.

Không cam chịu đói nghèo

Thứ Bảy, 16/12/2017, 16:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch phát động trong những năm qua đã phát huy được tinh thần cần cù, chịu khó học tập của chị em phụ nữ. Một trong những tấm gương tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Lành, ở thôn 10, xã Lý Trạch. Không chỉ nỗ lực xây dựng kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo, chị còn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, địa phương.  

Chị Nguyễn Thị Lành sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Nam Trạch (Bố Trạch). Mười lăm tuổi tròn, chị tham gia thanh niên xung phong rồi tiếp tục vào bộ đội tại Đoàn 186. Cuối năm 1979, chị trở về địa phương và lập gia đình. Nhưng khi con trai đầu lòng chưa đầy 5 tuổi, chồng chị ngã bệnh rồi đột ngột qua đời. Lâu sau đó, chị đi bước nữa với người đàn ông góa vợ ở thôn 3, xã Lý Trạch. Những ngày đầu cuộc sống của vợ chồng rất khó khăn, vất vả. Gia tài của cả nhà hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài 6 đứa con cả chung, cả riêng san sát tuổi nhau, trong đó, đứa con trai đầu của chị lại mặc bệnh thần kinh. Lăn lộn với đủ nghề để kiếm sống, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn bữa no, bữa đói. Bất hạnh lại giáng xuống gia đình chị lần nữa khi người chồng thứ hai cũng bị bệnh kinh niên và mất trong năm 2007. Bao nỗi vất vả, khổ cực lại đổ lên đôi vai gầy bé nhỏ của chị.

Chị Lành ứa nước mắt nhớ lại khoảng thời gian hơn 10 năm trước: “Sau khi chồng mất, một mình tôi nuôi cả đàn con đang tuổi ăn, tuổi học, nên gia đình bấy giờ nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Không có đồng vốn trong tay, nên ngày nào tôi phải quần quật từ sáng đến tối với đủ nghề, nào là trồng rau, buôn sắn, bán cá, làm thuê, bốc thuốc nam..., nhưng cuộc sống đói nghèo vẫn đeo đẳng, không buông tha...”.

Sau 10 năm nỗ lực phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Lành đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.
Sau 10 năm nỗ lực phát triển kinh tế, gia đình chị Nguyễn Thị Lành đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Chị Lê Thị Hoài Thu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 10, xã Lý Trạch cho hay, trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Lành, Hội Phụ nữ xã Lý Trạch và Chi hội phụ nữ thôn 10 đã mạnh dạn tạo điều kiện cho chị mượn 5 triệu đồng không lãi suất từ nguồn quỹ tiết kiệm của hội viên phụ nữ để hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế.

Nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng có được cuộc sống ổn định nhờ vào chăn nuôi, chị Lành đã đầu tư nuôi lợn thịt. Sau một vụ nuôi đầu tiên, chị trả được hết tiền vốn cho chi hội. Thấy chị chăm lo làm ăn, các cấp Hội Phụ nữ lại tiếp tục cho chị vay không lãi suất số tiền 10 triệu đồng. Có nguồn vốn trong tay, cùng với số tiền tích góp, chị quyết tâm thực hiện chăn nuôi bò sinh sản.

Những ngày đầu trên con đường phát triển kinh tế, gặp không biết bao nhiêu gian truân, vất vả..., nhưng chị đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm các hộ gia đình nuôi lâu năm và sự hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Cách nuôi bò sinh sản của chị Lành là tìm chọn mua bò cái dưới 10 tháng tuổi, nuôi thời gian khoảng 5-6 tháng bò sinh được một bê con có trị giá khoảng 10-12 triệu đồng. Qua một thời gian chăm sóc, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, mô hình của gia đình đã đem lại kết quả đáng mừng. Từ một bò cái ban đầu, trong 4 năm, chị đã phát triển thêm 3 chú bê con và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, năm 2012, được “tiếp sức” từ nguồn vốn ưu đãi xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị được vay 10 triệu đồng để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp. Vì vậy, ngoài trồng cỏ voi chăn nuôi 3 con bò sinh sản, chị còn xoay xở phát triển nhiều nghề để “lấy ngắn nuôi dài” và cải thiện thêm cuộc sống gia đình. Cụ thể, chị đầu tư chuồng trại nuôi khoảng 20 con gà thả vườn,  nuôi lợn thịt, trồng 2.000 cây tràm; ươm trồng các loại hoa, như: cúc các loại, ly, lay ơn, trên diện tích 2.500m2 với 3 vụ/năm; bốc thuốc nam chữa bệnh...

Theo chị Lành muốn phát triển chăn nuôi không bị thất thu, ngoài học hỏi kinh nghiệm thì cần phải chăn nuôi cùng một lúc nhiều loại khác nhau, đề phòng khi giá cả bấp bênh hoặc dịch bệnh xảy ra, tránh bị thất thu lớn.

Với bản chất chăm chỉ, cần cù, chịu thương, chịu khó, nên sản xuất có được lợi nhuận, chị dành dụm trả hết số tiền đã mượn của các cấp Hội Phụ nữ, đồng thời tiết kiệm để trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Bằng cách tích lũy như vậy, đến cuối năm 2016, gia đình chị Nguyễn Thị Lành chính thức thoát nghèo và hiện đã có thu nhập ổn định từ 140-160 triệu đồng/năm. Các con của chị cũng đã lần lượt được dựng vợ gả chồng, gây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố và đầy đủ tiện nghi. Bản thân chị hiện sống với con trai đầu (do bệnh tật không lao động được) cùng con dâu và hai cháu nhỏ nhưng kinh tế luôn vững vàng.   

Trong câu chuyện vươn lên thoát nghèo thành công của mình, chị Nguyễn Thị Lành luôn khẳng định vai trò của các cấp Hội Phụ nữ. Bởi, chính nhờ sự đồng hành và sát cánh với tinh thần "lá lành đùm lá rách", gây quỹ giúp nhau không lấy lãi của Hội Phụ nữ xã Lý Trạch và Chi hội phụ nữ thôn 10 đã giúp con đường lập nghiệp của chị bớt gập ghềnh. “Song song với hỗ trợ vốn, các cấp hội cũng dành nhiều sự quan tâm, tận tình hướng dẫn, tư vấn về khoa học kỹ thuật cũng như lựa chọn cây, con giống phù hợp cho các hoạt động sản xuất trong gia đình. Qua đó, gia đình tôi đã lựa chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp, không chỉ trông chờ vào cây sắn, cây lúa mà còn có thêm nhiều nghề cho hiệu quả kinh tế cao hơn...” - chị Lành vui vẻ cho biết.

Đối với các phong trào của Hội Phụ nữ và và thanh niên xung phong tại địa phương, chị còn được biết đến là một hội viên tích cực. Đánh giá  những thành quả đạt được hôm nay, chị Lê Thị Hát, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lý Trạch cho biết, chị Nguyễn Thị Lành là một phụ nữ giàu nghị lực và có ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo. Chính nhờ sự nỗ lực, cần cù trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp tích cực với những phong trào tại địa phương, chị luôn nhận được sự tín nhiệm, quý mến của bà con và xứng đáng là một tấm gương để chị em noi theo.

Thùy Lâm