.

Phụ nữ Trọng Hóa: Phát huy hiệu quả tổ hợp tác mây tre đan

Thứ Tư, 22/11/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, Hội Phụ nữ (HPN) xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) được HTX mây tre đan Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) tập huấn, đào tạo nâng cao nghề đan lát để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Qua một thời gian triển khai, chị em đã nhanh chóng tiếp thu và phát triển nghề mây tre đan truyền thống của địa phương.

Bao đời nay, người dân xã Trọng Hóa được biết đến với đôi bàn tay khéo léo cùng tài năng đan lát. Họ đã tự tay đan những sản phẩm bằng mây tre để phục vụ cho đời sống, như: chiếu, gối, mâm, giỏ, gùi, ổ dao... Những sản phẩm này có độ tỉnh xảo cao. Đồng bào ở đây từ người già đến người trẻ, đàn ông hay phụ nữ hầu như đều biết đến nghề đan lát.

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, còn việc buôn bán sản phẩm rất hạn chế. Những năm gần đây, đời sống kinh tế ngày càng nâng cao, thông thương thuận lợi, nên những sản phẩm bằng mây tre đan thủ công của đồng bào dần được thay thế bằng những mặt hàng công nghiệp từ nhựa, nhôm, sắt...

Trước thực trạng nghề mây tre đan của đồng bào đang dần mai một, HPN xã Trọng Hoá đã đứng ra khôi phục lại và tạo công ăn việc làm cho bà con. Chị Hồ Thị Toàn, Chủ tịch HPN xã Trọng Hóa tâm sự: “Sau khi trao đổi và có sự thống nhất của Đảng ủy, UBND xã, chúng tôi đã làm việc với HTX mây tre đan Quảng Phương, đề nghị được tập huấn, cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Hội đã tập hợp chị em và những người có nghề đan lát lại thành tổ hợp tác (THT). Đến nay, THT mây tre đan của Hội được thành lập với 30 thành viên từ 18 đến 70 tuổi.

Tổ hợp tác mây tre đan của Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa hoạt động hiệu quả.
Tổ hợp tác mây tre đan của Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa hoạt động hiệu quả.

Chị Hồ Thị Thanh, Tổ trưởng THT chia sẻ: “Nghề đan lát của người Khùa chúng tôi có từ hàng trăm năm rồi. Trước đây, cha ông chỉ làm đồ dùng trong gia đình thôi. Thấy người đan ít dần, nên tôi sợ nghề mai một, ảnh hưởng đến văn hóa đan lát. THT cố gắng tập hợp chị em để khôi phục lại, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong xã”.

Trước đó, người dân xã Trọng Hóa cũng được một số chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan nhưng không duy trì và phát huy được nghề. Nguyên nhân là do dự án yêu cầu chị em góp vốn mỗi người 6 triệu đồng để hoạt động, nhưng bà con không có tiền nên THT phải gác lại. Nhưng lần này, HTX mây tre đan Quảng Phương đã tập huấn miễn phí cho bà con, cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.

Bà Hồ Thị Nang, bản K-Ing, phấn khởi: “Trước đây, người dân chúng tôi chủ yếu làm mùa trên rừng, trên rẫy. Nay được tham gia THT mây tre đan, tôi đã có việc làm, nhất là vào những ngày mưa gió nhàn rỗi”. Nếu sau này, THT đi vào hoạt động ổn định, mỗi ngày một thành viên cũng có được thu nhâp hàng trăm nghìn đồng, cao hơn so với đi hái măng, lấy củi trên rừng. Hiện THT đang phân mây sợi cho từng thành viên trong tổ về sản xuất tại nhà để hạn chế việc đi lại, tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Chị Hồ Thị Coong, ở bản La Trọng 1 nói: “Các thành viên trong THT rất vui khi có thêm nghề đan lát. Hiện tại, hàng hóa của THT sản xuất ra ngày càng nhiều và tiêu thụ hết. Nếu THT được duy trì, chắc chắn tôi sẽ tham gia thường xuyên để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”. THT đang triển khai đan sản phẩm sọt đựng ấm nước chè.

Sắp tới, THT sẽ đăng ký đan thêm những sản phẩm mới, như: cu tôốc (mâm cơm), cà nhăng (giỏ), cà pha (gùi), để đa dạng hóa các sản phẩm nhằm phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và làm quà lưu niệm. Những sản phẩm này đã được bà con đan rất thành thạo, được mọi người dân trong huyện biết đến và đã tham gia một số hội chợ, lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: “Sản phẩm làm ra bao nhiêu, HTX mây tre đan Quảng Phương đều mua hết, nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, THT vẫn còn khó khăn về nguồn vốn đối ứng để đầu tư cho sản xuất. Để THT đi vào hoạt động hiệu quả và bền vững, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ cho bà con tự trồng mây nguyên liệu; đồng thời đề nghị với cấp trên hoặc các dự án đầu tư cho bà con xây nhà xưởng sản xuất, máy vót mây tre, ký cam kết bao tiêu sản phẩm lâu dài cho người dân”.

THT mây tre đan của Hội LHPN xã Trọng Hóa dù mới được thành lập và hoạt động còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, nếu được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ từ các cấp chính quyền, chắc chắn sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Việt Hà