.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Nan giải trong thực hiện

.
10:45, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn luôn là mong muốn của người tiêu dùng, tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong một năm của tỉnh là 1,57kg/người/tháng (tương đương sản lượng tiêu thụ thủy sản của cả tỉnh khoảng 16.533 tấn/năm); mức tiêu thụ sản phẩm thịt trong một năm của tỉnh là 1,74kg/người/tháng (tương đương sản lượng tiêu thụ của cả tỉnh khoảng 18.326 tấn/năm).

Theo số liệu từ báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích rau của tỉnh thực hiện khoảng 4.500 – 5.000 ha/năm, năng suất bình quân đạt khoảng 9-10 tấn/ha, sản lượng 40.000 – 50.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn.

Qua đó cho thấy, nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ta rất lớn. Thế nhưng, hiện nay, ngoại trừ tại một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, người tiêu dùng rất khó để có thể truy xuất nguồn gốc của thực phẩm, nhất là đối với thực phẩm được bày bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Người tiêu dùng khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả.
Người tiêu dùng khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả.

Đó là chưa kể đến thịt lợn bán tại các vỉa hè, đường phố đầy bụi bẩn và không có chứng nhận của cơ quan chức năng. Chị Phùng Thị Luyên ở phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới) chia sẻ, do không tin vào chất lượng thực phẩm ở các chợ nên chị và hàng xóm thường chung tiền mổ lợn quê và luôn chọn mua rau ở những người quen.

Tìm hiểu thực tế tại chợ đầu mối Đồng Hới cho thấy, ngoài 1.100 hộ kinh doanh cố định, trong chợ còn nhiều tiểu thương vãng lai, lấy hàng hóa từ nhiều nguồn khác nhau. Bình quân mỗi ngày, chợ Đồng Hới tiêu thụ rất nhiều rau, củ, quả nên lực lượng chức năng gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc.

Ông Lê Chiến Trung, Trưởng ban quản lý chợ thành phố Đồng Hới cho biết, theo ước tính, có hàng trăm tấn hàng hóa được trung chuyển qua chợ Đồng Hới mỗi ngày. Các mặt hàng tại đây chủ yếu là thủy, hải sản, rau, củ, quả các loại. Nguồn lương thực, thực phẩm này được đưa về tỉnh bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân thu mua, cung ứng.

Chính vì vậy, rất khó truy xuất từ “cọng hành, mớ rau”. Theo ông Trung, hiện nay, thực phẩm an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP so với thực phẩm không rõ nguồn gốc có giá xấp xỉ bằng nhau, nên khó khuyến khích người trồng tiếp tục sản xuất, trong khi người tiêu dùng lại không thể phân biệt sản phẩm an toàn.

Bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cho biết, Luật An toàn thực phẩm cũng như Thông tư 74 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề cập tới việc, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong việc thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc xuất xứ được đề cập tại những văn bản đó khá chung chung, không cụ thể và chưa đầy đủ.

Trong khi đó, để thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đầy đủ, cần có các thông tin về quá trình canh tác sản phẩm xuất xứ từ đơn vị nào, quy trình gieo trồng ra sao, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón gì, có đúng quy định an toàn hay không, quá trình thu hoạch....

Thế nhưng, trên thực tế, những mặt hàng nông lâm, thủy sản nhập về tỉnh ta lại không có hóa đơn, chứng từ hoặc có thì cũng chỉ là hóa đơn viết tay nên không có cơ sở để xác thực, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Còn đối với những sản phẩm trong tỉnh, các cơ sở sản xuất lại nhỏ lẻ, manh mún nên càng khó kiểm soát. Bà Minh cho biết thêm, để đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn vệ sinh chất lượng nông, lâm, thủy sản, cần phải tăng cường quản lý nông, lâm, thủy, sản từ cấp xã.

Đặc biệt, đối với các thực phẩm từ nơi khác chuyển về, phải có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, như: Công thương, Công an, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm... Thời gian tới, Chi cục sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng nông, lâm, thủy sản tại các chợ.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm chỉ có thể hiện thực hóa thành công, mang lại lợi ích cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng khi có sự thay đổi từ cả hai phía, không chỉ từ các bên tham gia chuỗi sản xuất - tiêu thụ mà còn từ thói quen mua sắm thực phẩm của người tiêu dùng.

Phạm Hà

 

,