.
Minh Hóa:

Nhìn lại công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ Ba, 19/12/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia học nghề. Qua đó, nhiều lao động nông thôn đã thấy được tầm quan trọng của việc học nghề, chuyển đổi nghề phù hợp với điều kiện địa phương và gia đình, sử dụng kiến thức đã được đào tạo để bắt tay vào lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Sau khi Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện giao trách nhiệm cho Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tổ chức tuyên truyền đầy đủ các nội dung của chỉ thị.

UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề, các tổ chức chính trị xã hội tư vấn, vận động nhân dân tham gia học nghề, tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm, thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại và tham gia giám sát tình hình thực hiện.

Công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được chính xác, đầy đủ những nội dung của các chính sách cũng như vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trình độ tay nghề cho lao động được nâng cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động trên địa bàn.

Các học viên học nghề nấu ăn tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa.
Các học viên học nghề nấu ăn tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa.

Với sự nỗ lực đó, trong 5 năm qua, nhu cầu đăng ký học nghề của lao động trên địa bàn tăng cao, nguồn kinh phí đào tạo được sử dụng hiệu quả. Các ngành nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động. Phần lớn lao động sau khi đào tạo, nhất là lao động nghề nông, lâm nghiệp, đã vận dụng kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế tăng.

Ông Cao Đình Dũng, Tổ trưởng tổ dạy nghề-tư vấn việc làm, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa cho biết: “Trước đây, người dân trong huyện chủ yếu sống dựa vào nghề nông, quen thuộc với lối canh tác truyền thống, thiếu kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao.

Những năm gần đây, nhiều người đã được đào tạo nghề, áp dụng tốt kiến thức đã học vào sản xuất nên sống được bằng nghề mới với mức thu nhập khá cao. Những nghề được lao động theo học nhiều, như: trồng rau sạch, kinh doanh hàng hóa, mở quán phục vụ ăn uống, đan lát, may mặc, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...”.

Tính từ năm 2012 đến 2017, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa đã mở được 42 lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho 1.434 học viên. Trong đó, 811 người theo học nghề nông nghiệp và 623 người học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt trên 70%.

Anh Đinh Quang Trung, một người dân ở xã Xuân Hóa cho hay: “Nhờ được học nghề thú y tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện, nên tôi đã tập trung phát triển chăn nuôi. Từ kiến thức đã học, tôi đã vận dụng vào việc chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho gà, lợn, chim trĩ”. Đến nay, mô hình kinh tế của anh Trung đã có tổng diện tích 3,35 ha, chủ yếu nuôi lợn thịt, lợn nái, cá, chim trĩ, gà thịt... Dù chăn nuôi nhiều loại, nhưng vật nuôi của anh rất ít xảy ra dịch bệnh. Với mô hình này, mỗi năm, anh Trung thu lãi 240 triệu đồng.

Hiện, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện có tổng diện tích 4,64 ha. Nhiều hạng mục cơ bản đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề luôn được huyện quan tâm. Trung tâm hiện có 1 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 6 giáo viên có trình độ đại học, 1 giáo viên trình độ trung cấp nghề. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trung tâm còn hợp đồng thính giảng với 7 giáo viên theo thời vụ. Những giáo viên thính giảng đều có kinh nghiệm giảng dạy và có chứng chỉ sư phạm nghề.

Bên cạnh đó, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn rà soát các nghề phù hợp với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã; khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để định hướng nghề, hỗ trợ việc đào tạo nghề cho bà con.

Cụ thể, người khuyết tật tham gia học nghề sẽ được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học. Người thuộc hội đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hoặc thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.

Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm... được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Ngoài ra, nhiều đối tượng tham gia học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Minh Hoá vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Nguồn lực lao động nông thôn trên địa bàn dồi dào, nhưng tỷ lệ tham gia học nghề chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều người dân trong độ tuổi lao động chưa xem việc học nghề là điều kiện để giải quyết việc làm tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các chính sách học nghề cho lao động ở một số xã còn hạn chế. Hệ thống thông tin truyền thông chưa đáp ứng đầy đủ tận các thôn, bản nên người lao động khó tiếp cận các thông tin, lợi ích các chính sách về lao động và giải quyết việc làm.

Các cơ chế chính sách về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn chưa phù hợp, chưa khuyến khích người dạy và người học, định mức chi phí hỗ trợ đào tạo còn thấp. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề từ nguồn ngân sách tỉnh cho các cơ sở dạy nghề hạn chế nên việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề còn gặp khó khăn. Và đặc biệt là chưa có chính sách cụ thể nhằm tạo việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề...

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề; đồng thời, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm lựa chọn các nghề phù hợp để đào tạo. Công tác đào tạo nghề cần phải xem xét đến nhu cầu xã hội, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm.

Trong quá trình đào tạo, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nắm bắt thị trường, nhu cầu lao động ở nước ngoài để đào tạo nghề phù hợp. Qua đó, huyện sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tay nghề, giúp họ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống...".

Xuân Vương