.

Chính sách ưu đãi tín dụng có thu hút được sinh viên sư phạm?

.
10:38, Thứ Tư, 30/05/2018 (GMT+7)
Theo đề án Luật Giáo dục sửa đổi, học sinh, sinh viên ngành sư phạm sẽ không được miễn học phí và được hưởng chính sách vay tín dụng sư phạm.
 
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với phóng viên VOV, các đại biểu cho rằng vấn đề đặt ra là liệu chính sách này có thu hút được những người giỏi theo nghề sư phạm, khi đồng lương giáo viên còn hạn chế.
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Theo đề án Luật giáo dục sửa đổi, học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng ưu đãi để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập; các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội.
 
Sau khi tốt nghiệp, nếu các sinh viên công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá, chính sách này phù hợp trong tình hình thị trường lao động có nhiều thay đổi như hiện nay. Tuy nhiên, việc thể chế hóa cần được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật, trong đó nếu được xóa nợ vay tín dụng thì bao nhiêu năm được xóa?
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói: “Trên thực tế, có nhiều sinh viên sư phạm được tạo điều kiện về học phí không phải đóng, nhưng khi ra trường không theo nghề sư phạm. Gói tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên sư phạm tôi nghĩ rằng phù hợp với xu hướng chung, vì khi được vay để trang trải học tập, sau đó sẽ có sự cống hiến trở lại của sinh viên khi ra trường làm việc”.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp, nêu ý kiến: chính sách miễn giảm học phí thời gian qua cho thấy nhiều bất cập. Nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Bởi, số lượng học sinh giỏi các trường phổ thông không lựa chọn ngành sư phạm nên điểm chuẩn ngành này rất thấp. Điều đó cho thấy, chính sách miễn giảm học phí không thu hút được người giỏi vào ngành.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói : “Việc chuyển sang hình thức tín dụng là một điểm mới và để gỡ bất cập này, tuy nhiên tôi nghĩ rằng, giải quyết bằng hình thức đưa chính sách tín dụng chỉ là phần ngọn, tức là chỉ giải quyết được vấn đề ngân sách nhà nước bỏ ra cho việc đào tạo sinh viên sư phạm không bị lãng phí.
Phần gốc của vấn đề là phải tạo cơ hội việc làm để những sinh viên sư phạm tốt nghiệp giỏi khi ra trường có việc làm ngay. Đây mới chính là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng những học giỏi ở phổ thông hiện nay lựa chọn để học ngành sư phạm”./.
 
Theo Minh Long-Thành Trung/VOV1
 
,