.

Đóng "bảo hiểm" bằng thóc để nhận chế độ hưu

.
11:00, Thứ Sáu, 06/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã 23 năm qua, nông dân xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy đã tự nguyện đóng “bảo hiểm” bằng thóc để nhận chế độ hưu sau này. Đặc biệt, nguồn quỹ này đã giúp cho nhiều hội viên vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Năm 1990, Đảng bộ xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy họp và ra quy chế bàn về quỹ hưu tuổi già cho hội viên nông dân. Năm 1991, quy chế đã được HĐND xã thông qua và được các đại biểu, hội viên nhất trí cao.

Đến năm 1995, trên địa bàn xã chia lại đất ruộng theo Nghị định 64 và việc thực hiện quỹ hưu cho nông dân đã được triển khai. Mục đích của quỹ là góp phần động viên tinh thần, ổn định đời sống cho gia đình, bản thân hội viên nông dân khi hết tuổi lao động; tạo vốn vay phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cho hội viên.

Quy chế này được áp dụng cho tất cả những người lao động trong xã, kể cả những người không được chia đất theo Nghị định 64 hoặc những người không tham gia làm ruộng. Theo quy chế, hội viên nông dân sẽ đóng quỹ hưu tại các chi hội mình sinh hoạt. Trung bình mỗi vụ, hội viên góp 1kg thóc/sào đối với lúa 1 vụ và 2 kg thóc/sào với lúa 2 vụ. Còn những cá nhân trong độ tuổi lao động không nhận ruộng khoán thì đóng góp mỗi năm 10kg thóc kể từ ngày thành lập quỹ đến nay.

Thời gian mới thành lập, quỹ được thu bằng thóc và cuối năm các chi hội bán thóc lấy tiền sung vào công quỹ. Từ năm 2012, quỹ này được chuyển sang thu bằng tiền mặt nhưng giá trị tương đương với giá lúa như trước đây. Quỹ hưu của nông dân sẽ ưu tiên cho các hội viên, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nếu trường hợp còn thừa thì mở rộng cho các đối tượng khác vay. Trường hợp hội viên, hợp tác xã vay phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ tính lãi suất 6,5%/ tháng với thời hạn 5 năm và vay kinh doanh có lãi suất 10% năm và thời gian vay tối thiểu là 1 năm. Trường hợp quỹ vay còn thừa sẽ được ban quản lý quỹ gửi vào ngân hàng lấy lãi để trả lương hưu, trích kinh phí cho ban quản lý hoạt động và sung vào chân quỹ.

Hiện toàn xã Xuân Thủy có 2.239 hội viên nông dân đang sinh hoạt ở 7 chi hội. Tổng diện tích đất trồng lúa toàn xã trên 511ha, trung bình mỗi hội viên có từ 2,2 đến 2,4 sào đất trồng lúa 1 vụ chính và một vụ tái sinh.

Do số hội viên đông, diện tích trồng lúa bình quân trên các hộ khá lớn, số hội viên tham gia đóng góp quỹ đạt 98% nên quỹ phát triển nhanh. Đến nay, chân quỹ hưu của hội đạt trên 3 tỷ đồng, tăng 1,2 tỷ đồng so với năm 2012. Tính từ năm 1995 đến nay, đã có trên 30 hội viên nông dân 65 tuổi đối với nam và 61 tuổi đối với nữ được nhận chế độ hưu từ quỹ này.

Ông Trương Thạnh, một người được nhận chế độ hưu ở thôn Tiền Thiệp nói: “Giờ tôi tuổi cao, sức yếu nên không làm ruộng được nữa, nhưng mỗi năm tôi cũng nhận được 50kg thóc”. Trước đó, ông Thạnh đã tham gia xây dựng quỹ hưu nông dân từ năm 1995, trung bình mỗi năm ông đóng góp khoảng 5kg thóc. Từ nguồn đóng góp của những hội viên như ông đã tạo nên nguồn quỹ lớn mạnh, giúp cho nhiều hội viên vay vốn để phát triển sản xuất.

Nguồn quỹ này do các chi hội thu và trực tiếp quản lý, cho hội viên vay. Hiện quỹ đã giải ngân khoảng 2,5 tỷ đồng cho hàng trăm hội viên nông dân, hợp tác xã và các đối tượng khác vay phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ông Hoàng Văn Viết, một hội viên nông dân ở thôn Hoàng Giang phấn khởi: “Nguồn quỹ hưu cho nông dân đã giúp gia đình tôi vay 150 triệu đồng mua máy gặt đập liên hoàn, máy cày để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con trong xã.

Từ đó, đời sống kinh tế gia đình tôi ngày càng đi lên”. Không chỉ ông Viết được vay vốn phát triển sản xuất mà hàng trăm hộ nông dân trong xã đã được hưởng lợi từ nguồn quỹ này. Người vay ít cũng vài chục triệu, người vay nhiều có thể trên cả trăm triệu đồng.

Ông Võ Chí Ngự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thủy tâm sự: “Nguồn quỹ hưu nông dân đã giúp đời sống hội viên nông dân trong xã tăng lên đáng kể. Bà con hội viên ai cũng phấn khởi tham gia xây dựng chân quỹ và được tạo điều kiện mỗi khi cần vay vốn phát triển sản xuất”.

Nhờ đó, số hộ nghèo của nông dân xã Xuân Thủy chỉ dao động từ 2,5 đến 3%. Trung bình mỗi năm, toàn xã có gần 1.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo và đạt tiêu chí nông thôn mới từ năm 2017.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cho biết: “Việc xây dựng quỹ hưu cho nông dân tại xã Xuân Thủy không những giúp nông dân có thêm thu nhập khi hết tuổi lao động mà còn huy động được nguồn vốn cho nông dân vay phát triển sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Hội Nông dân huyện đánh giá rất cao cách làm sáng tạo này và trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng đến các hội nông dân cơ sở trên toàn huyện”...

Xuân Vương






 

,