.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công

Thứ Tư, 13/12/2017, 08:17 [GMT+7]

​Chiều 12-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Tờ trình của Chính phủ, kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 7.300 tỷ đồng. Kinh phí này được tính toán trên cơ sở số hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở là 282.948 hộ. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát và cập nhật số hộ gia đình người có công với cách mạng, tổng số hộ gia đình cần được hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn 2016-2020 là 313.707 hộ với nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 8.810 tỷ đồng.

Mặc dù về tổng số tiền hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tăng nhưng trong phương án phân bổ chi tiết cho 5 địa phương (Hà Nội, An Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Tiền Giang) giảm 101,208 tỷ đồng so với số đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng đã giao cho các địa phương này.

>> Bổ sung 553 tỷ đồng mua bù số gạo đã xuất kho để cứu trợ người dân

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép cắt giảm 101,208 tỷ đồng kế hoạch đầu tư hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng đã giao cho 5 địa phương, trong đó: Hà Nội: 30,736 tỷ đồng, An Giang 69,958 tỷ đồng, Hà Tĩnh 32 triệu đồng, Hải Dương 406 triệu đồng, Tiền Giang 76 triệu đồng. Toàn bộ số vốn cắt giảm nêu trên bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho rằng, mức cắt giảm của một số địa phương khá cao như thành phố Hà Nội 30 tỷ đồng, An Giang 69,958 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cần giải trình rõ hơn lý do dẫn đến việc phải đề xuất điều chỉnh giảm đối với phần vốn hỗ trợ cho 5 địa phương này, bảo đảm thống nhất với các địa phương về chủ trương cắt giảm phần vốn đã bố trí để tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện.

Qua số liệu báo cáo cho thấy, số lượng các hộ gia đình thuộc diện cần hỗ trợ cũng như nhu cầu cần hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đã có sự thay đổi đáng kể so với thời điểm Chính phủ báo cáo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bố trí vốn cho nhiệm vụ này.

Điều này thể hiện công tác quản lý, thống kê, tổng hợp số liệu để làm căn cứ phục vụ cho quá trình xây dựng dự toán, đề xuất tổng mức vốn cần hỗ trợ còn chưa nhất quán, chưa sát với tình hình thực tế. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rút kinh nghiệm, rà soát lại để bảo đảm chính xác, đầy đủ; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao vốn cho các địa phương để triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ gia đình người có công với cách mạng.

Về đề xuất cắt giảm và bổ sung phần vốn cắt giảm cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, việc này là hợp lý đồng thời không làm thay đổi tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)