.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính

Thứ Ba, 26/12/2017, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2017, tỉnh ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, năng lực và chỉ số CCHC của tỉnh từng bước được nâng lên...

Năm 2017, UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các công văn chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm đến công tác CCHC. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ra quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Bình, cấp kinh phí cho hoạt động chỉ đạo, điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC.

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của kế hoạch CCHC năm 2017, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời tiếp nhận, xử lý những kiến nghị khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong năm 2017, Sở Nội vụ đã phối hợp với UBND các huyện: Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Trạch tổ chức 3 lớp tập huấn về quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho 230 cán bộ, công chức và lãnh đạo phụ trách tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông cấp huyện. Dự án “Dân chấm điểm” sau một thời gian triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả khảo sát của dự án cho thấy, mức điểm trung bình của cả ba chỉ số đạt từ 8.6 đến 9.2 điểm.

Chung kết hội thi tuyên truyền CCHC tỉnh năm 2017.
Chung kết hội thi tuyên truyền CCHC tỉnh năm 2017.

Qua triển khai dự án, chất lượng dịch vụ công của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp huyện được nâng lên, thái độ phục vụ và năng lực của cán bộ, công chức được cải thiện. Công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh.

Tính đến tháng 12-2017, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình đã thực hiện 12 chuyên mục, Báo Quảng Bình thực hiện trên 30 tin, bài, với các nội dung tuyên truyền về CCHC. Công tác tuyên truyền về CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên được đổi mới về hình thức nên hiệu quả ngày càng nâng cao...

Trong xây dựng, ban hành và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp thẩm định, góp ý 106 dự thảo văn bản QPPL, ban hành 44 quyết định trên các lĩnh vực gồm: xây dựng, tài chính, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp, y tế, văn hóa, lao động-thương binh và xã hội, giáo dục, tài nguyên và môi trường...; HĐND tỉnh đã ban hành 12 nghị quyết QPPL vào kỳ họp thường lệ giữa năm 2017 và 9 nghị quyết QPPL vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2017.

Sở Tư pháp giúp các đơn vị tự kiểm tra 55 văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. Tại cấp huyện, các đơn vị tự kiểm tra 81 văn bản QPPL. Qua kiểm tra theo thẩm quyền, đã phát hiện 17 văn bản của một số địa phương ban hành có nội dung và thể thức, kỹ thuật trình bày chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực hiện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh đã có Quyết định số 4076/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 về ban hành kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC tỉnh Quảng Bình năm 2017 với các nhóm nhiệm vụ chủ yếu, như: tăng cường kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, chỉ đạo rút ngắn 10% thời gian giải quyết TTHC so với thời hạn được pháp luật quy định; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19- 10- 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích... Trong năm, UBND tỉnh đã ban hành 101 quyết định công bố 1.195 TTHC. Tính đến nay, tổng số TTHC được công bố đang có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh là 1.902 TTHC.

Công tác cải cách tài chính công đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay đã có 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP; 119/119 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thực hiện ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý chi tiêu theo quy định; tiết kiệm chi và tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức với mức thấp nhất từ 260.000 đồng/tháng, bình quân chung cho các đơn vị 380.000 đồng/tháng.

Nhờ sự quan tâm của tỉnh, đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, 100% các đơn vị đã có hệ thống mạng nội bộ; 98% cán bộ, công chức ở các sở, ban, ngành, địa phương được trang bị máy vi tính; 98% sở, ban, ngành, địa phương đã được kết nối mạng TSLCD; 100% sở, ban, ngành, địa phương đã kết nối đường truyền Internet tốc độ cao. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được nâng cấp với dung lượng lưu trữ hệ thống lớn nên khả năng xử lý sự cố và khả năng sao lưu và phục hồi dữ liệu linh hoạt.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình đã được xây dựng và tích hợp, liên thông với 35 trang thông tin của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Cổng thông tin đã cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, đăng tải các văn bản QPPL do tỉnh ban hành đã đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; cung cấp trên 2.400 dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm cung cấp đầy đủ biểu mẫu cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện tại, tỉnh đang duy trì hoạt động bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 157/159 xã, phường, thị trấn. Riêng xã Bảo Ninh và phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) duy trì hoạt động bộ phận một cửa liên thông hiện đại.

Có 7/8 đơn vị cấp huyện thực hiện một cửa liên thông hiện đại và 15/21 sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa. Việc tiếp nhận và trả kết quả một cửa, một cửa liên thông đã được quan tâm nên số hồ sơ tồn đọng, hồ sơ quá hạn giảm. Một số huyện như: Tuyên Hóa, Lệ Thủy đã triển khai phần mềm một cửa trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai về tận bộ phận một cửa của UBND cấp xã và liên thông với UBND cấp huyện.

Đến ngày 30-11-2017, toàn tỉnh tiếp nhận 1.800.000 hồ sơ TTHC, trong đó tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn chiếm 98,8% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn chiếm 0,6%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn chỉ chiếm 0,6%. Sự nhũng nhiễu, hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC của các cấp đã được khắc phục...

Nhìn chung, công tác chỉ đạo điều hành CCHC tại tỉnh ta thời gian qua ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm. Trong đó, vai trò của người đứng đầu được đề cao khi nhiều đơn vị phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo hoạt động CCHC. Cơ chế, chính sách về CCHC đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh đã đi vào nền nếp.

Chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại các cấp ngày càng được nâng cao với việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Cải cách TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các công việc của công dân và tổ chức, góp phần công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước...

Xuân Vương