó số lao động được đào tạo nghề và tạo việc làm mới là 2.845 người; tham gia xuất khẩu lao động 465 trường hợp/chỉ tiêu đề ra 280 người).

Đến hết năm 2017, toàn huyện tiếp tục giải quyết thêm việc làm cho 4.920 lao động/ kế hoạch 4.820 lao động, đạt trên 102% kế hoạch (trong đó, số lao động được đào tạo nghề và tạo việc làm mới là 2.855 người; tham gia xuất khẩu lao động 482 trường hợp/chỉ tiêu đề ra 300 người). Đáng chú ý, năm 2016, huyện Quảng Trạch đã tổ chức điều tra, rà soát và ký hợp đồng đào tạo nghề cho 250 lao động nông thôn trên địa bàn.

Bước sang năm 2017, toàn huyện tiếp tục phối hợp mở 10 lớp nghề đào tạo cho 272 học viên (bao gồm 5 lớp phi nông nghiệp và 5 lớp nghề nông nghiệp). Toàn bộ các học viên nói trên đều được cấp chứng chỉ hoàn thành khoá học nghề. Các ngành nghề đào tạo cho học viên bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, làm nấm, chổi đót, kỷ thuật xây dựng, chế biến món ăn, trồng hoa ly, hoa cúc...

Có thể khẳng định "Chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm" của huyện Quảng Trạch triển khai thực hiện trong thời gian qua đã tạo nên "cú hích" mạnh mẽ trong việc nâng cao mức sống của người dân, góp phần đẩy lùi tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, gặt hái được nhiều kết quả tích cực về an sinh xã hội. Bình quân mỗi năm, Quảng Trạch đã giảm từ 2,5 đến 3% tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 9,21%, giảm 2,2% so với năm 2016.

Hiệp Minh





 

,