Thơm nồng bánh đúc

Cập nhật lúc 16:18, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Một chiếc xe đẩy chậm rãi đi qua bao mùa nắng, bấy nhiêu mùa mưa, chở bao ước vọng của người mẹ đơn thân về miếng cơm, manh áo cho những đứa con thơ. Và trên chiếc xe cũng đang chất chứa ân tình của món quà quê mà suốt 35 năm nay, người phụ nữ ấy vẫn một lòng gìn giữ. 
 
Sáng tháng 5, nắng và gió lào rát rạt mặt người. Tưởng người ta chỉ nhâm nhi món bánh đúc ấy trong những ngày đông giá lạnh, vậy mà dù ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông giá hay mùa hè nóng nực, bánh đúc của bà vẫn là món ăn thường xuyên và da diết nhớ mỗi khi nghĩ về. “Bánh đúc mệ Đông” đã trở thành “thương hiệu” trong lòng bao người bởi cái vị ngọt mát, thơm nồng và bởi cái tình người gửi gắm trong mỗi mẻ bánh của người mẹ nghèo.
Xe bánh đúc của bà cứ thế vơi dần nhưng hoài niệm ký ức của nhiều người sẽ đong đầy theo vị thơm nồng của “bánh đúc mệ Đông”.
Xe bánh đúc của bà cứ thế vơi dần nhưng hoài niệm ký ức của nhiều người sẽ đong đầy theo vị thơm nồng của “bánh đúc mệ Đông”.
Bà Đông tên đầy đủ là Phạm Thị Đông, 60 tuổi, ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Tuổi thơ của bà gắn với món bánh đúc gia truyền, vậy nên, đến tuổi trưởng thành, người phụ nữ ấy lại nối nghiệp mẹ, quyết định sống đời với nghề làm bánh đúc truyền thống.
 
Bánh đúc của mẹ đã nuôi bà khôn lớn và cũng là ngón nghề nuôi trọn gia đình bà cho đến tận bây giờ. Con cái trưởng thành rồi học hành đến nơi đến chốn cũng từ cái món ăn ngọt mát tình mẹ ấy. 25 tuổi, bà nối nghiệp mẹ, ngày ngày cần mẫn bên cái bếp than quấy bột, rồi lặn lội hết đường làng, ngõ xóm để bán buôn. 35 năm, từ cái ngày hàng bánh trên đôi quang gánh của bà kĩu kịt nặng trĩu quẹt xuống đường nhựa nóng ran của trời mùa hạ, đến nay, đã "chễm chệ" trên chiếc xe đẩy bằng nhôm, thì “bánh đúc mệ Đông” vẫn vẹn nguyên hương vị thuở nào. Đĩa bánh đúc có màu trắng đục đặc trưng của bột gạo được quấy chín, có vị thơm thơm của lá mùi, vị ngọt bùi của đậu phụng, vị béo ngậy của mỡ hành. Cắn một miếng bánh vừa có chút dòn dòn, vừa cảm thấy cả một trời ngọt mát, êm dịu.
 
Thơm nồng bánh đúc
Bánh đúc mệ Đông
Ăn “bánh đúc mệ Đông” chợt nhớ da diết từng câu, từng chữ trong “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng khi viết về món bánh đúc Hà Thành: “Ăn đến đâu, mát rời rợi đi đến đấy - nhưng đó không phải thứ mát ác nghiệt của thịt bò khô ăn với đu đủ thái nhỏ trộn với lạp chín chương, mà là một thứ mát dịu dàng, thơm tho, bát ngát như hít cả hương thơm của một vườn rau xanh ở thôn quê vào lòng… Cái mát đó thực quả là một cái mát Đông phương, thâm trầm và hiền lành, chứ không rực rỡ hay kêu gào ầm ĩ”.
 
Bà Đông bảo, bánh đúc đa phần có hương vị, cách chế biến giống nhau, nhưng bánh đúc Lệ Thủy có đặc trưng riêng, có lẽ bởi hạt  gạo của nơi đây đã mang trong mình một hương sắc khó lẫn. "Bánh đúc mệ Đông” thấm vị mặn mồ hôi của người nông dân trên cánh đồng “hai huyện”, đẫm thao thức của người phụ nữ lặn lội thân cò những ngày côi cút nuôi con một mình.
 
“3 giờ sáng đã thức dậy, quấy bột làm bánh. Rồi cứ rứa làm cho đến 8, 9 giờ đẩy xe đi bán. Ngày mô cũng như ngày nấy, chỉ những khi đau ốm không đi được mới phải ở nhà”, bà Đông chân chất trải lòng.
 
Nghề này không khó, nhưng để giữ cái hương vị, hồn cốt và neo lại trong lòng thực khách mấy chục năm qua quả không hề là việc dễ dàng. Để bánh vừa có vị thơm, vừa đủ độ dòn, người làm bánh phải có bí quyết riêng.
 
“Gạo đem ngâm 3 giờ trước khi cho vào xay. Ngày xưa, xay bằng cối đá nên vất vả, nay xay bằng máy rất  tiện. Bột gạo đem ngâm với một ít nước vôi trong để có độ dòn sần sật vừa phải, vừa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người ăn. Cái khó là khi quấy bột trên bếp than phải đều tay, chỉ một chút lơ là là bột dính xoong, mất đi cái hương vị vốn có của bánh. Rứa nên làm bánh đúc là tập cái tính kiên trì, chịu khó", bà Đông cười móm mém, đôi bàn tay rám nắng vẫn đều đặn từng vòng xoay với cây đũa bếp. Nồi  nước bột trắng trong cứ đậm dần theo nhịp tay bà và tỏa hương cùng khói bếp.
 
Công đoạn quấy bánh đã vất vả, thì đến lúc bánh nguội, cắt từng miếng nhỏ vừa ăn cho vào thúng càng kỳ công không kém. Đôi bàn tay sần sùi miết trên từng khuôn bánh màu trắng đục gợi ra cả những triết lý nhân sinh mà phải ăn từng miếng bánh, ngấm từng vị bánh ngọt bùi mới thấm thía, mới thấu cảm được. Đôi bàn tay của một đời người vất vả, dẫu cực nhọc vẫn thủy chung với ngón nghề truyền thống mà như bà bảo, ngay cả khi cuộc sống có bớt đi những đói khổ thì bà vẫn chưa một ngày nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Vậy nên, không khó hiểu khi người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện bỏ chút hàn the – chất cấm trong thực phẩm - vào bánh cho có độ dòn khó cưỡng thì bà vẫn giữ cho mình bí quyết riêng. Người phụ nữ chân chất ấy không cho phép mình làm điều trái với lương tâm và nhất là niềm tự hào với nghề gia truyền không cho phép bà làm điều đó.
Công đoạn cắt từng miếng nhỏ vừa ăn cho vào thúng khá kỳ công.
Công đoạn cắt từng miếng nhỏ vừa ăn cho vào thúng khá kỳ công.
Nên cũng dễ hiểu khi 35 năm qua, “bánh đúc mệ Đông” vẫn neo lại trong lòng bao thực khách ở cái xóm chợ trung tâm huyện Lệ Thủy này. Mỗi ngày, người ta lại trông chờ cái bóng dáng còm cõi của người phụ nữ với đôi quang gánh kĩu kịt và giờ là chiếc xe đẩy đẩy đưa qua bao mùa mưa nắng. 35 năm nay vẫn vậy, bà vẫn đứng ở góc ngã tư chợ Tréo, đón đưa từng đợt khách bằng cái món bánh mà ăn một lần là rưng rức nhớ mãi. Người trẻ, người già ăn bánh đúc của bà không đơn thuần là miếng ăn đằm bụng mỗi ngày, mà nhiều người đến tìm gánh hàng của bà, chỉ bởi họ muốn tìm về ký ức ngày xưa của mình. Ký ức của những ngày Lệ Thủy mưa lũ trắng trời, những người mẹ nghèo lại quấy xoong bánh đúc cho con thơ đi qua những ngày mưa lũ đói khổ. Và còn đó, kỷ niệm của những ngày theo chân mẹ ra chợ chỉ để ăn một chút quà bánh ngọt lành vị quê. Một miếng bánh ngọt mát mà gợi cả một trời ký ức rưng rưng là vậy! 
 
Trời tháng 5 nóng hừng hực. Nắng tràn trên khuôn mặt khắc khổ và neo lại trên nét cười của người phụ nữ đã quá lục tuần. Bà vẫn đứng đó, đón đưa từng đoàn khách qua lại và xe bánh đúc của bà cứ thế vơi dần nhưng hoài niệm ký ức của nhiều người hẳn sẽ đong đầy theo vị thơm nồng của “bánh đúc mệ Đông”. Và hẳn nhiên, người phụ nữ với món bánh quê quen thuộc tựa như nốt lặng níu chân bao người đang vội vã giữa cái tập nập, xồ bồ của cuộc sống đua chen.
 
Diệu Hương
,
.
.
.