.

Nghề "săn" nhím biển

Thứ Năm, 12/02/2015, 15:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với những thực khách sành ăn, nhím biển là một đặc sản quý hiếm, có thể ví là “nhân sâm của biển”. Với nhiều người, nhím biển vẫn còn là một món ăn xa lạ, thậm chí chưa từng nghe đến... Vậy nhưng ở xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) hiện có khoảng 20 thuyền với trên 50 thợ lặn đang theo nghề “săn” nhím biển và cuộc sống đang ngày càng trở nên khấm khá…

Ăn cơm dương gian, sống đời... đáy biển

Đó là câu ví von của thợ lặn kỳ cựu Lê Hùng (sinh năm 1975), thôn Đông Phú, xã Quang Phú. Anh Hùng kể: Mùa nhím biển cũng là mùa biển ấm, nghĩa là trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch. Mùa này, tất cả thợ lặn trong làng đều xuất quân. Mỗi thuyền từ hai đến ba người, gồm một người phục vụ trên thuyền và một đến hai thợ lặn. Hành trang mang theo khá lỉnh kỉnh, gồm quần áo lặn, giày, găng tay, vợt, vòng chì, đá, máy nén ô tô được chế để dẫn khí từ thuyền chài đến thợ lặn thông qua ống dẫn... “Để trở thành thợ lặn, đặc biệt là lặn nhím, đòi hỏi kỹ năng, sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai... Chỉ cần một sơ suất nhỏ, thợ lặn sẽ phải đối mặt với vô số hiểm nguy”, anh Hùng tâm sự.

Đặc sản nhím biển nướng mỡ hành.
Đặc sản nhím biển nướng mỡ hành.

Nhím biển là loài sống trong các rặng đá dưới lòng biển. Ở tỉnh ta, nhím sống thành đàn tập trung chủ yếu vùng biển Quang Phú, Nhân Trạch và kéo dài ra tận Lý Hòa. Một số thực khách cho rằng, nhím biển Quảng Bình chắc và có vị đặc trưng riêng so với các nơi khác và nếu đã được thưởng thức một lần thì khó có thể quên vị ngọt ngon, béo ngậy của nhím biển Quảng Bình.

Mỗi sớm mai dong thuyền ra biển, chạy khoảng vài tiếng đồng hồ sẽ đến vùng biển có độ sâu từ 6 đến 15m. Lúc này thợ lặn sẽ bắt đầu công việc của mình. Mặc đồ lặn, mang găng tay, giày vải, đeo vòng chì nặng tầm 10kg, ôm thêm một hòn đá 10kg nữa cùng ống thở, giỏ, dây... họ lao mình xuống biển. Đáy biển là một thế giới tuyệt đẹp, nhất là nơi loài nhím biển sinh sống. Mùa biển lặng, nước trong veo và ấm, nhím sống thành từng đàn tại các rặng đá. Đường kính mỗi con khoảng trên dưới 20cm với lông nhím tua tủa bao quanh. Để tìm nhím, thợ lặn lướt nhanh dưới đáy biển giống như chạy trên đất liền. Khi phát hiện ra đàn nhím, họ dùng tay lùa nhím vào giỏ. Giỏ đầy thì giật dây ra hiệu cho người trên thuyền kéo lên. Cứ như thế, những ngày đẹp trời, thợ lặn có thể ở dưới nước từ 5 - 7 tiếng, chỉ khi đói hoặc đã bắt được nhiều nhím, họ mới lên thuyền. Thông thường trước khi đi biển, thợ lặn mang theo cả cơm trưa, ăn xong lại tiếp tục trở lại đáy biển, nên mới gọi đùa nhau thợ lặn nhím là những người ăn cơm dương gian, sống đời... đáy biển.

Vào mùa biển ấm, bình quân thợ lặn nhím sống dưới đáy biển tầm 5 - 7, thậm chí 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Những ngày may mắn, một thuyền có thể bắt được 700 - 1.000 con. Bình quân mỗi con chưa sơ chế giá khoảng 5 nghìn đồng, mỗi thuyền lặn có thể thu về khoảng 5 triệu đồng/ngày. Đây là con số hấp dẫn với nhiều ngư dân dù nghề này thường đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Nghề nguy hiểm

“Nhân sâm của biển”

Nhiều tài liệu, bài báo đã gọi nhím biển là “nhân sâm của biển”. Theo nhiều nghiên cứu thì nhím biển là món ăn bổ dưỡng cho các quý ông. Đối với trẻ nhỏ, đây là món ăn tăng cường can xi cho cơ thể, với người già là đạm và nhiều dinh dưỡng quan trọng khác. Thế nên nhím biển là món ăn mà người sành ăn không thể nào bỏ qua.

Nhím biển được chế biến khá đơn giản như nấu súp, nướng mọi, nướng mỡ hành, ăn gỏi...

Quang Phú là làng biển, nhiều thanh niên trai tráng trong làng đều theo nghề biển nhưng để trở thành thợ lặn thì không phải ai cũng có thể làm được. Không chỉ lặn nhím, họ còn lặn tôm hùm, cá mú, những loài hải sản quý đã trở thành thương hiệu mạnh của Quảng Bình. Anh Hùng kể: “Tập bơi và thành dân chài vô cùng đơn giản, nhưng muốn làm thợ lặn thì phải học, nhưng có người học mãi cũng không thành, có người còn bỏ mạng vì trục trặc trong quá trình cung cấp khí thở, vì chui vào hang đá và bị sập, hoặc bị thương vì không chịu được áp lực của nước dưới đáy biển...”.

Sau 25 năm gắn bó với nghề, anh nhận mình chỉ là một thợ lặn bình thường, sản phẩm mang lại đủ để gia đình có cuộc sống ổn định. “Nhưng cứ gắn bó với nghề thì nghề không phụ. Trước đây vợ chồng tôi từng đi lao động xuất khẩu những mong đổi đời, nhưng cuối cùng cũng không ăn thua. Thế là lại quay về với biển. Em trai tôi là Lê Hiền (sinh năm 1982) cũng từng đi làm ăn ở Đức, Anh, sau bao thăng trầm giờ quyết tâm làm thợ “săn” nhím biển, tôm hùm, cá mú. Nhà nó ở ngay cạnh bờ biển, nhờ biển mà khấm khá lên nhiều và ổn định hơn khi đi làm ăn ở nước ngoài", anh Hùng cho biết thêm.

Ngoài những nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, thợ “săn” nhím biển còn bị cá chình cắn, gai nhím đâm vào tay, đạp phải đá sắc rách giày và đứt chân... “Có lần anh ấy bị ngã, bàn chân đạp trúng một con nhím, may là dù nó rất khó gỡ ra, nhưng không gây nguy hiểm, chỉ bị đau thôi”, chị Lê Thị Thu Huyền, vợ anh Hùng góp chuyện.

Giàu nhờ “săn” nhím biển

Về Quang Phú, địa phương cán đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh ta, có thể thấy rõ sự khởi sắc từng ngày. Và trong dáng vẻ hiện đại, sang trọng của xã biển, có sự đóng góp quan trọng của những ngư dân nơi đây, trong đó có những thợ “săn” nhím biển lành nghề.

Ngôi nhà khang trang của Lê Hiền là thành quả của nghề “săn” nhím biển.
Ngôi nhà khang trang của Lê Hiền là thành quả của nghề “săn” nhím biển.

Ngôi nhà của Lê Hiền, tọa lạc gần bờ biển. Đó là ngôi nhà hai tầng khang trang mang dáng dấp một biệt thự, trong nhà là những vật dụng đắt tiền. Chủ nhân của nó, từng nuôi giấc mơ bôn ba làm ăn ở trời Tây. Sau giấc mộng dài, anh đã nhận ra biển quê hương chính là mảnh đất màu mỡ để anh và những ngư dân khác làm giàu. Cũng như em trai mình, Lê Hùng và vợ từng đi Malaysia, Đài Loan làm ăn, cuối cùng lại quay về với nghề cũ. “Dù vất vả nhưng biển không phụ công người. Không giàu có như ai nhưng chúng tôi cũng có cuộc sống ổn định. Và mỗi ngày đều được thưởng thức món ngon do dự tay mình làm ra, còn gì thú bằng?”, anh Hùng cười vang tâm sự.

Những gương mặt thợ lặn nổi tiếng, có cuộc sống khá giả từ biển có thể kể đến là anh Cước (thôn Tây Phú), anh Trung, anh Lãm (Bắc Phú), anh Ngọc (Đông Phú)... Nhờ biển, họ đều có cuộc sống ổn định, nhà cửa khang trang.

Thợ lặn gần như nghỉ hết cả mùa đông, chỉ thi thoảng ngày biển lặng nhớ biển thì lên thuyền đi quăng lưới. Nhưng đến những ngày giáp Tết, họ sẽ đi lặn chuyến cuối cùng của năm, dù có thể lúc ấy, biển vẫn lạnh giá như bây giờ. Lặn biển ngày trời lạnh, mối hiểm nguy tăng lên gấp nhiều lần, nhưng đó là dịp quan trọng bởi sau nhiều tháng thợ lặn nghỉ ngơi, nhím và các loài khác như tôm hùm, cá mú đã tiếp tục sinh sôi rất nhiều...

Nội Hà