.

Minh Hóa: Để nông dân thoát nghèo bền vững

Thứ Năm, 21/12/2017, 15:56 [GMT+7]
(QBĐT) - Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, cụ thể là các chương trình hỗ trợ “Giảm nghèo bền vững” của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, nhiều hộ nông dân nghèo ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa đã vươn lên thoát nghèo bền vững...
 
Nông dân huyện Minh Hóa chiếm 83,17% lực lượng lao động toàn huyện. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; bản thân người nông dân thiếu vốn sản xuất, thiếu sức lao động... đã làm cho tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Minh Hóa nói chung và trong đối tượng nông dân nói riêng luôn ở mức cao. 
 
Nhằm đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cho nông dân Minh Hóa, trong những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng đã có những hỗ trợ rất thiết thực giúp các hộ nông dân nghèo ở huyện Minh Hóa vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Minh Hóa cho biết, ngoài những chính sách chung của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, ngành LĐ-TB-XH huyện Minh Hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn có những chương trình hỗ trợ cụ thể bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó, giúp các hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

 Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đang phát triển tốt ở Minh Hóa, hứa hẹn là một trong những cây trồng giúp người nông dân tăng thu nhập.
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ đang phát triển tốt ở Minh Hóa, hứa hẹn là một trong những cây trồng giúp người nông dân tăng thu nhập.
Những năm trước đây, gia đình ông Đinh Thông ở thôn Roong, xã Hồng Hóa (Minh Hóa) luôn trong vòng vây đói nghèo do đông con, thiếu vốn và kỹ thuật sản xuất. Năm 2015, gia đình ông Thông được Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa đầu tư (bằng nguồn vốn giảm nghèo bền vững của ngành LĐ-TB-XH hỗ trợ -PV) thực hiện mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trên 200m2 ao cá của gia đình. Tham gia mô hình, ông Thông được hỗ trợ vốn để cải tạo ao, mua giống cá và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá diêu hồng. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian thả nuôi, ao cá diêu hồng của ông Thông đã cho thu hoạch với nguồn thu nhập khá, ổn định. "Nhiều năm qua, gia đình tôi loay hoay không biết cách gì để thoát khỏi cái nghèo ở vùng đất cằn cỗi này. Mấy năm trước, tôi nhờ anh em, bạn bè đào được cái ao cá, nhưng do không có kỹ thuật nên thả cá không lớn, thu hoạch không được bao nhiêu. Năm 2015, nhờ được Phòng LĐ-TB-XH và Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ giống cá diêu hồng và tư vấn kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, đến bây giờ, nhờ nuôi cá và chăn nuôi, trồng trọt thêm các giống cây con khác, gia đình tôi đã có “của ăn, của để”, đã thoát được cảnh đói nghèo đeo đẳng bao năm qua”, ông Thông phấn khởi chia sẻ.
 
Cũng từ nguồn vốn “Giảm nghèo bền vững” và nhờ sự giúp đỡ của Phòng LĐ-TB-XH và Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa, gia đình ông Đinh Thanh Lam ở thôn Sy, xã Hóa Phúc đã xóa nghèo thành công, con cái ông Lam đã có điều kiện đến trường. Đón chúng tôi đến thăm, ông Lam tâm sự: “Nhờ có Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa hỗ trợ đầu tư vốn và kỹ thuật cho tôi cải tạo vườn tạp để trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao mà bây giờ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, tôi còn được mời tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt khác, từ đó bản thân có thêm nhiều kiến thức, kỹ thuật để đầu tư nuôi gà, heo, trồng rừng... Bây giờ gia đình tôi đã không còn phải lo đói vào những ngày giáp hạt như trước đây, vừa rồi thôn bình xét hộ nghèo, tôi cũng đã mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo rồi” - ông Lam tâm sự. 
 Mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm do Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa đầu tư bước đầu đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm do Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa đầu tư bước đầu đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Năm 2015, cũng bằng nguồn vốn từ chương trình “Giảm nghèo bền vững” của Sở LĐ-TB-XH cấp, Phòng LĐ-TB-XH đã phối hợp với Trạm Khuyến nông Minh Hóa đưa mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm tại các xã Trung Hóa, Hóa Hợp, Hóa Phúc...Thanh long ruột đỏ có tên khoa học là Hylocereus, là trái cây thơm ngon có tác dụng ngừa lão hóa, chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát và phòng chống bệnh tiểu đường, đẹp da, trị mụn trứng cá..., được ưa chuộng trên thị trường trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Là giống cây dài ngày (15-18 năm) đầu tư một lần, nhưng thanh long cho thu hoạch nhiều năm, nhanh thu hồi vốn, đầu ra sản phẩm ổn định. Loại cây này có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm và được trồng nhiều tại một số tỉnh, như: Bình Thuận, Tây Ninh, Nghệ An... Tuy nhiên, với người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo ở huyện Minh Hóa, loài cây trồng này vẫn còn khá mới mẻ.
 
Sau khi khảo sát, đánh giá điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu..., Phòng LĐ-TB-XH phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa mạnh dạn đưa vào thực hiện mô trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đồi ở các xã miền núi rẻo cao này. Ông Cao Quang Bắc, một trong những hộ gia đình đầu tiên được đầu tư thực hiện mô hình cho biết, nhờ được đầu tư vốn và tận tình hướng dẫn kỹ thuật, nên mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình ông phát triển tốt, cho thu nhập khá so với nhiều loại cây trồng khác trước đây, góp phần giúp gia đình ông Bắc thoát khỏi hộ nghèo.
 
Ông Đinh Sỹ Hoạt, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Minh Hóa cho biết, sau thành công bước đầu của mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của hộ gia đình ông Bắc và những hộ gia đình khác trong chương trình, hiện Trạm Khuyến nông huyện đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân Minh Hóa, đặc biệt là các hộ nghèo, nhân rộng mô hình, phát triển cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất gò đồi của huyện, coi đây là một loại cây trồng có thể mang lại thu nhập cao, giúp người nông dân nơi đây có thể thoát nghèo bền vững.
 
Người nông dân Minh Hóa với bản chất cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, nếu có sự hỗ trợ tốt về vốn, kỹ thuật sản xuất... tin chắc rằng, trong tương lai gần sẽ có nhiều gương điển hình vượt khó thoát nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương mà họ đã gắn bó bao đời nay.
 
Phan Phương