.

Tạo cơ hội cho thanh niên khuyết tật

Thứ Tư, 22/11/2017, 15:28 [GMT+7]
(QBĐT) - Ngày 22- 11, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức buổi đối thoại tư vấn, kết nối và hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Các bạn thanh niên khuyết tật tham gia buổi đối thoại
Các bạn thanh niên khuyết tật tham gia buổi đối thoại
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Quảng Bình hiện có hơn 45.000 người khuyết tật (NKT), trong đó hơn 14.400 NKT nặng, 3.643 NKT đặc biệt nặng, 2. 874 trẻ khuyết tật. Trong đó, 90% NKT chủ yếu sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế thiếu thốn và khó khăn. Riêng NKT làm việc trong các cơ quan nhà nước chỉ chiếm 0.01% so với số lượng NKT trên địa bàn tỉnh. 
 
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp hiện đang tuyển dụng người khuyết tật trên địa bàn đã đối thoại trực tiếp, giải đáp những băn khoăn về chế độ cũng như cơ hội việc làm tại cộng đồng với các bạn thanh niên khuyết tật tham gia chương trình.Nhiều NKT cho biết, sau khi học việc xong ra trường, họ rất khó khăn trong việc tìm cho mình một công việc phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà doanh nhiệp cho rằng, đối với doanh nghiệp thì hiệu quả công việc là mục đích cuối cùng, vì vậy đối với NKT cơ hội công việc là có, tuy nhiên, NKT có đáp ứng được nhu cầu công việc của mình hay không.
 
Tại buổi đối thoại, ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Trong thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách đối với NKT như: thanh niên khuyết tật, thanh niên tàn tật được học văn hoá, học nghề, giải quyết việc làm phù hợp, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục công lập; được miễn, giảm viện phí khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế của Nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động văn hoá, thể thao. Tuy nhiên, bản thân NKT khi đi làm sẽ gặp rất nhiều rào cản như: thiếu thông tin việc làm, nhà tuyển dụng chưa hiểu rõ khả năng của NKT, bản thân NKT không tự tin, môi trường làm việc không phù hợp,... Vì vậy, rất cần các doanh nghiệp tạo môi trường thông tin việc làm và công việc phù hợp với từng đặc điểm khiếm khuyết của NKT. Từ đó, tạo cơ hội để NKT được hòa nhập với cộng đồng, có dịp học hỏi và tiếp xúc với những công nghệ hiện đại; được thể hiện năng lực thực sự của mình; có thu nhập tự nuôi sống bản thân và cảm thấy tự tin vì có ích cho gia đình và xã hội.
Phạm Hà